Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hoá) đã không ngừng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giúp nông dân tăng năng suất cây trồng.
Ông Nguyễn Hồng Phong, TGĐ Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hoá) cho biết: “Mục tiêu chúng tôi xây dựng mô hình nhằm giảm giá SX lúa thương phẩm xuống dưới 3.000 đ/kg (nếu bán 5.000 – 6.000 đ/kg thì nông dân còn lãi 2.000 – 3.000 đ/kg). Các biện pháp Cty thực hiện trong quá trình SX đồng bộ từ làm đất đến thu hoạch; sử dụng phân bón công nghệ cao, đồng bộ (tiết kiệm 20% chi phí so với bón phân thông thường) và quản lý dịch hại tổng hợp…”. Cũng theo ông Phong, vì là giải pháp kỹ thuật mới nên việc tiếp cận của người dân thời điểm ấy rất hạn chế, nhiều lần thấy máy cấy xuống mạ non, nhỏ, thưa, bà con lội xuống dặm cho dầy thêm. Thậm chí một số nông dân còn phản đối bằng cách nhổ hết cả mảnh ruộng để cấy lại.
“Chúng tôi cũng chỉ biết vận động, tuyên truyền và chứng minh bằng năng suất, chất lượng lúa sau cuối mùa vụ. Rồi một, hai, ba vụ thành công, cứ như vậy người dân thấy được hiệu quả đã tự tìm đến Cty đề nghị phối hợp đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng gia đình mình”, ông Phong nhấn mạnh. Được biết, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 10.000 ha diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch trong SX lúa, là địa phương dẫn đầu miền Bắc về cơ giới hóa đồng bộ.
Bên cạnh đó, tại một số tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Hà Nội, Bắc Giang…, trong năm 2015, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ, đánh giá thực hiện mô hình sử dụng đồng bộ dinh dưỡng N.P.K. Si Tiến Nông trên cây lúa.
Tại Tuyên Quang, khi sử dụng đồng bộ dinh dưỡng N.P.K.Si trên lúa mùa thấy cây sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe, tập trung, khả năng chống sâu bệnh khá, thân cây to khỏe chống đổ tốt, năng suất trung bình 240kg/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m²).
Tại Hà Nội, kết quả của mô hình trình diễn kỹ thuật sử dụng phân bón trên cây lúa ở xã Dị Nậu (Thạch Thất) cho thấy, năng suất lúa mùa năm 2015 được bón phân N.P.K Si Tiến Nông cho năng suất cao hơn phân NPK khác 7 tạ/ha (tương đương 25 kg/sào). Tại xã Minh Quang (Ba Vì) cũng cho năng suất cao hơn 28kg/ sào so với ngoài mô hình.
Hơn nữa, sử dụng đồng bộ sản phẩm dinh dưỡng của Tiến Nông còn góp phần hạn chế sự phát sinh gây hại của sâu bệnh. Từ kết quả đó, đến đầu quý II/2015, Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội đã phối hợp với Công ty Tiến Nông xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sử dụng phân bón trên cây lúa ở các xã Dị Nậu, Hương Ngải (huyện Thạch Thất), thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) và xã Minh Quang (huyện Ba Vì).
Nguồn: sưu tầm