Nền nông nghiệp chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế trong đó chăn nuôi chiếm tới hơn 27% tỷ trọng ngành nông nghiệp, do đó vấn đề xử lý chất thải của ngành chăn nuôi ngày càng được quan tâm. Một trong những mô hình chăn nuôi hiệu quả nhất là đệm lót sinh học, hiện có rất nhiều cơ sở chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học thành công .
Trước tiên ta nên hiểu đệm lót sinh học là gì? Đệm lót sinh học thực chất là hỗn hợp giữa chất trộn (trấu, mụn dừa hoặc trấu, mùn cưa) và men vi sinh được dùng để lót nền chuồng trong chăn nuôi heo.
Nuôi heo trên đệm lót sinh học (Hình minh họa)
Đặc tính của đệm lót sinh học: là phân hủy chất thải trong chuồng nuôi nhờ sự hoạt động của các vi sinh vật trong đệm lót.
Ưu điểm của chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học:
– Mùi hôi hầu như không còn do chất thải bị tiêu hủy trên nền đệm lót. Nhờ đó môi trường được cải thiện, chăn nuôi có thể phát triển gần khu dân cư.
– Giảm chi phí nhân công, tiết kiệm nước và điện do không cần rửa chuồng, tắm heo.
– Giảm tỷ lệ bị các bệnh ở heo thường gặp trong chăn nuôi.
– Tăng chất lượng đàn heo và chất lượng sản phẩm.
Vấn đề cần lưu ý:
– Trước khi thả heo vào chuồng cần rải đều phân từ đàn cần thả trên mặt đệm lót để heo có thói quen thải phân đều trên mặt chuồng.
– Mật độ 1,5 m2/con là phù hợp, đảm bảo sự tiêu hủy hết phân và kéo dài tuổi thọ của đệm.
– Đảm bảo độ ẩm tầng trên cùng của đệm lót luôn giữ ở 20% để đảm bảo cho sự lên men tiêu hủy phân tốt, heo không cảm thấy khó chịu, da được bảo vệ tốt. Giữ cho đệm lót không bị ướt do nước mưa và nước từ vòi uống. Khi đệm lót bị ướt cần bổ sung chất độn lót khô. Khi thấy đệm lót bị khô cần phải làm ẩm đệm lót.
Nuôi heo trên đệm lót sinh học (Hình minh họa)
– Đảm bảo đệm lót luôn tơi xốp để phân tiêu hủy nhanh, do vậy hàng ngày cần xới tơi đệm lót đặc biệt ở chỗ đệm lót có hiện tượng kết tảng.
– Thường xuyên quan sát phân nếu thấy phân nhiều ở một chỗ cần vùi lấp ngay. Nếu lượng phân quá nhiều, không phân giải hết có thể mang đi. Nếu heo bị tiêu chảy cần cách ly, rắc vôi hoặc phun chế phẩm men sau đó vùi sâu xuống 30cm.
– Khi thấy có mùi của nguyên liệu kèm mùi của phân lên men, không có mùi thối là đệm lót đang hoạt động tốt. Ngược lại, cần phải xới đệm lót và bổ sung thêm dịch chế phẩm men.
– Sau 1 – 2 đợt nuôi nếu đệm lót bị sụt giảm thì bổ sung thêm 5 – 10% chất độn và chế phẩm men.
Với những ưu điểm trong xử lý chất thải trong chăn nuôi, hi vọng trong thời gian tới mô hình nuôi heo an toàn sinh học sẽ được nhân rộng trong ngành chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển ngành chăn nuôi.
Chúc bà con thành công!
Nguồn: sưu tầm