Thu nhập cao từ mô hình nuôi Chồn mướp

Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có nhiều bước phát triển, tác động tích cực đến đời sống của người dân. Cũng từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Trong đó có ông Nguyễn Văn Ðấu, ở ấp Ông Ðịnh, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Năm 2010, ông Nguyễn Văn Ðấu mua 1 cặp chồn mướp từ người bạn ở U Minh đem về nuôi. Ban đầu ông cũng nghiên cứu cách cho ăn, xây dựng chuồng cho chồn. 6 tháng sau chồn đẻ được 2 con… Thấy chồn dễ nuôi, ông bắt đầu nhân giống. Chỉ trong 5 năm (2010 – 2015) ông Ðấu mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư, ông đã phát triển số lượng chồn mướp lên tới 37 con. Trong đó có 30 con chồn đẻ và 7 con chồn đực. Ông Ðấu chia sẻ: “Nhờ trong vuông có sẵn cá, chỉ việc bắt lên rồi cho ăn. Ðặc biệt, mỗi tháng tôi còn thay món trái cây chín như: chuối, mận… và ba khía để tăng thêm lượng dinh dưỡng cho chồn mướp. Do thức ăn có sẵn nên việc nuôi chồn mướp không tốn nhiều chi phí”.

Thu nhập cao từ mô hình nuôi Chồn mướp - thunhap 1

Ông Nguyễn Văn Đấu với mô hình nuôi chồn mướp.

Sau khi đẻ khoảng 54 ngày là có thể tách bầy và đem bán chồn con. Hiện chồn mướp con được hộ nuôi mua với giá 2 triệu đồng/con, riêng chồn thương phẩm được các nhà hàng thu mua với giá 1 triệu đồng/kg. 1 năm ông Ðấu bán ra thị trường khoảng 130 – 150 chồn con, khoảng 20 chồn thương phẩm, thu nhập trên 250 triệu đồng.

Ðặc tính của chồn mướp là mỗi năm sinh sản 2 lần, nhưng hiện ông Nguyễn Văn Ðấu đã ép giống và cho chồn sinh sản 3 lần/năm. Ông Ðấu cho biết: “Ðến ngày chồn động đực, tôi bắt đầu cho chồn đực giao phối với chồn cái rồi ghi rõ ngày tháng, khoảng 54 ngày chồn bắt đầu đẻ. Khi chồn mẹ nuôi con được 2 tháng thì tôi tách chồn con nuôi riêng và bắt đầu phối giống tiếp. Như vậy mỗi năm bình quân 1 con chồn cái đẻ được từ 10 – 12 chồn con”.

Ðối với kỹ thuật nuôi, ông Ðấu xây dựng chuồng cao khoảng 1 m và rộng khoảng 0,5 m. Chồn cái và chồn đực được nuôi riêng. Chồn nuôi phải đảm bảo ánh sáng và thoáng mát nhằm hạn chế dịch bệnh, tạo môi trường hoang dã để chồn dễ thích nghi.

Chính vì nuôi hiệu quả mà nhiều hộ nông dân các tỉnh như: Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu hiện còn đặt cọc ông Ðấu trên 300 chồn mướp con. Theo ông Ðấu, đến giữa năm 2016 ông mới đáp ứng đủ lượng giống cho họ. Còn đối với chồn thịt, ông không đủ cung cấp cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh.

“Với mô hình nuôi chồn mướp, ông Ðấu không những cải thiện điều kiện kinh tế gia đình, mà còn giúp địa phương có thêm nghề mới, góp phần nâng cao đời sống người dân”, ông Nguyễn Văn Bình, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Ông Ðịnh, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, cho biết.

“Hướng tới, UBND xã Tân Ân Tây tranh thủ nguồn Quỹ Vì người nghèo khoảng 300 triệu đồng để mua khoảng 150 chồn mướp con từ ông Ðấu đầu tư cho 20 hộ nghèo nuôi. Ðây sẽ là cơ hội để xã giảm tỷ lệ hộ nghèo và tiến tới xã đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình đề ra”, ông Lê Minh Thuỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây, cho biết.

Nguồn: Báo Cà Mau

Thảo luận cho bài: Thu nhập cao từ mô hình nuôi Chồn mướp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *