Ốc nhảy da vàng, đối tượng nuôi mới

Hiện, ốc nhảy da vàng bị khai thác quá mức, đang có nguy cơ bị cạn kiệt. Trong khi, nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, vì vậy việc đưa chúng trở thành một đối tượng nuôi thủy sản là rất cần thiết.

Đặc điểm sinh học

Ốc nhảy da vàng có tên khoa học là Strombus canarium, vỏ chắc chắn, tỷ lệ chiều rộng và chiều cao 3:5. Bộ phận xoắn ốc thấp, có dạng hình tháp, có 9 tầng xoắn ốc. Tầng trên cùng trơn tru, tiếp đến 3 – 4 tầng là các vòng sinh trưởng, xoắn ốc cắt nhau dạng mặt vải thô. Mặt ngoài của vỏ trơn láng, có màu vàng do lớp da mỏng hình thành, mặt trong màu trắng sữa. Miệng vỏ hẹp, dài, màu trắng. Mép ngoài và mép trong miệng có vỏ dày, có xu hướng bè ngược ra ngoài. Nắp vỏ có hình lá liễu, mép có răng cưa. Ốc lớn chiều dài 5,7 – 5,8 cm, rộng 3,7 – 3,8 cm.

Ốc nhảy da vàng, đối tượng nuôi mới - 5680f3ca81e97

Trên thế giới, ốc nhảy da vàng phân bố ở vùng biển Ấn Độ – Tây Thái Bình Dương, vùng biển Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Australia. Ở Việt Nam, chúng phân bố dọc theo bờ biển từ Bắc vào Nam; tập trung nhiều ở một số vùng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nha Trang, Cà Mau, Kiên Giang. Trong vùng sinh thái, ốc nhảy phân bố chủ yếu ở vùng triều, ở độ sâu dưới 30 m, đặc biệt ở vùng hạ triều đến dưới triều, độ sâu 10 m, nơi có nhiều tảo, đáy thường là bùn cát hoặc cát bùn và trong hệ sinh thái cỏ biển. Ốc nhảy da vàng sử dụng các loài thực vật phù du làm thức ăn như tảo đáy, mùn bã hữu  cơ, vật chất lắng đọng và cỏ biển.

Hiện trạng và tiềm năng

Ốc nhảy da vàng là đối tượng thân mềm biển, có triển vọng trong nuôi trồng thủy sản, do giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao. Trong 1 kg thịt ốc có chứa 17 loại axit amin và nhiều khoáng vi lượng. Gần đây, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản (Đại học Nha Trang) đã vớt trứng từ lồng nuôi ốc nhảy của ngư dân ở Cam Ranh, Khánh Hòa và ương nuôi thành ấu trùng nổi và ốc con. Nuôi ốc thịt trong bể xi măng 25 m3, mật độ 120 con/m2, cỡ 5.000 con/kg, sau 3,5 tháng ốc đạt trọng lượng 257 con/kg, tỷ lệ sống 50%.

Nuôi thương phẩm ốc nhảy từ lâu đã trở thành một trong những nghề chính mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở Vân Đồn, Quảng Ninh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với người nuôi nơi đây là chưa chủ động được nguồn giống, giống chủ yếu là đánh bắt, thu gom từ ngoài tự nhiên hoặc nhập từ các tỉnh Nam Trung bộ. Trước thực trạng đó, năm 2007 – 2008, Trung tâm Khoa học Kỹ thuật và sản xuất Giống thủy sản Quảng Ninh đã triển khai đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh trưởng, phát triển và khả năng sản xuất giống ốc nhảy”. Kết quả, việc sinh sản nhân tạo cơ bản đã thành công, tuy nhiên, vẫn chưa chủ động nguồn thức ăn cho ốc bố mẹ, tỷ lệ sống ấu trùng thấp; chưa đánh giá được ảnh hưởng của mật độ đến tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống của ốc ương. Từ đó, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy trình sản xuất giống, nuôi thương phẩm loài này trong năm 2014 – 2015. Đề tài tiến hành thực hiện: Nuôi vỗ ốc bố mẹ, nghiên cứu, kiểm nghiệm và hoàn thiện công nghệ sản xuất ốc giống, ương giống trong lồng lưới và nuôi ốc thương phẩm trên bãi triều. Cùng đó, nhân giống các loại tảo để chủ động nguồn thức ăn tự nhiên cho ốc bố mẹ, và kích thích sinh sản bằng biện pháp nâng nhiệt 3 – 50C. Kết quả thu được ốc bố phát triển tốt và đồng đều; tỷ lệ sống đạt 99,6%. Ấu trùng phù du ương nuôi phát triển nhanh, dự kiến có khoảng 30 vạn ấu trùng chuẩn bị cho xuống đáy.

> Ông Vũ Công Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Sản xuất Giống thủy sản Quảng Ninh cho biết, ước tính nhu cầu về con giống ốc nhảy da vàng ở riêng các xã đảo Vân Đồn hiện trên 7,5 triệu con/năm. Việc sinh sản nhân tạo thành công giúp các hộ nuôi giảm chi phí đầu vào, tạo ra lượng sản phẩm lớn, góp phần đa dạng nghề nuôi nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Ốc nhảy da vàng, đối tượng nuôi mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *