Hành lá có thể trồng quanh năm, thích hợp trên nhiều loại đất. Thời gian sinh trưởng chỉ khoảng 60 ngày; năng suất bình quân trên 2 tấn/ha.
Tuy nhiên, để việc canh tác hành lá đạt được hiệu quả như mong muốn bà con nông dân cần áp dụng qui trình sản xuất phù hợp.
Hành lá là một trong những loại rau màu được trồng phổ biến ở ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long. Nếu như trước đây hành lá chỉ được trồng rải rác ở một vài nơi, thì nay nó đã được trồng ở nhiều địa phương trong khu vực, thậm chí có nơi còn phát triển thành vùng chuyên canh loại rau màu này, như ở Bình Tân – Vĩnh Long.
Hành lá có thể trồng quanh năm, thích hợp trên nhiều loại đất. Thời gian sinh trưởng chỉ khoảng 60 ngày; năng suất bình quân trên 2 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tốt. Tuy nhiên, để việc canh tác hành lá đạt được hiệu quả như mong muốn bà con nông dân cần áp dụng qui trình sản xuất phù hợp.
Hành lá là loại rau màu ngắn ngày, nên khâu làm đất càng phải được thực hiện thật kỹ. Đất trồng hành phải được lên liếp cao, mặt đất phải được làm tơi nhỏ và sạch cỏ dại. Nên bón vôi xử lý đất, tiêu diệt côn trùng, nấm bệnh và vi khuẩn tồn tại trong đất khoảng 3 ngày trước khi trồng hành.
Sau khi dọn đất xong là có thể đưa cây giống xuống trồng ngay. Do hành lá trồng bằng gốc, nên cần chọn cây già, gốc to, lá cứng, và không bị nhiễm sâu bệnh để trồng. Tùy theo độ màu mỡ của đất, mùa vụ và giống hành, mà mật độ trồng cũng khác nhau. Song, số lượng cây giống trung bình cần cho 1000 m2 đất là khoảng 300kg. Trên mặt liếp, hành được trồng thành nhiều hàng, mỗi hàng cách nhau khoảng 20 cm, mỗi hốc trồng khoảng 2 tép. Chỉ cấy gốc hành xuống với độ sâu vừa phải – khoảng 3 cm, để giúp cho cây hành phát triển nhanh và mau nở bụi .
Việc cung cấp phân bón cho cây hành cũng phải đảm bảo vừa đủ và cân đối. Cụ thể là nên chia ra làm nhiều đợt, với liều lượng chung gồm Ure, Super lân và KCl khoảng 50kg/1000m2 . Nếu bón thừa phân, nhất là phân đạm thì cây hành sẽ non yếu, dễ đổ ngã và dễ bị sâu bệnh tấn công gây hại.
Nên sử dụng thêm phân chuồng và tro kết hợp với phân lân để bón lót trước khi xuống giống hành. Khi cây hành trồng được 7 ngày thì bắt đầu bón đợt phân đầu tiên, và tiếp sau đó là bón phân thúc – có thể chia thành 2 đến 3 đợt với lượng NPK hợp lý để giúp cây hấp thu và sinh trưởng tốt. Có thể sử dụng thêm các chế phẩm vi lượng, chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá để tăng cường dinh dưỡng, và làm giảm hiện tượng cháy đầu lá hành.
Do cây hành lá có thân thảo, lá hình ống, mình nước và dễ bị úng gốc, vì vậy yêu cầu về chế độ nước tưới cũng phải thích hợp. Bà con chỉ nên cung cấp cho hành một lượng nước vừa đủ. Tránh để cho liếp trồng hành bị ngập nước kéo dài, hoặc quá khô, đều làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của chúng, nhất là trong thời gian từ 7 đến 10 ngày đầu sau khi trồng. Ngoài ra bà con cũng cần chú trọng việc phòng trừ cỏ dại, để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng của cỏ đối với cây hành, nhất là ở giai đoạn cây còn nhỏ.
Trong suốt thời gian sinh trưởng của cây hành lá có thể có đến trên một chục đối tượng sâu bệnh xuất hiện và gây hại, Vì vậy, bà con cần quan sát và sớm phát hiện, để có biện pháp phòng trị kịp thời .
Về sâu hại, cần chú ý các đối tượng nguy hiểm như sâu ăn tạp, sâu xanh da láng, sâu đục thân, dòi hại lá hành…Tuy mỗi loài có cách gây hại khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung là ở giai đoạn sâu non chúng cắn phá rất dữ, sau đó đục lỗ chui vào bên trong ống lá hành và gây hại. Do đó cần phải phun thuốc phòng trừ sớm, không nên để sâu lớn và chui vào trong lá hành, sẽ làm cho việc phòng trị gặp nhiều khó khăn.
Về bệnh hại, bà con cần lưu ý các đối tượng chính là bệnh thối nhũn, cháy đầu lá, thán thư và thối gốc…. Đây là các loại bệnh xuất hiện khá phổ biến và gây hại nặng cho cây hành, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng hành. Các bệnh này thường gây hại khá sớm, từ lúc cây hành còn nhỏ cho đến khi thu hoạch. Đặc biệt nguy hiểm là bệnh thán thư và thối gốc. Chúng tấn công mạnh vào gốc hoặc lá của cây hành, làm cho các bộ phận này bị hư, nếu cây nhiễm bệnh nặng sẽ bị thối và chết, làm giảm năng suất, thậm chí còn có thể gây mất trắng nếu như không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Gần đây còn có một loại bệnh mới xuất hiện trên hành lá, mà bà con thường gọi là bệnh” hành luột”, khiến bà con rất lo lắng. Bệnh này phát triển rất nhanh. Lúc đầu chỉ là những vết bệnh rất nhỏ, nhưng sau 1 – 2 ngày chúng lây lan làm vàng cả ruộng hành và gây chết cây hàng loạt, khiến năng suất giảm sút nhanh chóng.
Để phòng trừ sâu bệnh hại trên hành lá bằng thuốc BVTV đạt hiệu quả cao, bà con cần chú ý phun thuốc khi hành vừa mới bị nhiễm bệnh, và lúc sâu hại còn nhỏ. Điều quan trọng là khi phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc hóa học không nên dùng một loại thuốc, mà phải luân phiên các loại thuốc với nhau, để tránh khả năng kháng thuốc của chúng.
Tóm lại, để trồng hành lá đạt hiệu quả cao, bà con nông dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất. Trong đó phải chú ý đến việc vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị và xử lý đất trồng thật kỹ trước khi xuống giống; nên sử dụng giống hành có chất lượng tốt để trồng, và xử lý sâu bệnh hại kịp thời. Khi sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng.
Theo Thvl.vn