Site icon Nuoitrong123

Sử dụng cây cao su làm trụ sống trồng tiêu: Liệu có khả thi?

 

Giá mủ cao su liên tục xuống thấp không có dấu hiệu hồi phục trong thời gian qua khiến những người trồng cao su nản chí. Nhiều người phải chuyển đổi sang trồng cây khác hoặc duy trì bằng hình thức lấy ngắn nuôi dài. Một số khác quyết định liều lĩnh bằng cách chặt cây cao su và sử dụng làm trụ để trồng tiêu. Số khác cẩn thận hơn thì vẫn để cây cao su sống và trồng tiêu leo lên, xen canh thêm cà phê. Cách làm này hiệu quả ra sao chưa ai biết nhưng đã và đang được nhiều nông dân áp dụng.

Giá mủ cao su thấp nhưng do tiếc công đầu tư nhiều năm nên rất nhiều nông dân đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Chặt bỏ thì tiếc mà giữ lại vườn cao su thì thu hoạch mủ chẳng được bao nhiêu tiền chả bù vào công đầu tư chăm sóc. Chính vì vậy, một số nông dân trên địa bàn tỉnh sau một thời gian đắn đo đã quyết định sử dụng cây cao su làm trụ sống để trồng cho tiêu leo lên. Bước đầu, cách làm này như một phương pháp khả thi trong giai đoạn giá cao su giảm như hiện nay.

Nhiều nông dân triển khai trồng tiêu leo lên cây cao su.

Cũng như nhiều nông dân khác, sau khi tham quan một vài vườn trồng tiêu cho leo lên cây cao su của một số người quen, nông dân Rơ Lan Gien-làng Bang, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông mạnh dạn chuyển đổi theo mô hình trên. Anh Gien cho biết: Vườn cao su của nhà tôi cả thảy 4ha. Ban đầu, tôi chỉ thử nghiệm trồng tiêu cho leo lên cây cao su khoảng 1 ha. Cây cao su tỉa bớt cành và cây vẫn sống, sau khi hoàn thành các khâu kiến thiết cơ bản thì trồng tiêu cho leo lên cây cao su. Bên cạnh đó, tôi trồng xen canh cà phê. Cách làm này, vừa tiết kiệm được tiền đúc trụ, tiền lưới che phủ mà cây tiêu vẫn sinh trưởng tốt. Thấy vậy, tôi đã mở rộng diện tích trồng tiêu lên 2 ha.
Mặc dù chưa có đánh giá của các chuyên gia về cách làm này, hiệu quả ra sao nhưng thấy nhiều người trồng và đã cho thu hoạch, năng suất tiêu vẫn đảm bảo nên anh Gien rất phấn khởi. Theo nông dân Rơ Lan Gien: “Cây cao su vẫn là cây sống và sau này nếu giá cả khả quan thì vẫn tiếp tục khai thác mủ nên không lo mất trắng. Ngoài ra, nếu cây tiêu tiếp tục sinh trưởng tốt, cho thu hoạch khá thì sẽ tiếp tục nhân rộng ra…”.
Ông Nguyễn Lưu-Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giáo, huyện Chư Prông cho biết: Có một số hộ dân trên địa bàn xã đang thử nghiệm phương pháp trồng tiêu cho leo lên cây cao su nhưng diện tích không đáng kể và chỉ mới trong giai đoạn đầu. Đến nay, do chưa có thu hoạch nên cũng không thể đánh giá được cách làm này có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, UBND xã cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không nên chạy theo phong trào, tránh tình trạng chuyển đổi cây trồng một cách ồ ạt.
Về cách trồng tiêu trên cây cao su của một số nông dân trên địa bàn tỉnh, ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo: Tuy không chặt cao su nhưng dùng cây cao su để làm trụ sống cho cây tiêu leo thì cũng đồng nghĩa với việc chặt bỏ cao su. Vì trồng cao su nhằm thực hiện mục đích khai thác mủ; nếu đốn, chỉ để vài cành và thân cao su để tiêu leo thì cây cao su không thể cho mủ, sản xuất mủ không còn ý nghĩa. Mặt khác, về yếu tố kỹ thuật, cây hồ tiêu rất nhạy cảm với nấm bệnh, đặc biệt là nấm phytophthora, tác nhân gây ra bệnh héo chết nhanh. Trong khi cây cao su lại là ký chủ của nấm phytophthora (thông báo của Cục Bảo vệ Thực vật), lại thêm nấm trắng, nấm hồng. Hồ tiêu là cây trồng khó tính và chưa ai khẳng định hiệu quả kinh tế khi sử dụng cây cao su làm trụ. Do vậy, cách làm này là chưa đảm bảo cơ sở khoa học; mặc dù, thực tế đã có một số hộ dân tự phát trồng hồ tiêu cho leo trên cây cao su. Chính vì lý do trên, ngành không khuyến cáo và không nhân rộng cách làm này.
Hiện Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương phối hợp thống kê số diện tích trên, đồng thời đề nghị UBND các địa phương có diện tích trồng cao su, nhất là cao su tiểu điền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không nên phá bỏ cao su để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.

Nguồn: sưu tầm

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version