Nội dung chính
Cá bá chủ (Pterapogon kauderni) là loài cá cảnh biển có màu sắc đẹp, dễ nuôi, được người chơi cá cảnh trên toàn thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, chúng bị khai thác quá mức và liệt vào danh sách đỏ của IUCN từ năm 2007.
Đặc điểm sinh học
Bá chủ là loài cá rạn san hô nhỏ, chúng được phân biệt với các loài khác bởi vây lưng có 8 tia cứng và 13 tia mềm, vây hậu môn có 13 tia vây mềm. Vây lưng thứ 2 và vây hậu môn kéo dài đến phần chẻ sâu của vây đuôi. Cá có màu sắc hoa văn rất đẹp, bao gồm 3 thanh màu đen nổi bật trên đầu và thân. Một thanh nối liền giữa vây lưng thứ nhất và vây ngực, và một thanh nối liền vây lưng thứ 2 và vây hậu môn. Ở vây lưng, vây hậu môn và vây đuôi có một loạt các điểm màu trắng chạy dọc theo các cạnh của viền vây. Trên cơ thể chứa khoảng 20 chấm màu trắng rực rỡ giữa các thanh màu đen thứ hai và thứ ba. Cá bá chủ có kích thước trung bình, chiều dài cơ thể tối đa 8 cm. Miệng khá rộng, miệng con đực rộng hơn con cái. Thức ăn của chúng bao gồm các sinh vật phù du và sinh vật đáy.
Ngoài tự nhiên, số lượng cá bá chủ hiện rất hạn chế chỉ khoảng 2,4 triệu con và được phân bố với mật độ rất ít, trung bình 0,07 con/m2, trong phạm vi khá hẹp, chỉ trong diện tích khoảng 5.500 km2 chủ yếu ở các đảo trong quần đảo Bangai của Indonesia. Cá có khả năng sinh sản thấp, đường kính trứng của cá ở mức trung bình khoảng 2,5 mm. Việc xác định giới tính cá bá chủ gặp rất nhiều khó khăn.
Thực trạng, tiềm năng
Là loài cá đặc hữu và phân bố chủ yếu ở đảo Bangai, miền đông của Indonesia, cá bá chủ được khai thác ngoài tự nhiên và lần đầu tiên xuất hiện trong thương mại quốc tế vào năm 1995 – 1996. Đến năm 2001, loài cá này bắt đầu được xuất khẩu với số lượng khá lớn, khoảng 600.000 – 700.000 con. Từ năm 2001 – 2004, trung bình mỗi năm trên quần đảo Bangai khai thác 700.000 – 900.000 con. Bị khai thác quá mức ngoài tự nhiên nên sản lượng của loài này nhanh chóng bị cạn kiệt, và đã được liệt vào danh sách đỏ của tổ chức IUCN.
Năm 1999, lần đầu tiên sinh sản nhân tạo cá bá chủ được thực hiện tại Trung tâm Sản xuất giống thủy sản, bang New Jersey của Mỹ. Kết quả loài cá này có thể sống và phát triển trong điều kiện nuôi nhốt. Tuy nhiên, ở nghiên cứu này, khó xác định khả năng bắt cặp của cá bố và cá mẹ nên việc sinh sản nhân tạo không thành công.
Với mục tiêu góp phần bảo tồn và phát triển loài cá này, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II của Việt Nam đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng quy trình sản xuất giống cá bá chủ tại Việt Nam”. Đến tháng 5/2015, các cho kết quả nghiên cứu rất khả quan. Cá bá chủ được nuôi vỗ thành thục trong hệ thống tuần hoàn với tỷ lệ sống 80 – 93,3%, tỷ lệ cá tham gia sinh sản 40 – 66,6%, sức sinh sản 40 trứng/con, tỷ lệ thụ tinh 45,8 – 90,4%, tỷ lệ nở gần 10%, tỷ lệ sống của cá giống 30 ngày tuổi 91,1 – 96,7%. Kết quả nghiên cứu này được các nhà nghiên cứu và người chơi cá cảnh trong nước và quốc tế đánh giá cao.
> Cá cảnh biển hiện đang là đối tượng xuất khẩu đầy tiềm năng, mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu còn rất thấp, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng xuất khẩu cá cảnh Việt Nam. Sinh sản thành công cá bá chủ hứa hẹn sẽ góp phần tăng cường sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu chung của nhóm đối tượng này.
Nguồn: sưu tầm