Biện pháp phòng trừ sâu xanh

Sâu xanh Helicoverpa armigera Hibber là một đối tượng nguy hiểm hại nhiều loại cây trồng. Sâu xanh phòng trừ tương đối khó vì nó là loài sâu đa thực, hại trên cả lá, hoa, quả và thân.

Biện pháp phòng trừ sâu xanh - bien phap phong tru sau xanh

Nếu phòng trừ không đúng, lúc sâu còn non sẽ xâm nhập vào bên trong quả (cà chua, bông vải, đậu tương), vào thân như ngô. Khi đó hiệu quả của thuốc bảo vệ thực vật hầu như không mang lại hiệu quả.

* Đặc điểm gây hại của sâu xanh

– Đối với cà chua: bướm đẻ vào cuống, đài hoa hoặc ngọn cà chua. Sâu non nở ra vào búp hoặc nụ hoa, quả và sinh sống trong đó.

– Đối với cây lạc: khi chưa có nụ hoa, sâu non cắn vào ngọn và ăn chất xanh của lá. Khi có nụ, hoa thì tập trung vào nụ và hoa để gây hại.

– Đối với cây thuốc lá: bướm đẻ trứng vào lá non, cuống nụ, hoa. Sâu con nở ra tập trung gặm nhấm chất xanh của thuốc lá, đục vào búp non làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và chất lượng của thuốc lá. Thậm chí khi cây thuốc lá ra hoa và quả nó còn đục vào hoa, quả làm hỏng hạt giống sau này.

– Đối với cây bông vải: bướm đẻ trứng vào ngọn, đài hoa. Sâu non nở ra sẽ ăn nõn và chồi, sau đó đục vào hoa và quả non làm chất lượng sợi bông không đạt. Mặt khác, nó có thể tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển làm thối nụ, rụng quả.

* Đặc điểm sinh học – sinh thái của sâu xanh:

– Sâu xanh là loài sâu đa thực, hại nhiều loại cây trồng và vùng sinh thái rất rộng nên xuất hiện quanh năm theo thời vụ các loại cây trồng. Bướm sâu xanh hoạt động ban đêm, ban ngày ẩn nấp. Một bướm cái có thể đẻ từ 200 – 1.000 quả trứng. Trứng đẻ rải rác trên lá. Sâu non mới nở hoạt động rất nhanh nhẹn và phân tán vào các bộ phận của cây để gây hại. Vòng đời của sâu xanh từ 30 – 40 ngày có khi khi kéo dài tới 80 ngày. Điều kiện sinh thái thích hợp cho sâu xanh phát triển ở nhiệt độ 22 – 28°C và ẩm độ khoảng 70%.

– Khi sâu xanh non đẫy sức thì chui xuống đất hóa nhộng trong đất. Thời kỳ nhộng từ 5-8 ngày.

* Biện pháp phòng trừ:

Để phòng trừ sâu xanh có hiệu quả không thể dùng biện pháp đơn điệu mà phải kết hợp nhiều biện pháp tùy theo mùa vụ của loại cây trồng một cách linh hoạt. Trước hết phải chú trọng biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ như vệ sinh đồng ruộng, cày bừa kỹ để tiêu diệt nhộng còn nằm trong đất.

Áp dụng một số biện pháp thủ công như bẫy đèn bắt bướm, bẫy bả chua ngọt để diệt sâu trưởng thành. Bảo vệ các loài ký sinh thiên địch bằng cách không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học khi chưa cần thiết.

Việc kết hợp hợp lý các biện pháp trên là góp phần rất to lớn trong chiến lược phát triển nền nông nghiệp bền vững và môi trường sinh thái tự nhiên.

Tuy nhiên nếu trong điều kiện sâu xanh phát triển mạnh, bắt buộc chúng ta phải dùng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng như các chế phẩm sinh học NPV, Bt (ViBt 16000UI), Vibamec 1.8EC, Vimatrine 0.6L hoặc kết hợp NPV và Bt. Trường hợp sâu xanh phát triển tới ngưỡng kinh tế thì phải dùng đến một số loại thuốc hóa học bảo vệ thực vật, Visher 25ND, Vifast 5ND, Viphensa 50ND, Vifel 50ND, Vifenva 20ND, Virofos 20EC, Viaphate75BHN, Vibafos 15EC…

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Biện pháp phòng trừ sâu xanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *