Hoa cúc vạn thọ rất được ưa chuộng và được trồng phổ biến ở Việt Nam dùng để trang trí sân vườn, làm cây cảnh, phục vụ cúng, lễ và trưng bày trong dịp Tết Nguyên đán.
Ngoài ra vạn thọ còn có tác dụng xua đuổi côn trùng có hại, dùng lá để chữa bệnh nấc cụt. Ở Thái Lan, Ấn Độ hoa vạn thọ còn dùng trong công nghệ chế biến thức ăn gia súc, làm tăng hàm lượng Caroten trong thức ăn cho gà đẻ trứng để có lòng đỏ nhiều. Hoa vạn thọ còn dùng để chiết xuất Caroten làm thực phẩm.
Trồng cúc vạn thọ để có được hoa có chất lượng tốt bạn nên trồng và chăm sóc theo quy trình sau:
1. Giống
Hiện nay trên thị trường có nhiều giống hoa vạn thọ của Pháp, Thái Lan, có thể chọn 2 giống chủ yếu là vạn thọ lùn và vạn thọ cao. Vạn thọ lùn có thể trồng quanh năm, thích nghi rộng, cây cao 40-45cm, thời gian từ khi gieo hạt đến lúc nở hoa hoàn toàn là 60-65 ngày. Vạn thọ cao rất thích hợp trong Tết Nguyên đán, có thể trồng quanh năm, cây cao 65-70cm, thời gian từ lúc gieo đến nở hoa hoàn toàn là 65-70 ngày.
2. Thời vụ
Có thể trồng hoa vạn thọ quanh năm, nhưng vụ chính là vào dịp Tết Nguyên đán. Đối với vạn thọ lùn thì gieo trồng trễ nhất là vào 5/11 (âm lịch), vạn thọ cao thì gieo trồng trễ nhất là 25/10 (âm lịch).
3. Ươm cây con
Đất gieo hạt phải tơi xốp, nhuyễn thoát nước nhanh và để rễ phát triển tốt, đất phải sạch để tránh gây bệnh cho cây con. Hỗn hợp đất gồm 3 phần, tro trấu phải xả nước nhiều lần để giảm độ mặn, đất cát hoặc đất gò mối hay xơ dừa và phân chuồng ủ hoai. Hỗn hợp trên trộn theo tỷ lệ 10:4:1.
Có thể dùng túi nilon, bằng lá chuối hay bầu giấy kích thước bầu 6cm x 8cm, bầu được đặt cách mặt đất 20-25cm. Giàn đỡ bầu phải có kẽ hở để thoát nước tốt. Sau khi chuẩn bị bầu xong, cho gieo hạt vào bầu và tưới nước cho ẩm, sau 3-5 ngày hạt sẽ nảy mầm hết, giai đoạn này cần che nắng cho cây con. Sau 5 ngày thì bắt đầu nhấc giàn che cho cây con phát triển, sáng nhấc giàn che ra đến 10h đậy lại. Sau 10 ngày thì nhấc giàn che hoàn toàn để cây phát triển tốt. Trong giai đoạn này chú ý khi tưới cần tưới nhẹ, hạt nước nhỏ tránh làm xay xát cây con.
4. Cấy cây con ra giỏ
Sau 15-17 ngày sau gieo thì cấy cây con ra giỏ, đối với vạn thọ lùn thì giỏ trồng có đường kính 20-25 cm, vạn thọ cao thì giỏ trồng có đường kính 25-30cm, dùng túi nilon có đường kính thích hợp lót trong giỏ, chú ý là nhớ cắt đáy để thoát nước. Đất trồng trong giỏ được trộn như sau: 300kg đất cát pha thịt + 300 kg phân chuồng hoai nhuyễn + 10 kg bánh dầu xay nhuyễn, tỷ lệ trên dùng cho 1000 giỏ trồng, chú ý giỏ chỉ vô đất khoảng ½ giỏ, phần còn lại khi bón thúc sẽ đầy.
Sau khi chuẩn bị giỏ trồng xong, tiến hành trồng cây con vào, chú ý chỉ lấp đất tới cặp lá mầm và trồng vào buổi chiều mát. Trong 3 ngày đầu chỉ tưới phun sương trước khi trời nắng gắt để cây chịu đựng tốt. Sau đó tưới mỗi ngày 3 lần vào sáng sớm (tưới nhiều), 10h sáng tưới lần 2 và 16h chiều tưới lần 3 (2 lần sau tưới ít, vừa đủ). Nếu gặp trời mưa hoặc thấy nhiều nước cần phải xới xáo cho đất trong giỏ thoáng và thoát nước nhanh.
5. Chăm sóc
5.1 Bón phân
Bánh dầu rất tốt cho hoa vạn thọ nên được sử dụng trong suốt quá trình sinh trưởng của cây, dùng 1 thùng nước 50 lít ngâm với 10 kg bánh dầu (nên ngâm sớm trước lúc gieo trồng 10 ngày để phân hủy bánh dầu tốt).
– 10 ngày sau gieo nên tưới phân lần đầu, nồng độ tưới thấp hơn bình thường, pha 400 lít nước với 5 lít nước bánh dầu và 200 gram phân NPK 16:16:8 tưới cho 1.000 giỏ, sau đó cứ 10 ngày thì tưới phân 1 lần, những lần sau tăng lượng nước bánh dầu lên 6 lít.
– Bón thúc 10 ngày sau khi trồng ra giỏ bón thúc lần đầu tỷ lệ bón như sau: 100kg tro trấu + 100kg phân chuồng khô hoai +10 kg bánh dầu nhuyễn, sau đó cứ 7 ngày bón 1 lần, tổng cộng bón 4 lần cho vạn thọ đến ngày nở hoa, ở lần bón 2,3 thì tăng lượng bánh dầu lên 11-12kg. Lần 4 thì bằng lần đầu.
5.2 Cơi ngọn
– Khi cây được 35 ngày tuổi đã có 6-7 cặp lá, đồng thời các chồi nách ở lá 1,2,3 cũng vươn lên theo. Nên bấm đọt vào giai đoạn này để cây không vượt quá mức và giúp các chồi nách phát triển để tạo bông sau này sẽ đều mặt và đẹp, chỉ nên chừa 5-6 cặp chồi nách sẽ tốt hơn. (Lưu ý là đối với vạn thọ cao bấm đọt trễ nhất là 5/12 âm lịch và vạn thọ lùn là 10/12 âm lịch).
– Khi cây được 45 ngày tuổi thì tất cả các ngọn đã có nụ, hãy tỉa bỏ tất cả các chồi nhỏ trong các nhánh chỉ chừa 1 bông chính thì hoa mới lớn và đẹp. Ở giai đoạn hoa bắt đầu nở thì lượng phân bón và thuốc giảm tránh để lạm phân và thuốc làm cho cây chết héo, hoa nở không lớn và không vun tròn.
6. Kỹ thuật xử lý ra hoa
Nếu hoa có khả năng nở sớm hơn dự định, cần hãm tốc độ nở hoa bằng cách tưới thêm phân urê theo tỷ lệ 10gram/ 10 lít nước để tưới, tưới ngày 2 lần (sáng, chiều) để kéo dài thời gian sinh trưởng của cây, công việc này thực hiện lúc cây 50 ngày tuổi.
Nếu thấy hoa có khả năng nở muộn hơn dự định thì có thể xử lý bằng cách ngưng tưới nước 1-2 ngày để cây có triệu chứng thiếu nước nặng, khi lá vừa héo rũ thì nên tưới nước lại vừa đủ ướt đất trong giỏ, những ngày tiếp theo tưới nước đậm pha với bánh dầu (6lít nước bánh dầu với 400 lít nước) để cây chuyển sang sinh trưởng sinh thực. Có thể sử dụng Nitrat Kali (KNO3) theo nồng độ khuyến cáo để kích thích ra hoa sớm.
7. Phòng trừ sâu bệnh
7.1. Bệnh
Các loại bệnh thường gặp nhất là héo tươi do nấm, quăn đọt do bọ trĩ truyền virus. Bệnh thường xuất hiện khi độ ẩm quá cao, không cân đối dinh dưỡng, khi mưa lớn hoặc tưới mạnh gây xay xát cho cây. Có thể phòng bằng các loại thuốc như Aliette, Rovral, Daconil, Foraxyl phòng trừ các bệnh do nấm gây hại, dùng Starner phòng bệnh do vi khuẩn. Trường hợp bị virus nên nhổ bỏ cây bệnh để tránh lây lan.
– Bệnh thối gốc trắng, bệnh héo vi khuẩn và bệnh hoa lá.
Bệnh thối gốc trắng (hay còn gọi là bệnh lở cổ rễ) rất phổ biến giai đoạn cây con. Bệnh do nấm Rhizoctonia solania gây ra. Triệu chứng đầu tiên là ở phần cổ rễ hoặc phần gốc sát với mặt đất xuất hiện những chấm nhỏ màu xám nâu, lở loét, rễ bị thối mềm. Nếu gặp điều kiện thuận lợi thì cổ rễ bị chuyển màu thâm đen, thối mục làm cho cây ngã ngang khi nhổ lên sẽ bị đứt gốc.
Phần trên mặt đất, bộ lá vẫn xanh nhưng toàn thân đã bị héo rũ, làm cho cây chết từng chòm. Thời tiết ẩm ướt, có thể thấy ngay chổ bị bệnh phủ một lớp nấm màu trắng, sau chuyển dần sang màu xám. Nấm gây bệnh tồn tại rất lâu trong đất trồng, có thể sống hoại sinh trên tàn dư cây trồng nhiều năm. Bệnh thường phát sinh phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, đất trũng đọng nước.
– Bệnh héo xanh vi khuẩn
Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas solanaccearum gây ra. Bệnh có thể gây hại ở bất kỳ giai đoạn sinh trưởng nào của cây nhưng thường gây hại nhiều ở giai đoạn cây đang tăng trưởng mạnh đến lúc ra nụ hoa. Bệnh do vi khuẩn tác động vào bộ phận gốc rễ, làm thối rễ, cây bị bệnh lá héo rũ đột ngột nhưng vẫn xanh, triệu chứng héo của cây diễn rất nhanh, chỉ trong một vài ngày lá cây chết hoàn toàn.
Những lá non héo trước, sau đó héo toàn cây. Cắt ngang gốc, thân cây bệnh thấy bó mạch thâm đen, bóp chặt vào gần chổ miệng cắt có dịch nhờn vi khuẩn màu trắng sữa chảy ra. Nguồn bệnh tồn tại chủ yếu trong đất và tàn dư cây bệnh. Vi khuẩn xâm nhiễm vào rễ, gốc thân, thân và cuống lá qua vết thương cơ giới do quá trình canh tác, côn trùng, tuyến trùng,…Bệnh lây lan từ cây này sang cây khác bằng nhiều con đường khác nhau như qua nước tưới, nước mưa, hạt giống…
– Bệnh hoa lá
Bệnh do virus gây ra không có thuốc trị. Bệnh có thể gây hại suốt giai đoạn sinh trưởng của cây. Cây bị bệnh lá có các mãng xanh vàng xen kẻ loang lổ, phiến lá chổ dày mỏng không đều, đưa lá bệnh lên ánh sáng thấy gân lá mất màu. Cây bệnh đọt non bị xoăn lại, lá nhỏ, cây kém phát triển. Bệnh nặng toàn cây thấp và nhỏ, các đốt thân cành co ngắn lại, hoa ra ít và nhỏ. Rệp muội là môi giới lan truyển.
Biện pháp phòng trừ
– Vệ sinh ruộng hoa sạch sẽ, thu gom tàn dư cây bệnh đưa ra khỏi ruộng, tiêu huỷ để giảm bớt nguồn bệnh. Tuyệt đối không được vứt bỏ những tàn dư cây bệnh xuống mương nước tưới cho hoa.
– Lên luống trồng vạn thọ phải cao ráo. Mật độ trồng vừa phải, không trồng dày.
– Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục ngay từ đầu vụ kết hợp sử dụng nấm Trichoderma. Không bón quá nhiều phân đạm
– Kiểm tra ruộng hoa thường xuyên để phát hiện và nhổ bỏ sớm những cây bị bệnh để tránh lây lan.
– Khi phát hiện bệnh, hạn chế tưới nước vào buổi chiều tối và tưới thẳng lên hoa.
– Biện pháp hoá học: Đối với bệnh thối gốc trắng thì phun các loại thuốc sau: Anvil 5SC, Validacin 3L,…Đối với bệnh héo xanh vi khuẩn nên sử dụng thuốc gốc Đồng để phun ngừa hoặc sử dụng thuốc New Kasuran 16.6WP, Agri-Life 100SL phun khi mới chớm bệnh. Đối với bệnh hoa lá do virus thì không có thuốc trị nhưng biện pháp phun côn trùng môi giới là biện pháp phòng có hiệu quả, vì thế thường xuyên thăm ruộng hoa, phát hiện sự xuất hiện của rệp muội thì phun thuốc trừ. Sử dụng một trong các loại thuốc trừ rệp: Map Permethrin 50EC, Confidor 100SL, …
7. 2. Sâu hại:
– Vạn thọ thường bị sâu vẽ bùa và sâu ăn lá gây hại, có thể dùng Tregart, Regent để ngừa và trị sâu vẽ bùa, dùng Sherpa, Supracide để phòng và trị sâu ăn lá. Để hoa nở đẹp, đầy đặn và lâu tàn nên dùng thêm phân bón lá hữu cơ Supermes phun định kỳ 10 ngày 1 lần để giúp cây sinh trưởng tốt và cho hoa đẹp.
– Hoa vạn thọ nên bố trí trồng ở những nơi thoáng mát, không bị bóng rợp, cần theo dõi liên tục quá trình sinh trưởng của cây để kịp thời có biện pháp xử lý. Vào giai đoạn hoa bắt đầu ló ngòng, nên liên tục phun thuốc trừ sâu có mùi nặng (Viphenxa, Supracide) pha loãng để xua đuổi bướm không đẻ trứng vào hoa gây hư hoa làm hoa không đẹp. Cần sử dụng thêm phân bón lá hữu cơ Supermes để giúp cây sinh trưởng tốt, hoa nở đầy đặn, tươi đẹp và lâu tàn.
Nguồn: Sưu tầm