Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng và các cơ quan hữu trách tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
An toàn thực phẩm là vấn đề ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khỏe con người, được xã hội rất quan tâm. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm ATTP. Từ khi có Luật ATTP năm 2010, các bộ, ngành đã thực hiện quản lý an toàn theo chuỗi đối với từng ngành hàng, phù hợp thông lệ quốc tế và khắc phục được tình trạng cắt lát, chồng chéo.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm…
Nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm ATTP, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm được giao.
Trong đó, đáng lưu ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công An điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP theo quy định của pháp luật hình sự.
Kiểm tra đột xuất về ATTP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công, quản lý chặt chẽ các vật tư liên quan đến ATTP, giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP.
Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm tập thể, cá nhân, điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP theo quy định của pháp luật hình sự.
Trước ngày 20/5/2016, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phương án kinh phí cho công tác quản lý ATTP theo hướng cho phép các địa phương sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm hành chính về ATTP và bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu công tác này, đặc biệt là kinh phí cho công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, trang thiết bị kỹ thuật, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn; tổ chức, cá nhân vi phạm phải trả chi phí xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn.
Trước mắt, ứng trước 90% dự toán chi ngân sách trung ương năm 2016 đã bố trí cho dự án ATTP thuộc Chương trình mục tiêu y tế – dân số để các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm ATTP năm 2016.
Kiên quyết xử lý cán bộ buông lỏng quản lý ATTP
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các cấp chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn; xác định việc bảo đảm vệ sinh, ATTP là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo, điều hành; ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm ATTP, trước mắt chủ động bố trí kinh phí tương ứng với số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP thuộc ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn.
Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP của cơ quan nhà nước cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Lãnh đạo các cấp từ xã đến tỉnh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn.
Phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ký cam kết bảo đảm vệ sinh ATTP. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải công bố quy trình sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Xác định việc bảo đảm ATTP là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa.
Tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
Các địa phương đầu tư trang thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại các trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn, hướng dẫn và giúp người dân nhận biết thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn; phát huy năng lực của các trung tâm đo kiểm trên địa bàn.
Nguồn: sưu tầm