Hoa rực rỡ như nắng, cành lá khỏe khoắn nhưng mềm mại như gió, đó là điểm dễ nhận thấy của loài hoa huỳnh anh. Vậy nếu yêu thích loài hoa này, bạn đã biết cách trồng hoa huỳnh anh cho bông sai, lá bóng? Nếu chưa thì hãy tham khảo ngay những thông tin chia sẻ cách trồng hoa huỳnh anh ngay dưới đây nhé!
Đặc điểm thích nghi của loài hoa huỳnh anh
Trong số các loại cây cảnh hiện nay, có thể nói huỳnh anh là loài có sức sống mãnh liệt nhất. Đây là cây ưa ánh sáng trực xạ nên thường được trồng ở những khu vực thoáng đãng như ban công, sân thượng, cổng ra vào hay tường rào. Chúng cũng ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng dù rằng bộ rễ phát triển khá khỏe mạnh. Loài thực vật này nở hoa quanh năm, hoa có màu vàng rực, lá bóng bẩy, cành chắc chắn, mập mạp và sức sống cao. Huỳnh anh rất dễ trồng, chúng không kén đất và cũng không cần đến quá nhiều dinh dưỡng.
Cách trồng hoa huỳnh anh đúng chuẩn
Có 3 cách trồng hoa huỳnh anh, một là trồng bằng hạt, hai là trồng bằng chiết cành và ba là trồng bằng giâm cành. Trong đó cách mang lại hiệu quả cao nhất là giâm cành.
Vào mùa xuân hè, chúng ta chọn những cành khỏe, dạng bánh tẻ (không già, cũng không non), nhiều chồi mắt rồi cắt ngang đoạn dài chừng 15 – 20 cm (trên đoạn có tối thiểu 2-3 chồi mắt) sau đó ngâm trong nước 3 sôi, 2 lạnh. Sau nửa tiếng, đem cành vừa ngâm cắm vào giá thể ấm. Thông thường, khoảng 10-12 ngày, đoạn thân này sẽ đâm rễ phụ và bắt đầu đẻ nhánh, lúc này chúng ta sẽ dời chúng để trồng trong chậu, đất vườn, ven tường rào, tùy vào nhu cầu cá nhân.
Như đã nói ở trên, loài hoa dây leo này vốn không kén đất. Tuy nhiên, loại đất lý tưởng giúp cho bông sai, lá bóng, cành khỏe là đất màu giàu dinh dưỡng có bón thêm phân chuồng hoai mục, trấu, xơ dừa. Chúng ta nên bón lót, sau đó phơi nỏ đất và phân trong nửa tháng để tiêu trừ mầm bệnh, sau đó mới dùng để trồng huỳnh anh.
Ngoài ra, vì huỳnh anh là cây leo dựa nên nếu không có tường hay lan can bám đỡ, chúng ta phải tạo cột, trụ hay giàn cho cây nương tựa, làm bàn đạp để cây leo lên và bám vào khi có gió bão.
Kĩ thuật chăm sóc hoa huỳnh anh cho bông sai, lá bóng
Huỳnh anh ưa ẩm nhưng lại không cần tưới nhiều nước vì bộ rễ của loài thực vật này có khả năng giữ ẩm rất tốt. Vào mùa khô ở miền Nam hoặc mùa nắng hạn ở miền Bắc, chúng ta chỉ tưới cho cây theo chu kỳ 2-4 ngày/1 lần còn vào mùa mưa, mùa đông giá, tất nhiên không cần tưới nước cho cây.
Thêm một lưu ý trong cách trồng hoa huỳnh anh và chăm sóc chúng, đó là loài thực vật này đặc biệt ưa sáng và chỉ sinh trưởng tốt ở nơi đầy đủ ánh sáng với điều kiện chiếu sáng tối thiểu 6-7 tiếng/ngày. Nếu trồng nơi thiếu ánh sáng, cây sẽ ngừng sinh trưởng hoặc sinh trưởng hạn chế, đồng thời cho ít hoa và kích thước hoa thường nhỏ. Chính vì thế, bạn có thể trồng huỳnh anh trên ban công, trên cổng nhà hoặc ven tường bao khuôn viên nhà ở. Ngoài ra, huỳnh anh cũng đẻ nhánh rất nhanh, nếu bạn muốn tập trung dinh dưỡng để cho bông sai và to đẹp thì hãy thường xuyên cắt tỉa cành để huỳnh anh nhanh phân nhánh cho ra nhiều đọt/chồi mới.
Nhiệt độ sinh trưởng thích hợp của cây huỳnh anh là 18 – 30 độ C. Dưới 13 độ, cây bị ức chế sinh trưởng. Do vậy trong những ngày đông giá, nếu nền nhiệt xuống dưới ngưỡng 13 độ, hãy dời cây vào phòng ấm hoặc che chắn bằng bao nilon để giữ ấm cho cây.
Chưa hết, nếu muốn hoa có màu sắc rực rỡ, lá bóng bẩy thì trong cách trồng hoa huỳnh anh, bạn đừng quên chi tiết bón phân. Loại phân phù hợp với loài thực vật này là phân hữu cơ, phân vi sinh, phân NPK với tỉ lệ 1-1-1 và bón theo chu kỳ tháng. Trước vụ hoa nở tầm 7-10 ngày, ta nên ngưng bón phân và tưới nước để thúc hoa nở đồng loạt.
Trên đây là cách trồng hoa huỳnh anh đúng chuẩn, giúp hoa sai, rực rỡ, thân cành mập mạp và bộ lá khỏe khoắn, bóng bẩy. Sau cùng, chúc bạn có khuôn viên nhà ở rực nắng với màu vàng tuyệt đẹp của hoa huỳnh anh và xin chân thành cảm ơn vì đã tham khảo bài viết của nuoitrong123! Trân trọng!