Dự án “Hợp tác nghiên cứu cải tạo rừng hồi năng suất thấp” do Sở KH&CN Lạng Sơn phối hợp với Quảng Tây (TQ) khiến 10.000 ha hồi già cỗi “hồi sinh”.
Lạng Sơn hiện đang chiếm đến 70% sản lượng hồi của cả nước. Khai thác thế mạnh về đất rừng, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng quy hoạch phát triển rừng hồi tập trung ở các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng, Tràng Định và phía bắc Cao Lộc.
Hiện nay toàn tỉnh Lạng Sơn có 32.500 ha rừng hồi, lớn nhất cả nước, cho thu hoạch trung bình 5.000 đến 10.000 tấn hồi khô mỗi năm. Phần lớn cây trồng đã lâu năm, đến thời kỳ thoái hóa, cho thu hoạch xen kẽ, một năm được mùa một năm giảm. Sau khi được chuyển giao phương pháp cải tạo rừng hồi từ Trung Quốc, năng suất hồi đã tăng 35%, tương đương với 2.000 tấn hồi mỗi năm. Với giá thành hiện nay là 70.000/kg thì rừng hồi Lạng Sơn sau khi cải tạo đã giúp người trồng hồi toàn tỉnh tăng thu nhập gần 140 tỷ đồng/năm.
Huyện Văn Quan là “vựa” hồi lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn với hơn 9.000 ha hồi, chiếm 1/3 diện tích cây hồi toàn tỉnh. Phần lớn cây hồi được trồng từ cách đây hàng chục năm, nhiều cây đã gần 100 tuổi nên sản lượng không cao, chất lượng hồi càng ngày càng đi xuống. Từ năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn phối hợp với các chuyên gia của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) hướng dẫn áp dụng khoa học công nghệ vào cải tạo đất, bảo vệ và thu hoạch hồi như: tỉa cành, bón phân, đào hố, chăm sóc cây…
Biện pháp cải tạo rừng hồi năng suất thấp là kỹ thuật cải tạo tổng hợp đối với rừng hồi sản lượng thấp, nâng cao sản lượng hồi nội trong 2 -3 năm. Chủ yếu ứng dụng lý thuyết các môn học như sinh thái học, sinh lý học, thực vật dinh dưỡng học và làm vườn…, căn cứ theo đặc tính sinh thái sinh lý đặc biệt của cây hồi như hoa quả cùng kỳ, yêu cầu dinh dưỡng khác nhau trong các thời kỳ cũng như hiện tượng rụng hoa, rụng quả…
Bên cạnh việc áp dụng khoa học trong trồng, chăm sóc và thu hoạch hồi, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư máy móc, công nghệ mới vào chế biến hồi. Nhiều gia đình đã tự bỏ tiền đầu tư mua hệ thống máy chưng cất tinh dầu hồi, đầu tư hệ thống sấy khô hoa hồi thay thế cho cách chưng cất tinh dầu hồi bằng hơi nước ở áp suất thường như trước kia nên đã giúp giảm tỷ lệ thất thoát của tinh dầu hồi. Tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư lắp đặt một hệ thống chưng cất tinh dầu tại huyện Văn Quan từ năm 2010, giúp nâng chất lượng sản phẩm hồi của người dân nơi đây.
Từ khi rừng hồi được cải tạo, sản lượng và chất lượng cùng nâng lên thì sản phẩm hoa hồi xứ Lạng đã dần tìm được chỗ đứng, tiếp cận được nhiều thị trường trong và ngoài nước.
Nguồn: sưu tầm
Tìm bài này trên Google:
- cay hoi