Đầu tháng 8/2015, Chi cục Thú y Đồng Nai đã phát hiện 14 trang trại nuôi lợn trên địa bàn có sử dụng chất cấm thuộc nhóm beta-agonist để trộn vào TĂCN. Thông tin về chất tạo nạc cho lợn đang khiến người tiêu dùng hoang mang.
BETA – AGONISTS LÀ CHẤT GÌ ?
Clenbuterol và salbutamol là hai chất thuộc nhóm beta-agonist có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người. Khi dùng các chất này cho lợn ăn, sẽ làm nở mông, nở đùi, tăng trọng nhanh, đặc biệt là tiêu biến mỡ và tăng tỷ lệ thịt nạc.
Thuốc salbutamol được dùng để chữa bệnh hen suyễn cho người nhưng phải tuân theo liều lượng và liệu trình nghiêm ngặt của bác sỹ, nó sẽ độc nếu sử dụng không đúng cách. Do đó các chuyên gia đã khuyến cáo phải thận trọng đối với những người đang có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường và phụ nữ mang thai. Các nước đã cấm sử dụng nhóm beta- agonist để làm chất kích thích tăng trọng trong chăn nuôi. Ở Việt Nam, chất này đã cấm dùng từ năm 2002.
ẢNH HƯỞNG CỦA NHÓM BETA – AGONIST TRÊN NGƯỜI
– Do chất cấm được người chăn nuôi sử dụng với liều cao hơn rất nhiều so với liều điều trị ở người nên hàm lượng tồn dư trong súc sản khá lớn. Khi người ăn phải thịt gia súc có chứa nhóm beta-agonist, về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như tim đập nhanh, tăng huyết áp, nhức đầu, tay chân run, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa. Do nhóm beta-agonist còn gây giãn nở cơ trơn tử cung nên nguy cơ cao đối với phụ nữ mang thai.
– Năm 2006, Đại học Cornell và Đại học Stanford (Mỹ) nghiên cứu trên những người thường xuyên hít beta-agonist có nguy cơ tử vong do bệnh hô hấp tăng gấp đôi so với nhóm dùng giả dược khi sử dụng để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
TẠI SAO BIẾT LÀ CHẤT CẤM MÀ MỘT SỐ NGƯỜI CHĂN NUÔI VẪN DÙNG ?
Câu chuyện dùng chất cấm trong chăn nuôi tuy không mới, đã bị cấm 13 năm nay, nhưng một số người chăn nuôi và thương lái vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, một số người nuôi lơn vẫn lén lút sử dụng. Vì sử dụng chất tạo nạc sẽ giúp lợn tăng trọng nhanh hơn 25%, ít mỡ, nhiều nạc và màu sắc thịt đỏ tươi nên được người sử dụng và các công ty chế biến ưa dùng.
Theo thông tin báo chí trích dẫn từ một thương lái tại Biên Hòa, “việc sử dụng chất cấm để tạo nạc trong chăn nuôi một phần do người chăn nuôi tham lợi nhuận cao, mặt khác còn do một số thương lái ép họ phải làm như vậy. Thương lái đưa chất cấm cho trang trại trộn vào thức ăn và hứa mua lợn hơi với giá cao hơn, nếu không dùng thì họ sẽ không mua lợn”.
CÁCH NHẬN BIẾT THỊT LỢN CÓ CHO ĂN CHẤT CẤM
Lợn nuôi có cho ăn chất cấm beta-agonist thì thịt rất ít mỡ, phần nạc gần sát tới da. Thịt có màu đỏ tươi. Mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, độ săn chắc kém, sợi thịt thô và lớn trong khi đó thịt lợn bình thường có màu hồng tự nhiên, thớ thịt mịn và lớp mỡ dày hơn.
Thịt lợn có dùng chất cấm khi nấu chín có màu sậm đen, ăn có cảm giác thô dai, không có vị thơm ngon, không có độ ngọt của thịt. Vừa không ngon vừa không bổ.
GIẢI PHÁP CHO NGƯỜI CHĂN NUÔI KHÔNG SỬ DỤNG CHẤT CẤM
1. Về giống lợn: Người chăn nuôi nên chọn mua các giống lợn siêu nạc để nuôi thì sẽ có được những đàn lợn nhiều nạc, ít mỡ và có chất lượng thịt rất ngon.
2. Thức ăn dinh dưỡng: Cho lợn ăn đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các axit amin, vitamin và chất khoáng (BIO-SOL B.COMPLEX)… sẽ giúp lợn mau lớn và nhiều nạc. Người chăn nuôi nên chuyển qua sử dụng chất tạo nạc không độc hại và được phép sử dụng như chromium (BIO-CHROMIC). Chất chromium cũng có tác dụng làm tiêu biến mỡ và tăng tỷ lệ nạc một cách tự nhiên.
3. Phòng bệnh tốt: Sẽ giúp lợn ít bệnh, mau lớn, chất lượng thịt cũng tốt hơn. Nếu cần thiết phải sử dụng thuốc thú y thì nên tuân thủ theo đúng thời gian ngưng thuốc có ghi trên bao bì trước khi xuất bán để tránh tồn dư kháng sinh trong thịt.
4. Cơ quan thú y địa phương: Nên tổ chức các buổi tập huấn cho 3 đối tượng chủ chốt đó là: người chăn nuôi; những thương lái thu mua lợn và người giết mổ lợn để hiểu rõ về những pháp lệnh trong lĩnh vực chăn nuôi thú y cũng như hiểu về tác hại với bản thân và xã hội của việc dùng chất cấm cũng như sử dụng thuốc an thần trước khi giết mổ. Họ phải làm cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Mặt khác, cơ quan chức năng phải đột xuất kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện những người không tuân thủ theo cam kết.
Nguồn: sưu tầm