Mô hình nuôi tôm sú xen cá đối mục

Nuôi cá đối mục để cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi tôm: cá đối mục sử dụng các loại tảo có trong ao làm thức ăn hạn chế sự phát triển mạnh của tảo, sử dụng thức ăn thừa, chất lắng đọng hay xác chết của một số động thực vật khi tảo tàn hay trong trường hợp sử dụng thuốc, hóa chất xử lý môi trường.

Mô hình nuôi tôm sú xen cá đối mục - mo hinh nuoi tom su xen ca doi muc

 

1. Chuẩn bị ao nuôi

1.1. Địa điểm

– Diện tích ao từ 3.000 – 5.000m2

– Ao có cống cấp thoát riêng biệt, bờ đê chắc chắn, không bị rò rỉ.

– Ao có độ sâu 1-1,5m (lúc cạn nhất mức nước phải đạt ít nhất 0,5-0,6m).

– Về địa điểm: Vùng nuôi thường ở vùng trung triều (tiếp vùng cao triều) để dễ tháo cạn ao, đầm để phơi đáy ao khi cải tạo. Vùng hạ triều rất khó khăn cho việc thay nước, quản lý chất lượng nước ao nuôi.

– Đất xây dựng ao thường phải là đất thịt, thịt pha cát, ít mùn bã hữu cơ.

– Nguồn nước cung cấp cho ao nuôi phải chủ dộng, không bị ô nhiễm công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt, các yếu tố cơ bản phải đảm bảo:

+ pH: 7,5-8,5

+ S%o: 15-35%o

+ NH3: <0,1 mg/l

+ H2S: <0,03 mg/l

– Thuận lợi về giao thông, thuận tiện cho việc dịch vụ giống, thức ăn, tiêu thụ sản phẩm khi thu hoạch.

1.2. Cải tạo ao mới xây dựng

Sau khi xây dựng xong ao, cho nước vào ao ngâm 2-3 ngày, sau đó xả hết để rửa ao. Tốt nhất nên thau rửa 2-3 lần như trên. Bón vôi để cải tạo đáy. Lượng vôi tuỳ thuộc vào độ pH của đất:

– Nếu pH 6-7: dùng 300-600 kg/ha (10-20 kg/sào)

– Nếu pH 4,5-6: dùng 600-1.000 kg/ha (20-35 kg/sào)

Vôi thường dùng để cải tạo: Vôi bột ( CaCO3), vôi tôi Ca(OH)2 có tác dụng diệt khuẩn cao. Trong quá trình nuôi để điều chỉnh pH của nước nên dùng Donomite (vôi đen), bột đá.

Sau khi rải vôi phơi ao 7-10 ngày rồi đưa nước vào ao qua lưới lọc hoặc có thể cày lật úp mặt đáy sau khi rải vôi, để vôi có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với đất đáy ao tăng tác dụng khử chua đối với đáy ao.

1.3. Đối với ao cũ

– Sau khi thu hoạch tôm, xả hết nước cũ với những ao tháo được kiệt nước thì tiến hành nạo vét đưa hết chất lắng đọng hữu cơ ở đáy ra khỏi ao, tiến hành bón vôi, cày lật (nếu có điều kiện) phơi đáy 10-15 ngày cho phân huỷ hết chất hữu cơ, chất độc và những sinh vật gây bệnh cho tôm.

– Với ao không tháo kiệt được nước phơi đáy thì dùng phương pháp cải tạo ướt. Dùng bơm sục đáy ao và tháo tẩy rửa chất thải sau đó bón vôi. Sau khi cải tạo ao đưa nước vào để gây màu.

Tất cả các ao lắng, ao xử lý, ao ương đều cải tạo đúng như ao nuôi. Đồng thời lưu ý với ao có độ phèn cao thì không phơi nắng khi cải tạo để tránh xì phèn.

1.4. Diệt tạp

Sau khi cải tạo đáy ao, lấy nước vào ao qua lưới lọc. Với những ao không lấy nước từ ao lắng mà lấy từ ngoài vào để 2-3 ngày cho các loại trứng theo nước vào ao nở thành ấu trùng hoặc địch hại của tôm

– Diệt tạp bằng Saponin: Lượng dùng: 15-20 kg/1000m3 tác dụng diệt tạp, diệt các loại ký sinh hay gây bệnh, làm sạch môi trường trong nước, chỉ thả tôm sau khi sử dụng Saponin 4 ngày (Saponin có thể sử dụng cho ao nuôi đang có tôm nhưng tôm phải lớn hơn 2 g/con).

– Diệt tạp bằng Thuốc tím (KMnO4):

Liều dùng 4-5 g/m3 nước. Cách xử lý: hoà tan 1 g thuốc tím với 10 lít nước tạt đều trên mặt ao, quạt nước kết hợp với phơi nắng sau 24 giờ cho bay hết thuốc tím là có thể sử dụng được. Thuốc có tác dụng khử trùng nguồn nước cực nhanh, tiêu diệt nấm, ký sinh trùng.

– Diệt tạp bằng Formalin: 10ppm (1 lít Formalin /100m3 nước) quạt nước kết hợp với phơi nắng, khoảng 3 ngày có thể sử dụng được.

– Diệt tạp bằng Chlorin (CaCOCl):

10-15g/100 m3 nước, quạt nước kết hợp với phơi nắng tối thiểu 3 ngày mới sử dụng được.

Việc dùng hoá chất để xử lý ao nuôi dễ gây thoái hoá đất, làm nghèo dinh dưỡng môi trường đáy ao và môi trường nước, có thể nên sử dụng hoá chất ở ao chứa nước. Tuy nhiên xử lý bằng hoá chất có thể tiêu diệt được mầm bệnh, các loại địch hại của tôm như: cua, cá, còng, ốc …

2. Bón phân gây màu

– Ao nuôi cần được bón phân gây màu nước để động, thực vật phù du phát triển là nguồn thức ăn tự nhiên của tôm, đồng thời hạn chế sự phát triển của các loại tảo đáy, tạo oxy, hấp thụ các chất độc sinh ra từ thức ăn dư thừa, chất thải của tôm trong quá trình nuôi.

– Các loại phân dùng để gây màu:

+ Phân hữu cơ gồm: phân chuồng, gà, trâu, bò, khi bón phân phải được ủ mục.

+ Phân vô cơ: NPK 0,2 kg/100m2 + urê 0,2 kg/100m2. Nên bón phân vào 9-10 giờ sáng. Lượng phân bón trên có thể chia ra 2-3 ngày bón.

* Sau khi bón phân 2-3 ngày, sinh vật phù du phát triển,độ trong đạt 40-50 cm nước có màu xanh nõn chuối hoặc vàng nâu là tốt nhất cho việc thả tôm.

3. Chọn và thả giống

3.1 Chọn giống:

–  Yêu cầu tôm giống:

– Con giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được mua từ các cơ sở cung cấp giống đã được các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.

* Kiểm tra cảm quan:

– Cấu tạo ngoài hoàn chỉnh, không dị hình; các phần phụ nguyên vẹn, râu thẳng, đuôi xòe; thân có màu sáng, vỏ bóng mượt; bơi lội sát thành bể với tốc độ chậm và phản ứng nhanh khi có tác động đột ngột về tiếng động hoặc ánh sáng.

– Tôm có phản ứng nhạy với kích thích bên ngoài, bơi thẳng và có khuynh hướng bơi ngược dòng.

– Thức ăn trong ruột đầy liên tục.

* Kiểm tra sức khỏe tôm giống bằng cách gây sốc:

+ Sốc độ mặn: Lấy 40-50 con tôm giống cho vào cốc thủy tinh chứa 300 ml nước lấy từ bao vận chuyển giống. Hạ độ mặn đột ngột xuống còn 15‰ và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống 100% là đạt yêu cầu.

+ Sốc bằng formol: Thả 40-50 con tôm giống vào chén, cốc thủy tinh đựng dung dịch formalin nồng độ 100 ppm và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống 100% là đạt yêu cầu.

Xét nghiệm các mầm bệnh: Đốm trắng, đầu vàng, Taura, bệnh phát sáng…. Kết quả âm tính đối với các loại bệnh trên.

– Đối với cá giống

Cá to khoẻ, hoạt động nhanh, nhìn ngoài màu sắc sáng đầy đủ bộ phận, không bị xây xước.

Cá giống trước khi thả vao ao nuôi cần phải được tắm cho cá bằng nước ngọt hoặc tắm bằng dung dịch formol nồng độ 50 – 100 ppm, trong thời gian từ 15 – 25 phút có kết hợp sục khí.

– Thời vụ, mật độ thả:

Theo lịch thời vụ hàng năm của Sở Nông nghiệp & PTNT Nghệ An

– Tôm sú: mật độ là 15-20 con/m2

– Sau khi nuôi tôm được 1 tháng thì mới tiến hành thả cá đối mục với mật độ:  10 m2 /con, kích cở 4 – 6 cm/con (15-20g/con)

3.2. Phương pháp thả giống

– Thả tôm, cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, thả đầu hướg gió tạo điều kiện cho tôm cá phân bổ đều khắp ao.

– Cân bằng nhiệt độ nước giữa bao giống và nước ao nuôi bằng cách thả nổi bao giống trên mặt hồ vài phút. Sau đó, cho nước từ từ vào đầy bao.

4. Chăm sóc và quản lý

4.1.Chế độ cho ăn

Chỉ cho ăn đối tượng chính là tôm sú, cho ăn 2-4 lần/ngày tùy theo mật độ thả. Khẩu phần cho ăn từ 2-5% trọng lượng thân , sử dụng thức ăn viên theo giai đoạn phát triển của tôm

Một số điều cần lưu ý khi cho tôm ăn:

 – Rải đều thức ăn xung quanh bờ. Nếu ao có diện tích lớn thì nên dùng xuồng để rải thức ăn đều trong ao hồ.

– Vó kiểm tra thức ăn luôn giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thời gian hết thức ăn mang vó lên phơi nắng để diệt trùng.

– Điểm bố trí vó thức ăn không nên bố trí xung quanh vùng lấy nước vào và tháo nước ra, hoặc xung quanh máy đạp nước, nhằm kiểm tra chính xác lượng thức ăn còn dư trong vó.        

– Cho tôm ăn không theo đúng thời gian qui định trong ngày, nhằm kích thích sự tăng trưởng của tôm với nguyên tắc là một tuần có thể cho thức ăn không đúng theo thời gian quy định 01-02 lần.

– Vào những ngày khí hậu nóng bức, ban ngày tôm ăn mồi giảm, vậy nên giảm lượng thức ăn xuống.

Hằng ngày vào sáng sớm, kiểm tra sức khỏe tôm. Thường xuyên kiểm tra môi trường nước, tốc độ phát triển của tôm, cá để có những biện pháp tích cực kịp thời nhằm đem lại hiệu quả cao cho vụ nuôi.

4.2. Quản lý

– Kiểm tra lượng thức ăn hàng ngày từ đó điều chỉnh, tránh để dư thừa thức ăn làm hỏng chất lượng nước ao nuôi.

– Duy trì độ sâu của nước trong ao thường xuyên ở mức từ 1-1,5m. 

– Tăng số giờ quạt nước theo giai đoạn phát triển của tôm

– Thay nước mới theo định kỳ (1 tháng/lần), mỗi lần thay không quá 30%

– Quan sát, đo các chỉ tiêu hóa lý theo định kỳ.

– Kiểm tra dịch bệnh và tình trạng sức khỏe của tôm,cá theo định kỳ.

   – Bổ sung chế phẩm sinh học định kỳ và sau những trận mưa kéo dài

5. Phòng bệnh

 Phòng bệnh tức là áp dụng các biện pháp cần thiết để nâng cao sức đề kháng của tôm nuôi, tránh đưa mầm bệnh từ bên ngoài vào ao nuôi, ngăn ngừa mầm bệnh đã có ở tôm phát triển và lây lan. Phòng bệnh cho tôm gồm các biện pháp sau:

+ Cải tạo ao đầm nuôi đúng kỹ thuật

+ Chọn tôm giống có chất lượng, nuôi tôm ở mật độ phù hợp với điều kiện môi trường địa phương, trình độ kỹ thuật của các hộ nuôi, thả giống đúng kỹ thuật, đúng mùa vụ.

+ Cho tôm ăn với loại thức ăn có chất lượng hạn chế tối đa thức ăn tươi sống, cho ăn đúng lượng không thiếu, thừa.

+ Quản lý môi trường ao nuôi tốt, nước vùng nuôi phải sạch, không ảnh hưởng nước thải công nghiệp, nước có mầm bệnh, hạn chế sử dụng nước từ vùng sản xuất nông nghiệp đổ ra biển khi thời gian phun thuốc trừ sâu bệnh hại lúa.

Đối với ao chưa nhiễm bệnh, mà bên ngoài vùng ao đó đã có dấu hiệu nhiễm bệnh thì tuyệt đối không được cấp nước từ ngoài vào.

5.1. Các dấu hiệu bên ngoài khi tôm bị bệnh

* Dấu hiệu về ban ngày:

+ Sáng sớm nằm rải rác ven bờ, chậm chạp dễ bắt

+ Kiểm tra ruột tôm thấy không có thức ăn

+ Tôm bơi lừ lừ đuôi không xoè rộng

+ Màu sắc của tôm mất đi vẻ tươi sáng, mô cơ trở lên trắng đục

* Dấu hiệu về ban đêm:

+ Tối chiếu đèn quanh ao thấy tôm có triệu chứng bệnh sẽ bơi lơ lửng quanh bờ, khi rọi đèn vào mắt tôm thì mắt đỏ không bình thường mà có màu trắng nhợt, tôm bơi khỏi vùng chiếu sáng chậm chạp.

5.2. Một số bệnh thường gặp trên tôm nuôi và cách trị bệnh

a. Bệnh do vi rút gây ra: 

* Bệnh thân đỏ đốm trắng :

Bệnh thường xảy ra ở giai đoạn tôm từ 40 – 50 ngày tuổi.

– Dấu hiệu bệnh lý: Tôm bỏ ăn, lờ đờ, trên thân xuất hiện nhiều đốm trắng nhỏ đường kính 1mm nằm dưới lớp ki tin phần đầu ngực và các đốt bụng. Màu sắc của tôm khi mắc bệnh dần biến từ màu hồng sang màu đỏ nâu, đuôi và chân bơi tôm bị cụt, mang đổi màu.

– Tác hại: Các vi rút xâm nhập vào các cơ quan và phá huỷ mang, gan, tuỵ, thần kinh, dạ dày làm tôm chết hàng loạt sau 5 – 7 ngày.

– Phương pháp xử lý tôm bị chết trên không có biện pháp xử lý bệnh nếu tôm đạt kích cỡ có thể bán được nên tranh thủ thu hoạch nhanh. Ao tôm sau khi thu hoạch phải xử lý tốt trước khi tháo nước ao ra ngoài bằng Clorin (30mg/m2 nước) trong vòng 3-5 ngày trước khi tháo ra.

* Bệnh đầu vàng (YHD)

Bệnh xuất hiện khi môi trường nuôi xấu. Vi rút gây bệnh trên có từ nguồn nước và các loại giống: còng, cua, cáy, ghẹ… bệnh thường xuất hiện sau khi thả giống đến trưởng thành.

– Dấu hiệu bệnh lý: Tôm khi mắc bệnh thấy sức ăn giảm đáng kể, tôm bơi chậm chạp trên bờ mặt sát bờ ao nuôi và dừng lại ở trạng thái bất động. Tôm bị bệnh lần đầu đặc trưng là mang có màu nhợt nhạt, (đầu vàng do gan tuỵ có màu vàng nhạt bị vi rút phá huỷ).

– Tác hại: Bệnh gây chết nghiêm trọng 100% trong vòng 3-5 ngày kể từ khi xuất hiện đầu tiên.

– Phòng bệnh: Áp dụng các phương pháp đã nói ở phần đầu.

– Trị bệnh: Hiện chưa có biện pháp xử lý bệnh tốt, cần thu hoạch khi tôm chớm bệnh nếu đạt cỡ thu,

b. Bệnh do vi khuẩn gây ra

* Bệnh phát sáng: Do vi khuẩn Vibrio harveyi gây ra, nếu tôm bị nhiễm sẽ làm tôm phát sáng trong bóng tối

– Nguyên nhân: Do môi trường xấu

– Giai đoạn xuất hiện bệnh chủ yếu thời kỳ ấu trùng và hậu ấu trùng (thời kỳ ương từ P15)

– Dấu hiệu bệnh lý: Tôm lờ đờ, kém ăn một số nổi lên mặt nước hoặc dạt vào mép ao, trên cơ thể tôm nổi bị vi khuẩn phát sáng trong bóng tối, bệnh lây lan nhanh ra quanh khu vực nếu phòng trị vệ sinh không tốt.

– Tác hại: Tôm bị nhiễm với lượng vi khuẩn phát sáng nhiều cơ thể bị tổn thương có thể gây chết hàng loạt.

– Xử lý: Nước trước khi vào ao nuôi cần được xử lý bằng hoá chất Clorin 100 – 200 ppm + thuốc tím.

– Phòng bệnh: Quản lý môi trường nước ao tốt.

* Bệnh ngoài vỏ, đốm nâu, hoại tử phụ bộ Do nhóm vi khuẩn Vibrio có khả năng phá vỏ lớp ki tin do môi trường xấu, sức đề kháng của tôm giảm và cơ hội để mầm bệnh tôm phát triển.

– Giai đoạn bị bệnh: Tất cả các giai đoạn của tôm

– Dấu hiệu bệnh lý: các chỗ bị bệnh bị ăn mòn như phụ bộ, râu, mang, biểu bì xung quanh và phần cuối của giáp đầu ngực giai đoạn bệnh nặng xuất hiện những chấm có màu nâu nhạt.

– Nguyên nhân: Do môi trường ô nhiễm

– Tác hại gây tổn chuỳ trên vỏ, mắt, lột xác bị trở ngại di chuyển hoạt động khó khăn, kém ăn gây tử vong nếu bệnh kéo dài

– Phòng bệnh như các giải pháp phòng bệnh tổng hợp

* Bệnh hoại cơ:

– Nguyên nhân: Do sốc mạnh và quá đột ngột với các yếu tố hàm lượng oxy hoà tan, nhiệt độ nước, độ mặn, môi trường xấu.

– Giai đoạn bị bệnh: tất cả các giai đoạn.

– Dấu hiệu bệnh lý bệnh thường riêng lẻ tôm bị mốc trắng (màu đục sữa) ở phần cơ của các đốt hay nơi bị hoại tử hai mép đuôi hư hại nên giòn dễ gẫy (thường gọi bệnh thối đuôi).

– Tác hại: ảnh hưởng đén sự phát triển của tôm, chỗ bị hoại cơ là cơ sở đẻ mầm bệnh khác phát triển.

– Phòng bệnh: áp dụng các giải pháp phòng bệnh tổng hợp.

e. Bệnh do môi trường có hàm lượng độc tố

* Mềm vỏ:

– Nguyên nhân do chất lượng thức ăn, cung cấp thức ăn không đủ, nguồn nước bị nhiễm chất hoá học bất lợi như; nhiễm các loại thuốc dùng trong nông nghiệp thải ra, nước thải công nghiệp có một số hoá chất có độc tính cao, đất có pH thấp.

– Giai đoạn bị bệnh: tất cả các giai đoạn của tôm

 Tác hại: tôm dễ bị tôm khác ăn thịt, các mầm bệnh tấn công

– Phòng trừ bệnh: cung cấp thức ăn đủ, chất lượng đảm bảo cho từng giai đoạn, bổ xung một số chất bổ cần thiết trộn với thức ăn cho tôm ăn: VitaminC: 50 – 100mg/100kg thức ăn lúc giai đoạn tôm phát triển mạnh ở những tháng cuối vụ nuôi cho ăn bổ sung: don, dắt…)

* Bệnh phồng nắp mang – đen mang

– Nguyên nhân: do nhiều nguyên nhân (hội chứng đen mang) nguồn nước bị nhiễm kim loại nặng Fe, Cu, Co, Zn, Mn, do thiếu vitaminC, ao nuôi đáy quá nhiều bùn nhiều chất hữu cơ tích tụ do thức ăn dư thừa, chất thải của tôm, pH thấp. Thời gian mắc bệnh có thể bắt đầu từ tháng thứ 2 đặc biệt tập trung cuối vụ nuôi.

– Dấu hiệu bệnh lý: mang chuyển từ màu hồng sang màu nâu -> màu đen, các tia mang phồng lên, trở lên đen. Môi trường càng ô nhiễm bệnh càng nặng

– Tác hại: tôm hô hấp khó khăn, kém ăn, sức đề kháng giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

– Phòng bệnh: không cho thức ăn dư thừa, thay nước thường xuyên, nạo hút đáy (nếu có điều kiện), xử lý môi trường tốt tránh nguồn nước bị ô nhiễm. Bổ sung vitaminC vào thức ăn của tôm

Ngoài một số bệnh thường gặp ở 4 nhóm trên tôm còn gặp các bệnh tuy không phổ biến như: đỏ thân (do thức ăn hôi thối kém chất lượng) bệnh bọt khí (do lượng oxy trong nước quá thấp thường nhỏ hơn 4 mg/lít) nổi đầu dạt vào bờ; bệnh do pH thấp do đất xì phèn, hoặc sau cơn mưa vv… Song một trong những nguyên nhân gây ra tất cả bệnh tôm là do môi trường không đảm bảo, biến động bất lợi.

Do đó, một vấn đề phải được hết sức quan tâm của các hộ nuôi tôm nếu mong có một vụ nuôi tôm đạt kết quả là phải quản lý tốt môi trường nước ao nuôi.

6. Thu hoạch: 

Sau thời gian 4 tháng nuôi có thể thu hoạch. Lúc này cá có thể đạt trọng lượng từ 100-200g/con, và tôm sú thương phẩm 20-30g/con./.

Nguồn: vietlinh.vn

Thảo luận cho bài: Mô hình nuôi tôm sú xen cá đối mục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *