Cá cam sọc – đối tượng nuôi mới đầy tiềm năng

Cá cam sọc sống ở nhiều vùng biển, có chất lượng thịt thơm ngon và rất được ưa thích. Đối tượng nuôi này đang được ngành công nghiệp thủy sản nhiều nước quan tâm.

Đặc điểm sinh học

Cá cam sọc Seriola dumerili (Risso, 1810) có thân dài, dẹp bên. Viền lưng cong đều, viền bụng tương đối thẳng. Đầu dẹp bên, chiều dài đầu gần bằng chiều cao thân. Mõm nhọn, chiều dài bằng 1,5 lần đường kính mắt. Răng nhọn, mọc thành đai rộng và hướng vào trong miệng. Răng mọc thành đám rộng trên xương lá mía và mọc thành đai trên xương khẩu cái. Khe mang không liền với ức. Lược mang dài và cứng. Toàn thân, má, đầu và xương nắp mang phủ vảy tròn nhỏ. Đường bên hoàn toàn không có vảy lặng. Vây lưng thứ nhất có một gai cứng mọc ngược. Vây ngực ngắn, tròn, vây bụng dài hơn vây ngực. Phần lưng màu nâu xanh, phần bụng màu trắng đục. Dọc thân có một dải màu vàng chạy từ sau mắt đến bắp đuôi. Các vây màu xám đen.

Cá cam sọc – đối tượng nuôi mới đầy tiềm năng - 5665455589e48

Cá cam sọc là một loài cá quý thuộc họ cá khế Carangidae, phân họ cá cam Seriolinae, phân bố chủ yếu ở Biển Đỏ, Biển Ả Rập, Ấn Độ, Srilanca, Bắc Australia, Papua New Guinea, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Nam Nhật Bản. Tại Việt Nam, chúng có nhiều ở Biển Đông. Là loài cá nổi, sống thành đàn lớn di cư ở vùng nước ấm ven bờ. Thức ăn chủ yếu là cá nhỏ, tôm, mực.

Tình hình phát triển

Ở Việt Nam, các nghiên cứu cũng như ứng dụng vào sản xuất, ương nuôi cá cam sọc còn ít. Cá sọc cam chỉ được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III lưu giữ nguồn gen từ năm 2008 – 2010.

Trên thế giới, cá cam sọc là loài cá biển được nuôi phổ biến ở nhiều nước do chất lượng thịt ngon, phân bố tự nhiên ở nhiều nước. Trong hội nghị Nuôi trồng thủy sản châu Âu 2015, dự án đa dạng hóa đối tượng nuôi đã tổ chức riêng một phiên họp ngày 22/10/2015. Theo đó, cá cam sọc được chọn là đối tượng mới nên đưa vào phát triển, nhân rộng trong nuôi thương phẩm, bởi nó là đối tượng có chất lượng thịt thơm ngon, tốc độ tăng trưởng nhanh và có thể mang lại lợi nhuận cao. Hơn nữa, hiện nhiều nước cũng làm chủ quy trình sinh sản, ương, nuôi giống cá cam sọc, chủ động cung cấp nguồn giống cho nuôi thương phẩm.

Hiện, cá cam sọc dần thay thế các đối tượng nuôi thủy sản ở phía Bắc Chilê, nhất là trong khu vực của Antofagasta và Atacama. Chúng đã được chọn là một trong những loài sẽ được phát triển trong tương lai ở phía bắc nước này. Trong đó, Công ty Sociedad Inversiones Acuicola y Acuicola del Norte (Acuinor) đang có kế hoạch phát triển xuất khẩu cá cam sọc con lần đầu tiên sang Mỹ và một số nước châu Âu. Lần đầu tiên các nhà khoa học thuộc Phòng Thí nghiệm nuôi cá của Trường Khoa học biển thuộc Đại học Công giáo miền Bắc (UCN) đã cho cá cam sọc đẻ trứng. Alfonso Silva, một điều tra viên phụ trách nghiên cứu cho biết, việc nghiên cứu sinh sản và ương nuôi cá cam sọc thành công cho phép Chilê có thể bắt đầu điều tra liên quan việc tối ưu hóa nuôi loài này ở các giai đoạn khác nhau, cũng như để sản xuất cá bột đưa vào nuôi thương phẩm.

Ở Mexico, cá cam sọc trở thành giống nuôi mới đầy tiềm năng. Tuy mới được đưa vào sản xuất nhưng cá cam sọc đã trở thành đối tượng chính của Công ty Baja Seas Mexico. Với quy trình nuôi thương phẩm được chuyển giao từ nhiều nước, Công ty đã thả nuôi cá cam sọc trong lồng ngoài khơi bán đảo Baja. Trong 2 năm, Baja Seas Mexico có thể đưa vào sản xuất, mỗi năm cung cấp ra thị trường 2.000 tấn cá cam sọc. Ngoài cá thương phẩm, thời gian tới, Baja Seas Mexico có thể sản xuất được 2 triệu con giống cá sọc cam mỗi năm. Với chất lượng đảm bảo, hàm lượng dinh dưỡng cao, trong tương lai loài này có thể trở thành loại hàng hóa cao cấp, giá bán phải chăng.

> Từ cỡ cá 90 g/con, sau thời gian nuôi 1 năm, cá cam sọc có thể đạt trọng lượng đến 1 kg/con; sau 2,5 năm là khoảng 6 kg/con.

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Cá cam sọc – đối tượng nuôi mới đầy tiềm năng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *