Mã đề là cây thân thảo, sống hàng năm, cao độ 10-15cm. Lá có cuống dài, hình trứng (ảnh) dài 5-12cm, rộng 3,5 -8cm, đầu tù, hơi có mũi nhọn. Mã đềrất dễ nhận ra bởi phiến lá hình thìa, đôi khi hình trứng, có gân hình cung dọc theo sống lá và đồng quy ở ngọn và gốc lá.
1. Mô tả
Mã đề là cây thân thảo, sống hàng năm, cao độ 10-15cm. Lá có cuống dài, hình trứng (ảnh) dài 5-12cm, rộng 3,5 -8cm, đầu tù, hơi có mũi nhọn. Mã đề rất dễ nhận ra bởi phiến lá hình thìa, đôi khi hình trứng, có gân hình cung dọc theo sống lá và đồng quy ở ngọn và gốc lá.
Mép lá uốn lượn, nguyên hoặc hơi có răng cưa, không đều. Hoa nhỏ, lưỡng tính, mọc thành bông, có cán dài, xuất phát từ kẽ lá. Hoa có bốn đài, xếp chéo, hơi đính vào nhau ở phía gốc. Tràng hoa mỏng, khô xác, có bốn thùy hình tam giác nhọn, xếp xen kẽ với lá đài, hoa có bốn nhị, chỉ nhị mảnh.
Bầu hình cầu, có 2 ô. Quả nang, hình chóp thuôn, dài 3,5- 4mm, mở bằng một nắp nứt ngang trên các lá đài. Hạt rất nhỏ, hình bầu dục, hơi dẹt, chỉ dài độ 1mm, màu nâu hoặc tím đen, bóng. Trên mặt hạt có chấm nhỏ màu trắng. Thành phần hoá học cây có chứa một glucosid. Lá có chất nhầy, chất đắng, caroten, sinh tố C, K, T, acid citric.
2. Thành phần hóa học:
Lá Mã đề chứa iridoid (aucubosid, catalpol), acid phenoic và este phenylpropanoic của glycosid, majorosid. Lá còn chứa chất nhày với hàm lượng 20%. Hạt chứa chất nhày giàu D-galactose, L-arabinose và có khoảng 40% acid uronoic, dầu béo trong đó có acid 9-hydroxy-cis-11-octadecenoic. Ngoài ra Mã đề còn có nhiều flavonoid: apigenin, quercetin, scutelarein, baicalein, hispidulin ( 5,7,4’-trihydroxy-6-methoxyflavon), luteolin-7-glucosid, luteolin-7-glucoronid, homoplantaginin(=7- O-b-D-glucopyransoyl-5,6,3’,4’-trihydroxyflavon). Bên cạnh đó Mã đề còn chứa nhiều chất khác như aicd cimaric, acid p. coumaric, acid ferulic, acid cafeic, acid clorogenic, caroten, vitamin K, vitamin C.
3. Tác dụng dược lý – Công dụng:
Thường dùng chữa: sỏi niệu và nhiễm trùng đường niệu. Viêm kết mạc, viêm gan.
Mã đề dùng để chữa ho lâu ngày, viêm phế quản, viêm bàng quang, bí tiểu tiện, tiểu tiện ra máu hoặc sỏi, phù thũng, đau mắt sưng đỏ, lỵ, chảy máu cam, ra nhiều mồ hôi. Lá Mã đề tươi đắp làm mụn nhọt chóng vỡ và mau lành. Ở Trung Quốc, hạt Mã đề sắc uống chữa bệnh đái tháo đường, ho, vô sinh. Ở Ấn Độ, cây Mã đề dùng cầm máu và trị vết thương, bỏng và viêm các mô. Lá dùng làm mát, lợi tiểu, làm săn và hàn vết thương, nước hãm lá trị tiêu chảy và trĩ. Rễ Mã đề có tác dụng làm săn, chữa sốt và ho. Hạt làm dịu viêm, lợi tiểu, bổ, trị lỵ và tiêu chảy. Trong y học cổ truyền Nhật bản, nước sắc của Mã đề trị ho hen, bệnh tiết niệu tiêu thũng, tiêu viêm. Ở Thái Lan, toàn cây hoặc lá dùng lợi tiểu, sốt, hạt nhuận tràng chống viêm và đầy hơi. Ở Triều tiên dùng Mã đề trị bệnh về gan. Ở Haiti nhân dân dùng Mã đề chữa choáng thần kinh và đau mắt.
4. Công dụng:
+ Lá: Phế nhiệt, đàm nhiệt, ho lâu ngày, viêm khí quản, viêm thận và bàng quang, bí tiểu tiện, tiểu tiện đau rít ra máu hoặc ra sỏi, phù thũng, mắt đau nhặm sưng đỏ (sung huyết), thử thấp ỉa chảy, nôn ra máu, chảy máu cam, sang độc.
+ Hạt: Tiểu tiện bế tắc, ỉa chảy, kiết lỵ do thử thấp, đau mắt đỏ có màng sưng.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 10-20g lá hoặc 6-12g hạt dưới dạng thuốc sắc. Lá tươi giã nhỏ đắp lên mụn nhọt, toàn cây nấu thành cao đặc chữa bỏng.
5. Bài thuốc:
– Bài thuốc lợi tiểu: hạt Mã đề 10 g, Cam thảo 2g, nước 600ml sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
– Chữa ho tiêu đờm: Mã đề 10g, Cam thảo 2g, Cát cánh 2g, nước 400ml sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
– Chữa sỏi đường tiết niệu: Mã đề 20 g, Kim tiền thảo 30 g, rễ cỏ Tranh 20 g. Ba thứ trên sắc uống ngày một thang hoặc hãm chè uống nhiều lần trong ngày.
– Chữa sốt xuất huyết: Mã đề tươi 50 g, củ sắn dây 30 g. Hai thứ trên rửa sạch đun trong 1 lít nước, sắc kỹ còn một nửa, chia làm 2 lần uống lúc đói trong ngày. Có thể cho thêm đường, uống liền trong 3 ngày.
– Chữa viêm gan siêu vi trùng: Mã đề 20 g, Nhân trần 40 g, Chi tử 20g, lá Mơ 20g. Tất cả thái nhỏ sấy khô, hãm như chè để uống, ngày uống 100-150 ml.
6. Kiêng kỵ:
– Lá: Phụ nữ có thai dùng phải thận trọng. Người già thận kém, đái đêm nhiều không nên dùng.
– Hạt: Không phải thấp nhiệt dùng thận trọng.
Nguồn: Sưu tầm