Nội dung chính
Để có cây Sầu riêng con trồng, nhà vườn thường nhân giống sầu riêng bằng hai phương pháp hữu tính và vô tính.
1. Nhân giống hữu tính:
Là cách ươm cây con bằng hạt. Trước hết nhà vườn phải chọn ra những hạt giống bụ bẩm từ những trái to, múi to của cây sầu riêng “mẹ” giống tốt rồi đem gieo ngay vào giỏ tre hoặc gieo trực tiếp vào hố trồng. Mỗi nơi như vậy nên gieo vài ba hạt giống, sau này chồi cây con lên độ vài gang tay sẽ nhổ bỏ bớt những cây ốm yếu và chừa lại cây sinh trưởng mạnh nhất mà trồng. Nhưng, phương pháp nhân giống hữu tính này hiện nay ít nơi áp dụng cho là đã lỗi thời. Vì cây ương hạt tuy sống thọ hơn cả đời người, cho hưởng trái đến năm sáu chục năm nhưng có điều bất lợi là trồng đến tám chín năm mới ra trái và do cây cao to, tán lá rộng nên choán rất nhiều đất. Vì lẽ đó, thời gian một vài thập niên gần đây, nhiều người thích trồng sầu riêng tháp, chiết hơn.
2. Nhân giống vô tính:
Muốn tháp cành ta phải tạo gốc tháp trước. Gốc tháp cũng là cây sầu riêng con được gieo bằng hạt lên liếp hoặc vào bịch nylon. Chờ khoảng hai năm sau, cây sầu riêng con đã cao được khoảng 60cm đủ cứng cáp là vừa lúc để tháp.
2.1 Tháp cành sầu riêng
Khi tháp ta dùng dao mũi nhọn rồi chọn một nơi thích hợp trên gốc tháp (cách mặt đất độ 30cm) để mở miệng tháp.
– Tháp cây hình chữ U:
Trước hết ta dùng dao mũi nhọn và bén rạch lên gốc tháp hình chữ U trên vỏ sao cho khỏi chạm vào phần lõi gỗ bên trong là được. Dùng mũi dao nhọn tách như lớp vỏ gốc tháp rồi lật ngược lên trên. Ngay sau đó ta cũng dùng con dao bén đó để tách ra một mắt tháp trên nhánh cây sầu riêng mẹ. Đặt mắt tháp vào chỗ vỏ bị lật lên cho vén khéo, rồi lại lật úp miếng vỏ chữ U của gốc tháp xuống phủ chụp lên mắt tháp (chừa phần chồi mắt tháp hướng ra ngoài). Việc sau cùng là dùng dây nylon quấn chặt quanh chỗ tháp để dần dần chúng liền mí với nhau. Sau vài tuần, nếu tháp mắt còn tươi tốt là việc tháp mắt đã thành công.Các cách tháp hình chữ T, hình tam giác hay chữ nhật cũng làm na ná như vậy.
– Tháp nêm:
Trước hết dùng dao bén vạt hình lỗ nêm trên gốc tháp, rồi vạt hình cái nêm trên cành tháp lấy ra từ cây sầu riêng mẹ. Việc kế tiếp là ráp cành tháp vào gốc tháp vào lỗ nêm cho khít chặt. Sau cùng là dùng dây nylon quấn chặt bên ngoài để giữ cành tháp được yên vị, kể cả tránh tác động của mưa gió làm lung lay. Vài tuần sau khi tháp, nếu cành tháp vẫn còn tươi tốt là coi như việc tháp cành đã thành công.
Cách tháp nêm lưỡi búa cũng làm như vậy.
Trước hết phải cắt ngang mặt gốc tháp, cũng cách mặt đất khoảng 30cm, sau đó dùng dao xắn một bên gốc tháp một lỗ nêm có hình lưỡi búa (búa chẻ củi).
Bên cành tháp cũng vạt hình lưỡi búa sao khi ráp vào lỗ nêm của gốc ghép lại khít khao là được. Dùng dây nylon quấn chặt chung quanh chỗ tháp để giữ cho cách tháp không bị lung lay bởi gió hoặc những tác động khác từ bên ngoài. Sau hai tuần nếu cành tháp vẫn xanh tươi, đó là điều mừng vì việc tháp đã thành công như ý.
2.2 Chiết cành sầu riêng
Cũng như tháp cành, chiết cành cũng nên thực hiện vào giữa mùa mưa mới dễ thành công. Trước hết chọn một cành tươi tốt trên cây sầu riêng mẹ, cành không non và cũng chưa già, rồi dùng dao bén cắt bỏ một khoanh vỏ ở gốc cành ra ngoài (tránh cắt phạm vào lõi gỗ) với chiều dài khoanh vỏ độ 3cm. Sau đó dùng đất mùn trộn với phân chuồng hoai ốp chặt bên ngoài lõi thành một bầu đất to và bên ngoài dùng bao bố hoặc giẻ rách bao chặt đầu lại. Mỗi ngày nắng ráo cần tưới vài ba lần (ngày mưa khỏi tưới) cho đất bầu đủ ấm để chỗ chiết mau ra rễ. Khoảng ba tháng sau khi chiết, khi búi rễ non đã xuất hiện nhiều là lúc cưa cành (dưới bầu rễ khoảng 5cm) rồi đem cây con trồng thẳng ra hố.
Nguồn:sưu tầm