Hồi là cây đặc sản có giá trị cao ở một số khu vực dọc biên giới Việt – Trung. ở vùng này, hồi có chất lượng tinh dầu tốt, có thể xuất khẩu, được đồng bào dân tộc Tày, Dao ở Lạng Sơn trồng từ hàng thế kỷ nay.
Ở Việt Nam có 3 loại hồi: hồi 8 cánh, hồi núi và hồi chè. Hồi 8 cánh là loài cây thân gỗ, lá rộng, thường xanh, cao 8-10m, đờng kính thân cây 20-30cm được trồng phổ biến. Mỗi năm hồi cho thu hoạch 2 vụ: Vụ tứ quý vào tháng 4-5 và vụ mùa vào tháng 10-11.
Cây hồi bắt đầu bói quả ở 7-8 năm tuổi, cho nhiều quả nhất ở độ tuổi 20-60 tuổi. ở Lạng Sơn, năng suất hồi trung bình đạt 1500-3000kg quả khô/ha/năm. Năm 1999, toàn tỉnh có 17.000 ha rừng hồi, cho sản lượng 15.000 tấn quả tươi, trị giá ước tính 40 tỷ đồng.
Cây hồi thích nghi với điều kiện khí hậu á nhiệt đới vùng núi ở Việt Nam với nhiệt độ trung bình 21,47°C, có mùa đông lạnh nhưng ít sương muối, lượng mưa không cao: 1300-1500mm/năm. Cây hồi ưa đất tốt, giàu mùn, đạm, kali, thành phần cơ giới nặng, giàu hạt sét, tầng đất màu dày 80cm, không có hoặc ít đá lẫn.
Hồi là loài cây ưa ánh sáng nhưng tùy theo độ tuổi mà nhu cầu ánh sáng khác nhau: ở 24 tháng tuổi, cần che 60-80%; ở 3-4 tuổi nếu trồng trên đồi núi trơ trọi, không có cây che bóng thì một số cây bị vàng lá, sinh trưởng còi cọc và có tỷ lệ chết cao. ở giai đoạn 20-30 tuổi là thời kỳ sai quả, hồi là cây trung tính thiên về ưa sáng.
Về nhiệt độ, hồi kém chịu nóng: khi nhiệt độ trên mặt lá hồi đạt 37-38°C kéo dài 2 giờ liền là cây hồi bị táp lá.
Nhu cầu nước của cây hồi biến thiên theo độ tuổi: 3 tuổi – ưa ẩm, không chịu được khô hạn; 20-25 tuổi chịu hạn ở mức độ trung bình và có khả năng thích nghi khá linh hoạt với môi trường úng nước.
Thực tiễn trồng hồi của bà con dân tộc Tày, Dao ở Lạng Sơn thời gian qua cho thấy 5 kinh nghiệm sau:
1. Trồng hồi hỗn loài với cây gỗ trên đất sau nương rẫy của đồng bào Dao ở Bắc Sơn, Lạng Sơn. Đất nương rẫy sau một số vụ lúa, hoa màu hoặc cây công nghiệp ngắn ngày sẽ được trồng hồi. Cây hồi con được trồng dưới tán một số cây gỗ tái sinh tự nhiên sau nương rẫy như re lá, bời lời, dẻ gai, hu đây, ba bét trắng, ba soi. Trong quá trình sinh trưởng, cây hồi dần dần lớn lên và có nhu cầu ánh sáng tăng dần, bà con tiến hành ken chết dần các cây gỗ tự nhiên. Bằng cách này, bà con dân tộc Dao ở Vũ Sơn (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) đã trồng được những rừng hồi cho năng suất cao (15.000kg quả tươi/năm/1 ha).
2. Trồng hồi xen tre, vầu của đồng bào Tày ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn. Các rừng tre, vầu được đồng bào trồng xen hồi con; khi hồi đã lớn, có nhu cầu ánh sáng cao hơn thì nó đã vươn lên để chiếm lĩnh tầng cao của tán rừng. Bằng phương thức này, đồng bào đã tạo ra kiểu rừng hỗn loài với tre, vầu với cấu trúc 2 tầng cây.
3. Trồng hồi xen sắn của đồng bào Tày, huyện Bình Gia, Lạng Sơn. Các hộ nông dân Tày đã trồng sắn xen với hồi khi hồi còn nhỏ. Đặc biệt, khi thu hoạch sắn cần thu hoạch vào lúc có thời tiết râm mát và thu hoạch dần dần để tránh tình trạng tán che mở đột ngột làm cho hồi con bị mất nhiều nước có thể bị chết.
4. Trồng hồi xen chè của đồng bào Tày huyện Bình Gia, Lạng Sơn. Dưới tán rừng hồi đã khép tán, vào các năm thứ 3 trồng hồi xen sắn, đến năm thứ 4 và thứ 5 trồng xen chè. Theo kiểu trồng xen này, đồng bào đã tạo ra loại rừng chè hỗn hợp chè + hồi với 2 tầng cây.
Tuy vậy, ở một số nơi, bà con còn trồng thêm cây phân xanh họ đậu (cốt khí), dứa. Các băng cây cốt khí, dứa được thiết kế chạy theo đường đồng mức để chống xói mòn, bảo vệ đất. Theo mô hình này, nếu tính cả chè và hồi có thể cho thu nhập 17.000.000 đ/ha/năm (theo giá thị trường năm 1998).
5. Trồng hồi trong các vờn quả gia đình. Cho đến nay, nhiều gia đình đã trồng được vườn cây ăn quả gồm các loại hồng không hạt, mận, quýt ngọt, na dai… Nhân dân đã tiến hành trồng hồi thành những vành đai bao quanh vườn ăn quả tạo thành các băng cây cản gió, bảo vệ vườn quả.
Các kinh nghiệm trồng hồi kể trên của đồng bào dân tộc Tày, Dao ở Lạng Sơn đã được khoa học và thực tiễn xác minh là đúng đắn, có thể mở rộng ra toàn tỉnh Lạng Sơn và một số địa phương lân cận.
Nguồn: Sưu tầm