Hoa bỏng còn có tên gọi khác là hoa sống đời. Loài thực vật này có thân cỏ, viền răng cưa màu xanh nhạt hoặc đỏ tía, hoa mọc thành chùm với màu sắc rất rực rỡ: cam, vàng nhạt, đỏ tươi, hồng phấn, lam tím…. trông rất bắt mắt. Kích thước cây hoa bỏng lại khá nhỏ nhắn, chỉ tầm 20 đến 40 cm nên đặc biệt thích hợp khi đặt dọc lan can ban công. Đặc biệt, loại hoa này rất dễ trồng nên với những người chưa có kinh nghiệm vẫn có thể săn sóc cho chúng phát triển tươi tốt. Vậy đâu là cách chăm sóc hoa bỏng đơn giản nhất dành cho bạn? Hãy tham khảo bài viết sau của nuoitrong123 nhé!
Cách trồng cây hoa bỏng
Cây hoa bỏng thường được trồng theo 2 cách: giâm cành hoặc giâm lá trên đất ẩm. Đây là một trong số ít các loài hoa cảnh có khả năng sinh sản sinh dưỡng bằng lá. Đôi khi chúng ta không chủ trồng thì những chiếc lá già rụng xuống, gặp đất ẩm vẫn mọc lên những cây con chi chít quanh mép lá. Thật kì diệu phải không ạ?
Dễ mọc cây con như vậy còn chế độ đất trồng thì ra sao? Thêm một bất ngờ nữa dành cho bạn, hoa bỏng không hề kén đất, đất mùn sẽ khiến chúng sinh trưởng tốt nhất nhưng đất cát, đất thịt nhẹ cũng không thể cản trở khả năng sinh tồn mạnh mẽ của loài thực vật này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia làm vườn, giá thể tối ưu dành cho hoa bỏng nếu bạn không muốn tốn nhiều công chăm sóc là : đất, phân chuồng hoai mục, tro trấu, phân lân, vôi bột theo tỉ lệ 1:1:6:1:1. Giá thể này không chỉ cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây mà còn khử được các tác nhân gây hại, đảm bảo độ pH cho đất nuôi cây đồng thời lại có khả năng thoát nước tốt, giúp rễ cây tránh được tình trạng ngập úng.
Cách chăm sóc hoa bỏng đơn giản nhất
Trong cách chăm sóc hoa bỏng, để đơn giản nhất, dễ nhớ nhất, bạn chỉ cần lưu ý một số vấn đề sau:
Bón phân: khi bón phân cho sống đời, bạn nên quan sát tình trạng thực tế của cây để điều chỉnh lượng phân cũng như chu kỳ bón. Theo đó, nếu thấy lá còn xanh mướt, không nên bón nhiều cho cây và ngược lại. Để bón thúc trong thời gian cây sinh trưởng hoặc chuẩn bị ra hoa, bạn nên sử dụng bánh đậu phộng hoặc phân chuồng hoai mục. Thời điểm đầu tiên bón thúc là sau khi trồng khoảng một tuần. Sau đó duy trì mỗi tuần một lần với lượng phân như sau: 1 muỗng cà phê bánh đậu phộng trộn cùng 0,5 chén phân chuồng.
Ngoài biện pháp trên, ta có thể tưới nước bánh dầu pha với phân NPK hoặc DAP theo chu kì nửa tháng một lần. Cách tạo dung dịch tưới như sau: trộn 1kg NPK hoặc DAP với 3kg bánh dầu rồi ngâm trong 10 lít nước. Sau đó mỗi lần tưới, dùng 1 đến 2 lon dung dịch này pha với khoảng 10 lít nước sạch tưới cho cây vào thời điểm trước 4h chiều. Lưu ý, trong quá trình tưới, chúng ta không nên phun trực tiếp lên ngọn kẻo làm hư hại cụm hoa.
Tưới tiêu: đây là loài thực vật có thân mọng nước với khả năng chịu hạn rất tốt. Vậy nên trong cách chăm sóc hoa bỏng, nên lưu ý một điều không nên tưới nhiều. Việc tưới tắm chỉ khiến cho rễ cây rơi vào tình trạng ngập úng và thối gốc. Vậy ta chỉ tưới cây khi nào? Vào mùa hè nắng hạn kéo dài hoặc khi mặt đất quá khô, lúc ấy hãy tưới phun sương cho hoa bỏng.
Ngắt ngọn: hoa bỏng là cây thân cỏ và muốn cho cành sum suê, hoa sai thì trong cách chăm sóc hoa bỏng, bạn đừng quên kĩ thuật ngắt ngọn. Việc ngắt ngọn có thể tiến hành 2 đến 3 lần và vị trí ngắt nên cách đỉnh ngọn tầm 2 đến 5cm để cây phân ra nhiều cành mới.
Ánh sáng và nhiệt độ: những cây chịu hạn là những cây sinh trưởng tốt trong môi trường thoáng đãng, giàu ánh sáng với nền nhiệt ấm và cây hoa bỏng cũng không phải ngoại lệ. Trong cách chăm sóc hoa bỏng bạn cũng cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này nếu muốn cây khỏe mạnh quanh năm. Theo đó, nếu bạn muốn trang trí ban công bằng hoa hay muốn làm duyên cho hiên nhà trảng nắng bằng cây cỏ thì đừng quên dành sự ưu ái cho loài thực vật này. Đặc biệt hơn, với nền nhiệt cực thuận là 20 đến 32 độ C, loài thực vật này có thể phát triển tươi tốt quanh năm với khí hậu của Việt Nam.
Trên đây là tổng hợp cách chăm sóc hoa bỏng đơn giản nhất dành cho bạn. Chúc bạn áp dụng thành công và sẽ có khuôn viên nhà ở thật sinh động, bắt mắt với lựa chọn thú vị này! Trân trọng!