Site icon Nuoitrong123

Tôm càng xanh

Loài tôm càng xanh – M. rosenbergii de Man 1879 có tên tiếng Anh là Giant prawn thuộc giống: Macrobrachium.

 

Phân bố

Tôm Càng nước ngọt phân bố khắp các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới trên thế giới.

Hiện nay được biết có trên 100 loài, trong đó hơn một phần tư số này có ở châu Mỹ.

Chúng có mặt ở hầu hết các vùng nước ngọt nội địa như sông, hồ, đầm lầy, mương ao cũng như các vùng cửa sông. Hầu hết các loài đều cần có nước lợ cho các giai đoạn biến thái của ấu trùng. Một số loài thích nghi môi trường nước trong, một số loài khác gặp trong điều kiện nước rất đục như Tôm Càng Xanh M. rosenbergii.

Một số quốc gia không có Tôm Càng Xanh phân bố trong tự nhiên như Pháp, Mỹ, khu vực Đài Loan hiện đã di giống về nuôi trong tự nhiên. Thường tôm càng xanh phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhưng chủ yếu là vùng Nam và Đông Nam Châu á, một phần của Đại Tây Dương và vài bán đảo ở Thái Bình Dương.

Ở Việt Nam, tôm càng xanh phân bố từ Nha Trang trở vào.

Hình thái của tôm càng xanh được nhiều tác gi mô t như Holthius; Đức và ctv. (1988 và 1989); Forster và Wickins 1972. Tuy nhiên, ở nước ta trong ao nuôi hay trong khai thác tự nhiên thì xuất hiện 2 dạng tôm càng mà được gọi là tôm càng xanh và tôm càng lửa.

Tôm càng xanh phân bố ở tất cả các thủy vực nước ngọt (đầm, ao, sông, rạch, ruộng lúa…) và kể cả ở vùng nưóc lợ cửa sông. Trên thế giới tôm phân bố ở khu hệ ấn Độ Dương và Tây Nam Thái Bình Dương. Ở Việt nam, tôm càng xanh phân bố chủ yếu các tỉnh Nam bộ đặc biệt là các vùng nước ngọt và vùng cửa sông ven biển ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Đời sống và sinh sản của tôm càng xanh

Tôm càng xanh có trọng lượng khá lớn, con đực có thể đạt tới 450g/con. Thân tương đối tròn, con trưởng thành có màu xanh dương đậm. Chuỷ phát triển nhọn, 1/2 chuỷ ngoài cong lên, trên mắt chuỷ có 11-15 răng, 3-4 răng sau hốc mắt, mắt dưới thường 12-15 răng. Chiều dài chuỷ của tôm cái khi trưởng thành thường bằng hoặc ngắn hơn vỏ đầu ngực, còn chuỷ tôm đực dài hơn chiều dài vỏ đầu ngực.

Chân ngực thứ hai luôn luôn phát triển hơn các chân khác, nhất là ở tôm đực trưởng thành, đôi chân ngực thứ 2 có hình dạng và kích thước giống nhau.

Khi chiều dài bình quân 8-14cm, trọng lượng cơ thể từ 10-20g, tôm càng xanh có sự phát triển tương đương giữa con đực và con cái. Khi chiều dài vượt quá 14cm, con đực thường phát triển nhanh hơn con cái.

Trong quá trình nuôi, thả nuôi trực tiếp tôm bột (postlarvea) sau 7 tháng nuôi, cá thể đực lớn nhất đạt 110g, cá thể cái lớn nhất chỉ đạt 50g.

Vòng đời của tôm càng xanh có 5 giai đoạn chủ yếu:

Trứng – ấu trùng – Tôm bột (postlarvae) – Tôm giống (juvenile) – Tôm trưởng thành (adult).

Mỗi một giai đoạn, đòi hỏi môi trường và điều kiện sống khác nhau.

Khi con cái và con đực trưởng thành, ở con cái có trứng chín thì xảy ra hiện tượng lột xác, con đực và con cái tiến hành giao vỹ rồi ấp trứng. Khi tôm đang ấp trứng, buồng trứng vẫn phát triển, phóng thích ấu trùng ở bụng xong, sau 2-5 ngày lại lột xác, giao vỹ và đẻ tiếp.

Theo Ling (1969), ấu trùng trải qua 8 giai đoạn, nhưng theo Uno và Soo (1969), thì ấu trùng trải qua 11 lần lột xác tương ứng với 11 giai đoạn biến thái khác nhau trước khi biến thái qua hậu ấu trùng (postlarvae). Mỗi giai đoạn có hình thái và kích thước khác nhau. Giai đoạn 1 dài khoảng 2mm, giai đoạn 11 dài khoảng 7mm.

Giai đoạn hậu ấu trùng có hình dạng giống như tôm trưởng thành nhỏ, di chuyển chủ yếu bằng cách bò nhiều hơn là bơi lội tự do. Khi chúng bơi thường theo kiểu mặt lưng ở phía trên và tiến về phía trước. Chúng có thể lẩn tránh nhanh nhẹn bằng cách co các cơ bụng lại. Các hậu ấu trùng có khả năng chịu được sự dao động lớn của nồng độ muối.

Tôm Càng Xanh sinh sản gần như quanh năm. Tuy nhiên, ở những khu vực khác nhau thì các tháng đẻ rộ không trùng nhau. tại Việt Nam, theo Nguyễn Thắng (1993) và Phạm Văn Tình (1996) mùa đẻ rộ nhất  của Tôm Càng Xanh ở Đồng Bằng Nam Bộ tập trung vào hai thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 và từ tháng 8 đến tháng 10.

Tôm Càng Xanh trưởng thành ở nước ngọt, thành thục phát dục, giao vĩ và đẻ trứng ở đó, nhưng khi ôm trứng và ấp trứng chúng có xu thế bơi ra vùng nước lợ từ 6-18 phần ngàn.

Lỗ sinh dục đực nằm ở phần gốc của đôi chân ngực thứ 5 (bộ phận được biểu lộ ra ngoài).

Tôm cái có đầu và chân ngực thứ hai nhỏ hơn nhiều so với con đực cùng tuổi. Lỗ sinh dục của con cái nằm ở ức giữa đôi chân bò thứ 3. Trứng chín có màu đỏ da cam, có thể nhìn thấy qua lớp vỏ giáp đầu ngực. Quá trình giao vĩ chỉ có thể  thực hiện được giữa con đực thành thục sinh lý có thể trạng khỏe mạnh với con cái vừa mới hoàn tất lột vỏ gọi là “tiền giao vĩ” (premouting). Có thể chia quá trình giao vĩ thành 4 giai đoạn: Tiếp xúc, Ôm giữ con cái, Trèo lên lưng, Lật ngửa và gắn túi tinh

Sau khi giao vĩ vài giờ tôm cái bắt đầu đẻ trứng.

Khi đẻ trứng con cái cong mình về phía trước đến khi bụng và ngực tiếp xúc nhau, tạo nên sức mạnh đẩy đưa trứng từ buồng trứng ra ngoài qua lỗ sinh dục, trứng được thụ tinh ở đây và rơi thẳng vào buồng ấp trứng.

Buồng ấp trứng được tạo thành bởi màng bụng uốn vào và phần gốc của những chân bụng đầu tiên phát triển dài ra và có những tấm lông cứng, dài để mang trứng khi tôm sinh sản.

Buồng ấp trứng ở chân bụng thứ 4 được nhận trứng trước tiên, rồi lần lượt chân bụng thứ 3, thứ 2 và cuối cùng là chân bụng thứ nhất. Trong buồng ấp, trứng được bao bọc bởi một màng nhày trong suốt, dính chặt vào các sợi lông ở 4 đôi chân bụng đầu tiên. Trứng thụ tinh được giữ lại ở khoang bụng. Trong quá trình ấp trứng, các đôi chân bụng hoạt động liên tục, cấp dưỡng khí cho trứng phát triển, trứng nào bị hư sẽ bị loại ra bằng đôi chân ngực thứ 2.

Số lượng trứng đẻ ra tỷ lệ thuận với trọng lượng tôm cái. Sức sinh sản tương đối trung bình từ 700-1000 trứng/ 1 gam tôm mẹ thành thục.

Tôm cái có đặc điểm mắn đẻ, gặp điều kiện thuận lợi thức ăn đầy đủ, tôm có thể đẻ 4-6 lần trong năm. Buồng trứng thường tái phát dục khi tôm cái đang mang trứng, phóng thích ấu trùng ở bụng xong sau 2-5 ngày lột xác, giao vĩ và đẻ tiếp.

Khoảng thời gian giữa hai lần lột xác tiền giao vĩ ngắn nhất là 23 ngày.

Trứng có hình hơi bầu dục, dài khoảng 0,6-0,7mm, khi mới đẻ trứng có màu vàng sáng chuyển dần sang màu da cam, đến ngày thứ 12 màu da cam của trứng nhạt dần và ngả màu xám  xanh nhạt, từ màu xám xanh nhạt chuyển dần sang xám đậm, trước khi nở khoảng hai, ba ngày thì trứng ngả sang màu xám đen (màu đen là mắt của ấu trùng còn nằm trong trứng). Như vậy dựa vào màu sắc của trứng có thể  dự đoán được ngày ấu trùng nở.

Những con cái không giao vĩ nhưng đã thành thục, chín mùi sinh dục cũng có thể đẻ trứng sau khi lột vỏ “tiền giao vĩ” nhưng những trứng không được thụ tinh này chỉ được giữ trong buồng ấp trứng một vài ngày sau đó bị thải ra ngoài. Tôm cái mang trứng dưới bụng và bảo vệ trứng đến khi nở.

Thời gian tôm cái mang trứng đến khi nở phụ thuộc vào nhiệt độ nước và dao động trong khoảng trên dưới 3 tuần. Theo Ling (1962), ở nhiệt độ từ 25-310C, thời gian ấp trứng từ 19-23 ngày, còn Subramanyam (1980) là 15-21 ngày. Với kết quả theo dõi tại viện Hải Dương học Nha Trang, trong điều kiện thí nghiệm nhiệt độ nước được giữ ổn định ở 280C, thời gian ấp trứng từ 18-21 ngày. Trong điều kiện không có điều nhiệt, nhiệt độ nước dao động từ 26-300C thì thời gian ấp trứng từ 17-23 ngày.

Trứng thường nở vào ban đêm, sau 1-2 đêm mới nở hết, ấu trùng được phát tán bởi sự hoạt động nhanh của các chân bụng tôm mẹ. ấu trùng của Tôm Càng Xanh sống phù du và bơi lội tích cực, đuôi hướng về phía trước, bụng ngửa lên trên. Chúng sống trong môi trường nước lợ. Trong tự nhiên, ấu trùng có thể nở ra ở vùng nước ngọt hay nước lợ. Nếu nở ra ở vùng nước ngọt, ấu trùng phải di chuyển ra vùng nước lợ để sống, nếu không di chuyển được sau 3-15 ngày sẽ chết hết. ấu trùng thường sống trong vùng nước có độ mặn từ 7-18% để tồn tại và phát triển. Thời gian ấu trùng chuyển thành tôm bột nhanh nhất 16 ngày và dài nhất khoảng 40 ngày. Khi chuyển thành tôm bột, chúng sẽ di chuyển về vùng nước ngọt để phát triển và tăng trưởng. Lúc này tôm bột có độ thẩm thấu độ mặn rộng, đó là đặc tính của loài tôm này.

Nguồn: vietlinh.vn

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version