Tái canh cà phê (trồng mới) là vấn đề đang nóng bỏng với nhiều nông dân ở Đăk Lăk, nơi có diện tích cà phê lớn nhất nước và cũng là vùng có hàng chục nghìn ha cà phê đã già cỗi, cần trồng mới, cải tạo.
Tự lực tái canh cà phê
Để phục vụ đề án tái canh 27.700ha cà phê của Đăk Lăk, năm 2013, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cam kết cung ứng gói tín dụng hơn 3.000 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm này, dư nợ tái canh mới đạt hơn 44 tỷ đồng, tức là mới chỉ có 1,5% số vốn cam kết tới được với người trồng cà phê. Thực tế cho thấy, hầu hết bà con nông dân vẫn đang tự xoay xở để thực hiện tái canh những diện tích cà phê già cỗi trong vô vàn khó khăn.
Một vườn cà phê đã được tái canh ở Đăk Lăk. Ảnh: M.C
Gia đình anh Lê Trọng Tá ở thôn 11, xã Ea Tua, huyện Chư Quynh, có 1,5ha cà phê già cỗi. Anh đã phá bỏ và trồng mới 0,5 sào. Diện tích này đã sinh trưởng và phát triển tốt, nhưng anh Tá vô cùng lo lắng, vì qua đợt nắng hạn kéo dài vừa qua, do thiếu nước tưới nên cà phê càng già cỗi, thất thu trong vụ tới là điều chắc chắn. Anh Tá cho biết, nhiều hộ trong thôn cũng đã tính đến chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng cây khác như tiêu, sầu riêng, bơ… Đã gắn bó với cây cà phê nhiều năm nên anh vẫn muốn trồng lại và xen canh các loại cây ăn quả, nhưng hình thức tái canh cuốn chiếu và xen canh của anh không được ngân hàng chấp nhận.
“Diện cà phê già cỗi nhổ bỏ đi, trồng lại 0,5ha này hầu như chúng tôi bỏ vốn ra hết chứ chưa hề biết đến gói hỗ trợ của Nhà nước. Vùng này cà phê già cỗi rất nhiều nhưng nông dân không có vốn để tái canh cà phê. Tôi mong Nhà nước, ngân hàng tạo điều kiện cho người dân có tiền tái canh cà phê để có năng suất cao hơn” – anh Tá bày tỏ.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Hoàng Cường (ở thôn 4, xã Quảng Tín, huyện Chư Mgar), có 2ha cà phê trồng từ năm 1985. Qua hơn 30 năm khai thác, vườn cà phê đã rất già cỗi, năng suất thấp, nên ông Cường muốn phá bỏ hết trồng lại, nhưng do thiếu vốn. nên mới chỉ tái canh được 4 sào và số tiền để trồng lại diện tích này, gia đình ông phải tự lực huy động.
Không chỉ có ông Tá, ông Cường chưa thể tiếp cận vốn tái canh cà phê của nhà nước, mà còn nhiều hộ trồng cà phê ở Đăk Lăk cũng trong tình cảnh này. Ông Phạm Quang Mười – Trưởng phòng NNPTNT huyện Chư Mgar cho biết, có quá nhiều trở ngại khiến người trồng cà phê chưa thể tiếp cận nguồn vốn để tái canh cà phê, trong đó yếu tố hạn mức và thời hạn vay vốn.
Nông dân muốn vay 1 lần
Vẫn theo ông Mười, cho vay theo thời vụ sản xuất. Năm đầu tiên làm đất trồng mới được vay 80 triệu đồng/ha, năm thứ 2 vay 30 triệu đồng; năm thứ 3 – 4 vay 30 triệu đồng, nghĩa là trong khoảng thời gian đó người trồng vay từ 130 – 150 triệu đồng để tái canh 1ha cà phê. “Như vậy sẽ rất khó khăn, vì họ muốn vay một lần để cân đối tổ chức sản xuất và họ có trách nhiệm thanh toán với ngân hàng. Chính vì khó khăn như vậy, nên đến nay người dân chưa tiếp cận được nguồn vốn này” – ông Mười nói.
Là đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ cấp vốn tái canh cà phê cho nông dân, phía Agribank Đăk Lăk cho biết, sau hơn 3 năm triển khai, mới cho vay đầu tư tái canh hơn 44 tỷ đồng cho 32 khách hàng, trong đó có 6 doanh nghiệp và 26 hộ gia đình, với diện tích hơn 500ha. Trong khi đó, người trồng cà phê ở Đăk Lăk đã tự đầu tư tái canh được gần 14.000ha cà phê già cỗi.
Nguồn: danivet.vn