Công dụng chữa bệnh của cây Màng tang (Mần Tang )

Theo Đông y, Màng Tang có vị cay, đắng, tính ấm; có tác dụng khu phong tán hàn, ôn trung hạ khí, trừ thấp giảm đau

Cây Màng tang, tên khoa học Litsea cubeba (Lour.) Pers, thuộc họ Long não – Lauraceae. Sách Nam Dược Thần Hiệu của Tuệ Tĩnh từng ghi nhận về vị thuốc Tất trừng già tức là hạt (quả) của cây Màng tang. Ở Trung Quốc, cây này có tên Sơn kê tiêu (山鸡椒), Sơn thương thụ (山苍树)…

Cây màng tang có tại khuôn viên Nhà Điều dưỡng tình thương Suối Hoa ở Hòa Phú ,cả lá, vỏ thân, đặc biệt là quả đem vò ngửi có mùi thơm y hệt tinh dầu sả, nên một số người dân địa phương gọi cây màng tang  cây “Sả rừng”.

Công dụng chữa bệnh của cây Màng tang (Mần Tang ) - cong dung chua benh cua cay mang tang man tang 640x361

Màng tang là loài cây nhỡ cao độ 5 – 8m, thân vỏ xanh, có lỗ bì, già thì có màu nâu xám, cành nhỏ và nằm. Lá mọc so le, phiến lá hình mác dài độ 10cm, rộng 1,5 – 2,5cm, dày, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới trắng xám, mép nguyên; cuống lá mảnh; gân lá rõ. Hoa nhỏ khác gốc, màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở nách lá. Quả mọng hình tròn hay hình trứng khi chín màu đen, mùi rất thơm. Hoa tháng 1 – 3, quả tháng 4 – 9. Cây này có nhiều ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc, và đã được trồng ở một số nông trường để làm cây che bóng cho chè, có nơi dùng lấy quả để cất tinh dầu.

Theo Đông y, Màng tang có vị cay, đắng, tính ấm; có tác dụng khu phong tán hàn, ôn trung hạ khí, trừ thấp giảm đau. Rễ được dùng trị cảm mạo phong hàn, ụa mửa, đau dạ dày do lạnh; đau trệ bụng dưới (sán khí), hàn thấp uất trệ, tiểu đục. Quả dùng trị ngoại cảm đau đầu, ăn uống không tiêu, đau dạ dày. Lá dùng ngoài trị nhọt, viêm mủ da, viêm vú và trị rắn cắn, phòng muỗi đốt. Liều dùng: rễ 15 – 30g, dạng thuốc sắc, quả 3 – 9g dạng thuốc sắc, lá tươi dùng giã nhuyễn đắp. Một số đơn thuốc:

– Cảm mạo phong hàn: rễ Màng tang 20 – 40g, sắc nước pha đường đỏ, uống nóng.

– Ngoại cảm tê thấp đau nhức xương: rễ Màng tang và thân 15 – 30g sắc uống.

– Cảm lạnh, nấc không dứt: quả Màng tang, Riềng ấm lượng bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 4g, ngày 3 – 4 lần, chiêu với nước nóng pha thêm ít giấm.

– Rối loạn tiêu hóa đơn thuần: quả Màng tang 8g, lá chè 4g, Mơ leo 12g. Sắc uống ngày 1 thang, phân làm 3 – 4 lần.

– Ðau bụng kinh niên, đầy hơi ỉa chảy: quả Màng tang, rễ Xuyên tiêu, rễ Cúc áo hoa vàng, rễ Kim sương, rễ Chanh, liều lượng bằng nhau nấu thành cao lỏng, uống.

– Đau dạ dày (thể hư hàn): quả Màng tang, Hương phụ, mỗi thứ 20g; Rã hương (Long não) 12g, sắc uống; hoặc dùng: rễ màng tang 40g, Đại táo 20g, sắc chia 2 lần uống trước bữa ăn sáng và tối.

– Viêm vú cấp tính: lá Màng tang tươi giã nhuyễn với nước vo gạo đắp.

– Hành quân sưng cẳng chân:
lá Màng tang 20g, Ngũ gia bì gai 20g, Tiên mao 16g, Bạc hà 4g, Hương phụ 4g, đều dùng thuốc tươi, giã nhuyễn, thêm rượu trắng bó vào chỗ đau, ngày thay thuốc 1 lần.

Phan Công Tuấn-baodanang.vn

Thảo luận cho bài: Công dụng chữa bệnh của cây Màng tang (Mần Tang )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *