Trong lúc người tiêu dùng Việt Nam đang xa lạ với các loại rau thơm có xuất xứ từ châu Âu, bà Phạm Thị Thu Cúc (thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đã tiên phong trồng thử. Hiện nay, mỗi năm bà có thu nhập gần 1,2 tỷ đồng từ mô hình mới mẻ này.
Chấp nhận lỗ để gây dựng thị trường
Năm 2008, sau những thất bại nặng nề từ việc kinh doanh bất động sản, bà Phạm Thị Thu Cúc gom tất cả tiền bạc còn lại chuyển sang lập trang trại trồng rau sạch tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương.
Sau lứa đầu tiên là các loại rau quả sạch được trồng trong nhà kính như bó xôi, bí ngồi, cà chua… được người tiêu dùng đánh giá cao, Công ty TNHH METRO Carry & Carry Vietnam gợi ý cho bà Cúc nên trông thêm các loại rau thơm xuất xứ châu Âu để cung cấp cho người tiêu dùng ngoại quốc ở TP.HCM, bởi hiện nay mặt hàng này đều phải nhập khẩu. Công ty này hứa sẽ đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà.
Sẵn có con gái đang du học tại Pháp, bà Cúc gọi điện cho con tìm đến công ty chuyên sản xuất hạt giống đặt mua các loại hạt rau thơm Tây. Phải mất khá nhiều thời gian, bằng các mối quan hệ thân thiết với sinh viên nước sở tại, con gái bà Cúc đã nhờ họ tác động tới một cửa hàng chuyên phân phối hạt giống.
Cuối cùng, hơn 10 loại hạt giống rau thơm Tây như chervil (ngò rí Tây), basil (quế Tây), chocolate mint (bạc hà Tây tím), thyme (xạ hương Tây), rosemary (hương thảo Tây)… cũng được gửi về cho bà Cúc.
Đất đã có sẵn, hạt giống nắm trong tay nhưng kỹ thuật trồng các loại rau này là con số không bởi từ trước đến nay tại Lâm Đồng chưa có ai trồng. Bà Cúc đành áp dụng kỹ thuật trồng rau sạch để thử nghiệm cho giống rau thơm Tây. Chính bà Cúc cũng không ngờ rau thơm Tây lại thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng vùng Đạ Nghịt đến vậy.
Chỉ 2 tháng sau, vườn rau thơm Tây với hơn 10 loại đã đâm chồi, đẻ nhánh phủ kín mặt đất. METRO đứng ra bao tiêu sản phẩm rau thơm Tây độc quyền cho gia đình bà Cúc. Thế nhưng, trong hàng chục kg rau thơm Tây của gia đình bà Cúc khi đó chuyển xuống hệ thống siêu thị METRO tại TP.HCM mỗi ngày chỉ bán được 2 – 3kg, phần còn lại là đổ bỏ. Sản phẩm làm ra không bán được dẫn đến thua lỗ không chỉ vài tháng mà kéo dài cả năm.
Thu 1,2 tỷ đồng mỗi năm
Ông Nguyễn Văn Tùng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương nhận xét: Bà Cúc là một phụ nữ can đảm, dám nghĩ dám làm nên đã thành công lớn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là đưa các giống rau thơm Tây về Đà Lạt canh tác. Bà là một gương điển hình trong làm nông nghiệp công nghệ cao của huyện.
Kiên trì chinh phục thị trường, giờ thì sản phẩm rau thơm Tây đã không còn quá xa lạ đối với nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Nếu như ban đầu, người nước ngoài là đích hướng tới của bà Cúc và METRO, thì nay người Việt Nam cũng đã bắt đầu sử dụng và làm quen dần các loại rau này. Diện tích rau thơm Tây cũng được bà Cúc cho mở rộng từ vài trăm lên đến 4.000m2 trong nhà kính.
Hiện mỗi ngày nông trại của gia đình bà Cúc xuất đi khoảng 30kg các loại rau thơm Tây cho siêu thị METRO và một số nhà hàng lớn tại TP.HCM. Với giá bán trung bình trên 100.000 đồng/kg cho tất cả các loại, tính ra mỗi năm riêng rau thơm Tây cho gia đình bà Cúc thu về gần 1,2 tỷ đồng. Bà Cúc còn tiết lộ, bà đã sấy thành công loại trà từ rau thơm Tây.
Trong thời gian tới, gia đình bà sẽ biến các rau thơm Tây thành trà khô thương phẩm để đưa ra thị trường tiêu thụ. Đây là hướng đi mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ các loại rau mới được di thực về Việt Nam này.
Nguồn: sưu tầm