Công dụng chữa trị từ nữ lang hay cây ” sì to”

Sì to là loài cây mọc hoang ở những vùng núi cao. Một số gia đình đồng bào Mèo còn đưa cây về trồng quanh nhà, để dùng làm thuốc. “Sì to” là cách gọi tên cây “nữ lang” theo tiếng dân tộc Mèo, ở Sapa, tỉnh Lào Cai.

Theo kết quả điều tra về dược liệu, sì to (nữ lang) thường gặp mọc ở ven đường, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Tây Nguyên, … Miền Nam thấy mọc ở Đà Lạt, Lâm Đồng.

Công dụng chữa trị từ nữ lang hay cây ” sì to” - 117 tq79

Nữ lang là cây thuốc được sử dụng trong y học dân gian ở cả châu Âu và châu Á. Tại Việt Nam, thường gặp hai loài Sì to – Nữ lang, được sử dụng với cùng công dụng: “Sì to lá hình tim” và “Sì to lá kép”.

– Sì to lá tim: Còn gọi là “Nữ lang nhện”, “tri thù hương”, “liên hương thảo”, … tên khoa học là Valeriana jatamansi Jones, thuộc họ Nữ lang (Valerianaceae). Là loài cây thảo, sống lâu năm, cao khoảng 25-30cm. Rễ mập, có những khoanh tròn đỏ do vết tích của cuống lá, có nhiều rễ con. Lá mọc từ gốc, phiến lá hình tim, hai mặt có lông mịn; cuống lá dài 20-25cm, cũng có lông mịn. Cụm hoa hình xim ngù, cuống dài 30-40cm. Hoa nhỏ màu trắng, quả bế, dẹt.

– Sì to lá kép: Còn gọi là “Tây Nam hiệt thảo”, “trường tự hiệt thảo”, … tên khoa học là Valeriana hardwickii Wall, cùng họ Nữ lang (Valerianaceae). Cũng là cây thảo, nhưng cao hơn, từ 1-1,5m, thân nhẵn, có lông ở đốt và đôi khi cả phía dưới gốc. Lá ở gốc thường héo rụng trước khi cây ra quả, lá trên thân thường kép lông chim với 3-5 lá chét, nguyên hay khía răng, không cuống, lá chét ở đỉnh lớn hơn cả. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành xim dạng ngù, quả bế dẹt. Hoa quả từ tháng 10 đến tháng 2. Thân rễ dài khoảng 5cm, đường kính 6-12mm, nâu, với những rãnh ngang, và những bướu nổi ở quanh, đôi khi có những rễ con mọc lên, vết bẻ nâu lục nhạt.

Trong Đông y Trung Quốc, ngoài 2 loài Nữ lang nói trên, còn dùng 2 loài khác: Valeriana  officinalis L. (gọi là “Hiệt thảo”, nữ lang) và Valeriana officinalis L. var. latifolia Miq. (gọi là “Khoát diệp hiệt thảo”, nữ lang lá rộng), với cùng tác dụng như vị sì to ở nước ta. Còn y học dân gian ở phương Tây thường chỉ dùng một loài nữ lang – Valeriana officinalis L..

Trong y học cổ truyền phương Tây: Nữ lang – Valeriana officinalis chủ yếu được sử dụng làm thuốc lợi tiểu, giảm đau và chữa hen, ho. Chỉ từ thế kỷ 18, một thầy thuốc người Anh tên là Hill, mới phát hiện tác dụng an thần thần của vị thuốc này. Từ đó nữ lang thường được sử dụng chữa trạng thái lo âu, bồn chồn; được xếp cùng loại với những thuốc reserpin và phenothiazin. Thuốc an thần là loại thuốc có nhu cầu lớn ở các nước châu Âu. Sau khi phát hiện tác hại của loại thuốc an thần tổng hợp (thuốc thalidomide), đã xuất hiện xu hướng quay trở lại sử dụng thuốc an thần chế từ nữ lang, vì có ưu điểm là ít độc, không gây phản ứng phụ tai hại cho người bệnh và có thể dùng cho trẻ em.

Kết quả nghiên cứu dược lý những thập niên gần đây cho thấy, nữ lang có một số tác dụng chủ yếu như sau:

1. An thần, giảm đau, chống co thắt: Tinh dầu và muối sinh vật trong nữ lang có tác dụng tăng cường quá trình ức chế vỏ đại não, giảm độ hưng phấn của phản xạ thần kinh, giãn cơ, giải trừ sự co thắt cơ trơn.

2. Đối với hệ tim mạch: Có tác dụng giãn rộng, tăng lưu lượng máu qua động mạch vành, cải thiện tình trạng thiếu máu ở cơ tim, giảm mức tiêu hao ô-xy của cơ tim, chống rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp.

3. Bảo vệ gan: Bảo vệ tế bào gan trong trường hợp bị tetrachoromethane làm tổn hại.

4. Kháng khuẩn, chống viêm: Có tác dụng ức chế, tiêu diệt một số loại vi khuẩn và vi-rút, mạnh nhất là đối với vi khuẩn gam-dương (Gram – positive bacterium); dùng chữa trị viêm ruột do Rotavirus đạt hiệu quả tốt.

Trong y học cổ truyền phương Đông, nữ lang được sử dụng đa dạng hơn nhiều.

Theo Đông y: Nữ lang có vị cay đắng, tính ấm, không độc; vào 2 kinh Tâm và Can. Có tác dụng trấn tĩnh an thần, hành khí chỉ thống, hoạt huyết thông kinh. Chủ trị thần kinh suy nhược, trống ngực, tim loạn nhịp đập dồn từng cơn, mất ngủ, thao cuồng, đau dạ dày và ruột do co thắt, viêm khớp xương, chấn thương do bị ngã hay bị đánh, đau thắt lưng, kinh nguyệt không điều hòa, bế kinh, …

Tại các vùng miền núi phía Bắc nước ta, đồng bào dân tộc ít người thường dùng cây nữ lang – sì to làm thuốc an thần, chữa động kinh và sốt cao hóa cuồng, buồn phiền hồi hộp, ám ảnh sợ hãi, còn dùng chữa đau dạ dày, đau khớp hay tổn thương do bị ngã, bị đòn, còn lá thường dùng để nấu nước tắm ghẻ.

Cụ thể, trong sinh hoạt hàng ngày, có thể sử dụng sì to – nữ lang – hiệt thảo, theo một số cách thức như sau:

– Chữa thần kinh suy nhược, bồn chồn, trống ngực, mất ngủ: Dùng sì to 100g, ngâm trong 1 lít rượu trắng ít nhất 1 tuần, sau đó chiết rượu ra, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-15ml (khoảng 2-3 thìa cà phê). Hoặc dùng 6-12g sì to sắc nước uống thay nước trong ngày. Hoặc dùng sì to 6g, ngũ vị tử 8g; sắc nước uống trong ngày.– Chữa cảm mạo: Dùng cành lá sì to 15g tươi, gừng tươi 3g; sắc nước uống.

– Chữa đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy (ẩu tả phúc thống): Dùng rễ củ sì to, rễ xương bồ – mỗi thứ 6-12g; sắc lấy nước, pha thêm chút rượu trắng vào, chia 3-4 lần uống trong ngày.

– Chữa đau dạ dày co thắt, sốt cao hoảng hốt: Sì to sấy khô, tán mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 3-4g bột thuốc, chiêu bằng nước đun sôi.

-Chữa viêm dạ dày mạn tính: Dùng rễ củ sì to 15g, sa nhân 10g, trần bì 15g, bạch truật 15g; sắc nước uống trong ngày.

-Chữa dương nuy: Trong một số tài liệu về y học dân gian chúng tôi có trong tay, có thấy đề cập tới việc sử dụng sì to chữa dương nuy (liệt dương).

Như trên đã nói, sì to là loại thuốc có tác dụng ổn định chức năng hệ thần kinh, tim mạch và chữa trị một số bệnh tiêu hóa, tất nhiên có tác dụng tích cực đối với hệ sinh dục và có khả năng chữa trị một số rối loạn trong chức năng sinh sản, như dương nuy, chất lượng tinh trùng kém, …

Theo y học cổ truyền thì thịt gà có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng kiện tỳ, ôn trung, ích khí, bổ thận, ích tinh, là thức ăn rất tốt đối với người cơ thể suy nhược.

Thịt gà kết hợp với sì to trở thành một bài thuốc “công bổ kiêm thi”, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có tác dụng bổ dưỡng. Theo chúng tôi nghĩ, đó là một kinh nghiệm quý, người bị dương nuy, nhất là dương nuy do nhân tố tâm lý, có thể áp dụng để chữa trị.

Nguồn: Sưu tầm

Thảo luận cho bài: Công dụng chữa trị từ nữ lang hay cây ” sì to”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *