Đông xuân được xem là mùa vụ của các loại hoa cảnh vì vào thời điểm này, rất nhiều gia đình tìm mua các giống hoa, cây cảnh đẹp để tô điểm thêm cho không gian nhà ở trước thềm năm mới. Bạn cũng cùng chung ý tưởng này phải không? Nếu có thì hãy nhanh tay bỏ túi bí quyết chăm sóc các loại hoa cảnh vào mùa đông xuân mà nuoitrong123 sẽ chia sẻ trong bài viết ngay sau đây nhé!
Chú ý đến ánh sáng và cường độ chiều sáng
Các loại hoa cảnh được phân chia làm 2 nhóm: ưa sáng và ưa bóng. Nhóm cây ưa sáng như bát tiên, râm bụt, cúc, hoa giấy, hoa hồng… sinh trưởng tốt trong điều kiện ánh sáng trực xạ. Ngược lại, các cây ưa bóng như lan ý, phong lan, hồng môn… lại chỉ thích hợp với ánh sáng tán xạ. Trong khi đó, đặc trưng của mùa đông xuân là ánh sáng yếu nên nếu bạn lựa chọn các loài hoa cảnh ưa sáng (chiếu sáng lớn hơn hoặc bằng 12 giờ mới ra hoa), trong điều kiện râm mát dài ngày, bắt buộc bạn phải đưa chúng vào trong nhà để chiếu đèn, có vậy mới mong hoa nở đúng kỳ hạn.
Bổ sung ẩm
Đặc trưng nổi bật nhất của tiết đông xuân là độ ẩm cực thấp, khiến cây dễ mất nước, bộ rễ khô khan, khó hấp thụ nước và chất dinh dưỡng trong đất. Thế nên cách tốt nhất để bổ sung ẩm cho các loại hoa cảnh trong tiết trời này là sử dụng máy phun sương ngày 2 lần sáng tối. Điều này không chỉ giúp cây phát triển tốt, ít sâu bệnh mà còn nâng cao độ ẩm không khí, rất có lợi cho hệ hô hấp của con người.
Một lưu ý nhỏ khi bổ sung nước cho cây, đó là nên sử dụng loại nước có nền nhiệt tương đương nhiệt độ môi trường để tránh tình trạng sốc nhiệt. Ngoài ra, vì quá trình thoát hơi nước diễn ra mạnh mẽ cả ở lá và hoa nên nếu cây nào có khóm hoa lớn thì chúng ta sẽ bổ sung nhiều nước và cây nào hoa nhỏ li ti thì hãy khống chế một lượng nước vừa phải.
Bón phân hợp lý
Phần lớn các loại hoa cảnh trồng trong chậu nên bị giới hạn bộ rễ cũng như nguồn đất (vốn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của cây), thế nên việc bón phân cho các loại cây trồng này dường như là điều bắt buộc. Loại phân bón lý tưởng cho cây cảnh là phân chuồng loại mục với tần suất phân hủy, tạo khoáng tương đương tần suất hấp thụ dinh dưỡng cho cây. Ngoài ra, vào mùa lạnh, khả năng hút nước và muối khoáng của rễ bị hạn chế nên bạn nên gia tăng phân bón, lặp lại theo chu kỳ 2-4 tuần/lần để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho các loài thực vật này phát triển.
Cắt tỉa cành phụ, cành hư hại
Với những cây thân bụi, phân nhiều cành thì cắt tỉa cành phụ, cành hư hại là điều bắt buộc, tạo điều kiện cho việc phân nhiều chồi nụ và tập trung dinh dưỡng cho các cành khỏe mạnh hơn. Việc cắt tỉa nên được thực hiện vào cuối đông – thời điểm các loài hoa cảnh mùa xuân chuẩn bị cho nụ. Với mẹo nhỏ này, chắc chắn cây cảnh của bạn sẽ nở thêm nhiều bông và kích thước mỗi bông sẽ to hơn bình thường rất nhiều đấy!
Phòng trừ dịch bệnh
Không ngoa khi nói rằng thời điểm cuối đông, đầu xuân là thời điểm của dịch bệnh phá hại cây trồng. Thời tiết ấm áp, lộc non mơn mởn là điều kiện lý tưởng để sâu bệnh sinh sôi, nảy nở, phát triển khó kiểm soát. Vậy làm thế nào để ngăn chặn tác nhân gây hại này để bảo vệ các loài hoa cảnh?
Trước hết là về vấn đề chăm sóc, phần lớn các loài nấm mốc, vi khuẩn gây hại đều ưa ẩm và sống hoại sinh (thiếu ôxi), thế nên việc xới xáo, chống ngập úng cho đất có ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài ra, chúng ta không nên trồng các loại hoa cảnh quá sát nhau, dễ tạo điều kiện lây lan dịch bệnh. Chưa hết, việc tưới nước như thế nào cũng là vấn đề bạn cần lưu tâm. Chúng ta không nên tưới nước thẳng từ trên xuống, nước sẽ dễ đọng ở búp non, cuống lá, dễ tạo điều kiện cho nấm kí sinh phát triển, tưới theo đường cắt ngang hoặc dang phun sương là lựa chọn phù hợp nhất.
Với sâu bệnh, hãy tìm kiếm quanh cây những ổ trứng tiềm ẩn, bắt tay nếu có thể, sau đó xịt dung dịch tỏi để cải thiện tình hình. Nếu dịch bệnh vẫn hoành hành thì không có cách nào khác, bạn hãy tìm đến các loại thuốc trừ sâu và tham khảo kĩ về tên thuốc, liều lượng trước khi bắt đầu.
Lời kết
Trên đây là một số bí quyết chăm sóc các loại hoa cảnh trong dịp đông xuân mà bạn cần nắm rõ. Chúc bạn áp dụng thành công và xin chân thành cảm ơn vì đã tham khảo bài viết! Trân trọng!