Site icon Nuoitrong123

Butler Farms – Công nghệ mới nuôi Heo bảo vệ môi trường

Butler Farms - Công nghệ mới nuôi Heo bảo vệ môi trường - z300 nguoi chan nuoi 287

Câu hỏi “Làm thế nào để nuôi lợn chất lượng cao mà không gây hại tới môi trường?” luôn được các trang trại nuôi lợn tại Mỹ quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, không phải trang trại nào cũng sẵn sàng và không ngại đầu tư như trại Tom Butler ở North Carolina.

Lo ngại ô nhiễm môi trường

Ngành chăn nuôi lợn bùng nổ trong vài thập kỷ qua ở các bang Trung – Tây nước Mỹ khiến tình trạng ô nhiễm lan ra các bang Iowa, Georgia, Illinois, North Carolina trong vòng 2 năm qua. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn Mỹ từ Trung Quốc tăng mạnh đã góp phần đẩy ngành chăn nuôi lợn phát triển mạnh, kéo theo nhiều hệ lụy liên quan ô nhiễm môi trường.

Butler Farms hoạt động trong ngành chăn nuôi lợn 20 năm qua. Chủ trang trại, ông Tom Butler tâm sự, phải tận mắt chứng kiến các trang trại chăn nuôi lợn đã tàn phá môi trường và gây hại cho sức khỏe con người thế nào mới hiểu được tính cấp bách của việc chăn nuôi nhân đạo, không gây ô nhiễm. Ông cũng tận mắt chứng kiến những nông dân nuôi lợn phun tưới chất thải chăn nuôi lên các cánh đồng vùng Trung – Tây, làm gia tăng chất hữu cơ trong sông suối. Thực tế, chất thải lợn giàu nitơ và phốt pho, tốt cho cây trồng nhưng khi nhiễm vào nguồn nước sẽ làm tảo phát triển mạnh, hủy diệt tôm cá và làm biến đổi thành phần của nước.

Butler Farms – trại nuôi lợn theo công nghệ giảm ô nhiễm, tăng tính nhân đạo – Ảnh: Jasminegoldband.com

Butler cho biết, hoạt động chăn nuôi lợn sản sinh ra amoniac, methane – một loại khí nhà kính và hydro sulfua gây đau đầu và mắt. Trại lợn còn thải ra một số nội độc tố, chất gây dị ứng và ít nhất là hàng trăm hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, gây mùi khó chịu. Đó là động lực để Butler Farms – một trại nuôi lợn rộng hơn 52 ha với 7.500 con lợn phải thay đổi, đầu tư lại phương thức chăn nuôi theo công nghệ giảm thiểu ô nhiễm, tăng tính nhân đạo.

Không ngại đầu tư công nghệ cao

Năm 2008, Butler đã kiếm được 180.000 USD/năm từ việc bán tín chỉ CO2. Như vậy, từ rất sớm, Butler Farms đã luôn có ý thức giảm thải CO2, nhờ đó người chủ trang trại này mới có dư hạn mức để bán cho các công ty gây ô nhiễm vượt hạn mức. Nhưng sau khi thị trường CO2 thoái trào vì sự xuất hiện của mô hình chăn nuôi kiểm soát khí thải, tái tạo năng lượng, cũng là lúc Butler nhận ra, ông có thể biến đổi khí methane thu được từ trại nuôi lợn thành điện năng. Mô hình này được Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp xanh North Carolina hỗ trợ.

Công nhân phải thay ủng khi làm việc – cách thức đảm bảo an ninh sinh học tại Butler Famrs

Tại trại lợn của Butler Farms, các đệm lót sinh học được sử dụng để chặn chất thải và được nước xối thẳng tới khoang xử lý có sức chứa gần 4 triệu lít, nơi vi khuẩn phân hủy chúng trong vòng 21 ngày, sinh ra khí methane. Khí ga đi vào các ống nhỏ tới một tòa nhà đặt máy phát, khí được đốt để tạo ra điện và được bán cho các hợp tác xã trong vùng. Phần chất thải còn lại được dẫn bằng đường ống tới hai hồ chứa lớn được che phủ bằng nylon. Nhờ đó, trang trại của Butler giảm đáng kể mùi khó chịu so với trang trại khác. Mưa xuống cũng không gây ô nhiễm vùng lân cận. Còn hệ thống phát điện của trang trại sản sinh lượng điện năng đủ cấp cho 90 cái tủ lạnh. Hệ thống của Butler chi phí hơn 1 triệu USD. Quỹ của bang hỗ trợ nhiều nhưng ông vẫn phải tự trả thêm 50.000 USD cộng với hàng nghìn USD chi phí nhân công và bảo trì. Đổi lại, Butler thu được 8.000 – 10.000 USD/tháng, nhờ tận dụng điện năng, đồng thời kết hợp kinh doanh với các công ty tái tạo năng lượng. Đến nay, nhiều nông dân Mỹ không dám đầu tư xây dựng mô hình này. Hiện, trên toàn nước Mỹ chỉ có 29 trại lợn sử dụng hệ thống kể trên.

Butler đang lên kế hoạch tới Đan Mạch và sắp tới là Trung Quốc để tìm cơ hội mở rộng việc xây dựng mô hình này, trước tiên là trại nuôi lợn, sau đó mở rộng sang chăn nuôi gà. Butler nói, một mô hình chăn nuôi rất hiệu quả, chỉ ngồi một chỗ để kiếm tiền, vậy sao không nhân rộng trên toàn thế giới? Tuy nhiên, điều khiến lão nông 73 tuổi này trăn trở là cách thức để xây dựng, vận hành mô hình hiệu quả, ít tốn kém hơn, để có thể tới tay những nông dân có thu nhập trung bình.

Nguồn: sưu tầm

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version