Bưởi không đơn thuần chỉ là bưởi, bởi nó đã được nâng cấp giá trị lên gấp nhiều lần nhờ vào hình dáng lạ mắt. Chủ nhân của ý tưởng sáng tạo nghệ thuật táo bạo trên trái bưởi Năm Roi là ông Ba Thành (Võ Trung Thành), 54 tuổi, ở ấp Phú Trí A, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang).
1. Ý tưởng từ trái bưởi… kẹt
– Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Phú Hữu nổi tiếng với đặc sản bưởi Năm Roi, nhưng cuộc mưu sinh đã đưa đẩy ông Ba Thành sống bằng đủ nghề khác nhau trên 20 năm ở đất Trà Nóc (TP.Cần Thơ). Từ dạy học, công nhân nhà máy điện, làm công trong nhà máy rau quả đông lạnh cho đến chạy xe lôi máy. Nhưng cuối cùng ông cũng phải quay về vùng “đất mẹ” Phú Hữu, khi không thể tiếp tục nghề chạy xe lôi máy với thu nhập quá bấp bênh.
Năm 2005, ông bắt đầu tiếp quản 3 công vườn bưởi Năm Roi già cỗi của gia đình. Bằng ý chí quyết tâm học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn, rồi tiếp cận khoa học kỹ thuật mới đã giúp ông phục hồi lại được mảnh vườn trên 20 năm tuổi, với khoảng thu nhập trên 30 triệu đồng/năm. Trong một lần thăm vườn, ông Ba Thành tình cờ phát hiện ra trái bưởi bị kẹt trong nhánh cây, nhưng vẫn lớn tự nhiên và có hình dáng lạ mắt gợi cho ông có ý tưởng tạo hình dáng mới cho trái bưởi Năm Roi.
– Ý tưởng đã có, nhưng bắt tay thực hiện là chuyện không phải dễ. Ngay cả người cùng bắt tay thực hiện với ông Ba Thành là ông Võ Hồng Quốc, thành viên CLB ấp Phú Trí A lúc ấy vẫn chưa thực sự tin tưởng. Ông Quốc kể: “Thấy trái bưởi thường trong vườn lớn phì phì, còn thực hiện theo kỹ thuật này quá nhiều rủi ro. Sợ trái bưởi bị trầy xước, lại bị buộc chặt như thế chắc bị sượng sẽ không lớn nổi.
Chưa kể là thời gian và công sức làm khuôn, cột trái!”. Khó là vậy, nhưng ông Ba Thành không nản lòng mà quyết thực hiện bằng được ý tưởng của mình. Năm 2007, ông tiến hành thử vài chục trái, kết quả chỉ có một vài trái đạt yêu cầu. Nhưng với ông, có kết quả bước đầu như thế cũng là vui lắm rồi. Ông tiếp tục mày mò nghiên cứu và khắc phục dần những điểm yếu của kỹ thuật tạo hình. Bằng cách làm thủ công, ông tận dụng những vỏ chai hoặc bất cứ đồ nhựa nào mà ông nghĩ là có thể dùng được để chế tạo ra những chiếc khuôn phục vụ cho việc tạo hình trái bưởi.
2. Thành công bất ngờ
– Rút kinh nghiệm lần trước, năm sau, ông tiếp tục thử nghiệm với kỹ thuật cải tiến mới. Cũng theo cách thủ công, nhưng lần này ông điều chỉnh độ lớn của khuôn cho thích hợp. Nhờ thế mà chừng 100 trái trong đợt trồng thử nghiệm vào năm 2008 đạt tỷ lệ khá cao với khoảng 40%.
Cũng vào năm đó, ông mang sản phẩm của mình đi thi trái cây ngon tại Hội chợ Quốc tế Cần Thơ và đạt được giải trái cây có mẫu mã sáng tạo. Lần này, như góp thêm niềm tin để ông tiếp tục “chắp cánh ước mơ” hoàn thiện dần những hạn chế trong khâu kỹ thuật. Năm 2009, ông chuyển đổi hoàn toàn những loại khuôn tự chế sang khuôn gia công.
Vì theo ông Ba Thành, muốn có khuôn ưng ý, phải tự tay vẽ hình dáng, điều chỉnh kích cỡ, kiểu chữ của khuôn rồi trực tiếp mang bảng vẽ đến đặt hàng cho cơ sở nhựa sản xuất. Kết quả năm nay khá mỹ mãn, với tỷ lệ trái đạt yêu cầu từ 60 – 70%. Ông còn nhờ người vẽ thử lên trái bưởi hồ lô hình rồng, phụng nhìn cũng khá thú vị. “Lúc đầu tính trồng để chưng tết cho đẹp mắt, nào ngờ tết năm 2009 đem một vài cặp ra chợ bán được giá từ 100.000 – 300.000 đ/cặp nên đã mạnh dạn rủ thêm vài thành viên trong CLB Phú Trí A cùng làm”, ông Thành tâm sự.
– Chưa dừng lại ở nghệ thuật tạo hình, năm vừa qua, ông Thành còn đăng ký tham gia vào mô hình trồng bưởi theo quy trình VietGAP với các thành viên khác ở CLB ấp Phú Trí. Ông cho biết, trồng bưởi theo quy trình này có thể kết hợp thực hiện kỹ thuật tạo hình bưởi hồ lô của ông.
Kết quả ông đạt cùng lúc hai mục tiêu là tạo ra sản phẩm trái cây sạch và khẳng định được giá trị của trái bưởi Năm Roi của vùng đất Phú Hữu. “Không chỉ tạo hình là đủ, còn phải mang ý nghĩa nữa. Bình hồ lô theo quan niệm dân gian có ý nghĩa thu được trời đất, vào dịp tết, trong mâm ngũ quả có trái bưởi hồ lô thì còn gì bảng”, ông Thanh lý giải.
3. Xây dựng thương hiệu
– Sau 3 năm miệt mài lao động sáng tạo, công sức của ông Ba Thành đã được đền đáp xứng đáng. Nếu tính luôn số lượng bưởi của 4 hộ khác cùng tham gia thực hiện thì có khoảng 500 cặp bưởi hồ lô đạt tiêu chuẩn theo hợp đồng để giao cho công ty thu mua ở TP.Hồ Chí Minh. Với mức giá cao gấp nhiều lần so với bưởi Năm Roi bình thường, đợt này ông Ba Thành dự tính có thể thu vào thêm khoảng 30 triệu đồng nữa trong dịp tết, ngoài khoản thu nhập trên 50 triệu đồng trong năm.
– Rút kinh nghiệm từ vụ tranh chấp thương hiệu trái dưa hấu vuông (Vĩnh Long), trong các lần được tham dự hội thảo về sản phẩm và xây dựng thương hiệu trái cây gần đây, cùng với sự trợ giúp thủ tục pháp lý của ngành chuyên môn, ông Ba Thành đang đăng ký thương hiệu “Bưởi hồ lô Trung Thành” và “độc quyền kiểu dáng công nghiệp bưởi hồ lô”. Ông Ba Thành ví von: “Trái bưởi hồ lô giống như đứa con mà mình đẻ ra, nếu bỏ lăn lóc thì bị người khác bắt về nuôi mất. Lỡ họ mang đi khai sinh luôn rồi mình biết làm sao đây”.
– Con đường thành công ở trái bưởi hồ lô đối với ông Thành thật không đơn giản. Ông Ba Thành chia sẻ: “Quá trình tạo hình nghệ thuật bưởi hồ lô gồm các công đoạn như: định hình, vô khuôn, chăm sóc và thu hoạch. Trong đó, định hình là khó nhất, phải chọn trái bưởi có hình dáng thích hợp, đầu nhô cao, vừa tầm tay để tiện chăm sóc.
Có khi cả cây bưởi không chọn được trái nào để tạo hình. Nhất là phải có kinh nghiệm và chấp nhận đầu tư nhiều công chăm sóc, khoản chi phí lớn”. Thời gian tới, ông Ba Thành còn dự định tạo hình nghệ thuật bưởi vuông, trên bề mặt lộ hình bức tranh. Bên cạnh đó, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, hỗ trợ nguyên vật liệu, giải quyết đầu ra khi người dân có nhu cầu nhưng phải đảm bảo quyền sở hữu độc quyền về kiểu dáng sản phẩm với ông. Vì theo ông, có thương hiệu mà không có sản phẩm thì thương hiệu sẽ chết…
Nguồn: Sưu tầm