Phèn đen còn gọi là tạo phàn diệp, chè nộc. Tên khoa học: Phyllanthus recticulatus Poir., họ thầu dầu. Bộ phận dùng: rễ và lá. Rễ thu hái vào mùa thu, lá thu hái vào mùa xuân, hạ. Rễ phèn đen có taraxeryl acetat, taraxeron, betulin và flavonoid và một số chất khác.
Theo Đông y, phèn đen vị đắng chát, tính mát; có tác dụng làm se, giảm đau, sát khuẩn, giải độc. Dùng làm thuốc cầm máu, chữa đậu mùa, chữa viêm cầu thận, chữa lỵ tiêu chảy.
Chữa lỵ cấp tính
Rễ phèn đen 20g, dây mơ lông 20g, rễ seo gà 20g, rễ cỏ tranh 20g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống. Ngày uống 1 thang. (Nam dược thần hiệu).
Rễ phèn đen 20g, rễ seo gà 20g, vỏ rụt 10g. Tất cả sao đen, sắc đặc. Ngày uống 1 thang.
Chữa lỵ: rễ phèn đen 20g, vỏ quả lựu 20g. Rễ phèn đen sao vàng hạ thổ, vỏ quả lựu sao vàng. Sắc chia uống 2 lần trong ngày. Thời gian điều trị 3 – 7 ngày.
Chữa đòn đánh ứ máu: lá phèn đen tươi 40g, giã nát, thêm 1 chén rượu, ép vắt lấy nước, cho uống.
Chữa nhọt độc mới phát: lá phèn đen tươi, củ chuối tiêu; giã nát đắp chỗ đau.
Thuốc cầm máu dùng tại chỗ: lá phèn đen 300g, cành lá non cây sim 500g, ngũ bội tử 100g, xạ can 50g. Sắc với nước, cô thành cao đặc tỷ lệ 1:1. Làm thuốc cầm máu khi đứt chân tay và các vết xước nhỏ có chảy máu. Nên đóng chai và hấp tiệt trùng trong 30 phút.
Chữa rắn cắn: lấy một nắm lá cây phèn đen rửa thật sạch, trần qua nước đã sôi còn đang nóng nhiều, rồi vớt ra giã nhỏ sau đó cho vào bát sạch, rót lưng bát nước sôi nóng vào, cho thêm ít muối lấy thìa đảo đi đảo lại, chắt hết nước cho người bị rắn cắn uống ngay, còn bã lá đậy kín. Tiếp theo rửa thật sạch chỗ rắn cắn, bôi thuốc sát trùng vào rồi đắp thuốc lá phèn đen băng lại là xong.
Nguồn: sưu tầm