Để mô hình nuôi ghép cá rô phi vào ao tôm đạt hiệu quả cao

Thời gian qua, mô hình nuôi ghép hay nuôi kết hợp cá rô phi với tôm đang trở nên phổ biến vì những hiệu quả thiết thực mà loài cá này mang lại cho tôm nuôi.

Theo các nhà khoa học, cá rô phi có tập tính đảo trộn các tầng nước trong ao, giúp đáy ao và nguồn nước ao nuôi tốt hơn. Cá rô phi cũng ăn mùn bã hữu cơ giúp giảm lượng chất thải trong ao nuôi, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, kích thích sự phát triển các loại tảo có lợi và tiêu diệt một số vật chủ trung gian mang mầm bệnh.

Để mô hình nuôi ghép cá rô phi vào ao tôm đạt hiệu quả cao - 18042013142530

Mô hình nuôi ghép cá rô phi vào ao tôm ở HTX Hòa Nghĩa, thị xã Vĩnh Châu.

Hợp tác xã (HTX) sản xuất dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa, ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có 17 thành viên, qua hơn 10 năm thăng trầm với nghề nuôi tôm nước lợ, hiện các thành viên trong HTX đều có mức sống trên trung bình và khá giàu. Đặc biệt trong 3 năm qua, khi tình hình nuôi tôm khá căng thẳng, người nuôi tôm trong tỉnh bị thua lỗ rất nhiều, thì các thành viên HTX Hòa Nghĩa vẫn thu được lợi nhuận.

Trong năm 2014, HTX thu khoảng 15 tấn tôm sú và gần 95 tấn tôm thẻ chân trắng, tuy giá tôm giảm so với năm 2013, nhưng HTX cũng thu về hơn 11 tỉ đồng, trong đó bà con có lợi nhuận gần 5 tỉ đồng. Thành công đó là nhờ bên cạnh quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, mật độ thả nuôi thưa, HTX còn chủ trương nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi để xử lý nước trong ao lắng và nuôi ghép cá rô phi, cá kèo với con tôm, tạo hệ thống máy lọc sinh học xử lý môi trường ao nuôi tôm. Ông Phan Văn Sang – Trạm khuyến nông thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Hiện nay bà con Vĩnh Châu đang tuân thủ theo lịch khuyến cao thả nuôi vụ tôm năm 2015, đồng thời chú ý xử lý nước để tạo môi trường ao nuôi tốt. Đặc biệt mô hình thả nuôi ghép cá rô phi, cá kèo vào ao nuôi tôm rất hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào vừa đảm bảo màu nước trong suốt quá trình nuôi”.

Trước đây, theo cách nuôi truyền thống, các hộ nuôi đào ao, khử tạp rồi mới tiến hành thả nuôi, trong đó khâu khử tạp chiếm vị trí quan trọng vì phải làm sạch các loại cá trong ao mới thả giống, không để cá tạp ăn tôm non vừa mới thả. Tuy nhiên, đối với đối tượng nuôi ghép là cá rô phi thì bà con không phải lo lắng về vấn đề này, do đặc điểm của cá rô phi khi còn nhỏ (khoảng dưới 2cm/con) có thiên hướng ăn động vật hoặc thực vật thủy sinh, khi cá lớn (khoảng 100g/con) thì ăn thực vật hoặc mùn bã hữu cơ, đặc biệt có thể dọn sạch những thức ăn thừa trong quá trình nuôi tôm.

Do đó các nhà khoa học khuyến cáo bà con khi chọn cá rô phi thả vào ao nuôi tôm thì nên chọn cá đực, kích cỡ 50 – 100g/con, mật độ 15 con/1000m2 đối với tôm sú và 20 – 25 con/1000m2 đối với tôm thẻ. Về chi tiết kỹ thuật mô hình này, kỹ sư Phan Văn Hà – Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Cá rô phi có 4 loại: cá rô phi đen, cá giồng riếp, cá điêu hồng và cá phi vằn. Trong nuôi ghép bà con nên chọn cá rô phi đen đơn tính đực, do loại này chịu được độ mặn khá cao. Bà con có thể mua cá phi đơn tính về ương nuôi trong ao lắng, sau đó khi cá đạt khoảng 50 – 100g chúng ta lựa cá đực thả ghép vào ao tôm. Lợi ích: mang cá phi có tác dụng lọc nước rất tốt. Qua thực tế thời gian qua những ao tôm có nuôi ghép cá rô phi thì tình trạng tôm nhiễm bệnh giảm đáng kể”.

Với 53,5 ha diện tích ao nuôi, HTX bố trí ao lắng và ao nuôi cá rô phi khoảng 23,5 ha, còn 30 ha thả nuôi tôm. Thời vụ thả nuôi tôm vào tháng 4 và tháng 7, trong các ao lắng luôn có nguồn cá rô phi sẵn, còn thời điểm thả ghép cá rô phi vào ao tôm là sau khi xử lý nước để thả tôm hoặc khi tôm nuôi được 15 – 20 ngày tuổi. Riêng đối với ông Tăng Văn Súa – thành viên HTX Hòa Nghĩa thì việc thả cá trước khi thả tôm vào ao từ 7 – 10 ngày lại cho hiệu quả rất tốt. Ông Tăng văn Súa chia sẻ kinh nghiệm: “Thả cá trước khoảng 3 – 4 ngày để cá ăn chất dơ trong ao trước, khi kiểm tra thấy nước tốt thì tiến hành thả tôm”.

Ngoài ra theo bà con ở đây, nguồn nước lấy từ ao lắng cần được lọc qua túi vải một lần nữa để ngăn chặn trứng tép, trứng cá trước khi lấy vào ao nuôi tôm, nên lấy nước vào chiều mát hoặc sáng sớm. Nhờ việc nắm chắc kỹ thuật xử lý nước trong ao nuôi tôm, nên xã viên HTX Hòa Nghĩa hạn chế tối đa việc lấy nước từ bên ngoài, đảm bảo cho môi trường đất, nước trong ao nuôi tôm sạch mầm bệnh, độ kiềm, độ pH đạt chuẩn, giúp cho tôm có sức sống tốt và đạt năng suất cao.

Cá rô phi giúp tôm nhanh lớn

Trong nghề nuôi tôm thương phẩm, một khi bệnh đốm trắng xuất hiện trong ao nuôi thì còn rất ít khả năng cứu vãn. Những năm qua, một số biện pháp quản lý sự bùng phát bệnh đốm trắng ở tôm nuôi đã được thử nghiệm ở Việt Nam và nhiều nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan… Gần đây, biện pháp nuôi luân canh được xem là chiến lược quản lý môi trường nuôi tốt hơn vì làm gián đoạn chu trình phát sinh bệnh, làm giảm thiểu những tác động của bệnh đối với nghề nuôi tôm.

Cá rô phi và tôm được coi là hai đối tượng dùng để kiểm tra tác dụng vệ sinh môi trường trong hệ nuôi luân canh tôm – cá. Tuy nhiên, khi bệnh đốm trắng xuất hiện thì ngay cả mô hình này cũng không mang lại hiệu quả, vì bệnh đốm trắng có khả năng lây lan theo phương thẳng đứng, tôm khỏe bị lây virus từ tôm mắc bệnh mà không qua bất cứ yếu tố trung gian nào.

Vì thế, yêu cầu đặt ra là cần có một chiến lược đặc biệt để quản lý bệnh đốm trắng. Điều này phải dựa trên cơ sở hiểu biết, yếu tố phát sinh và điều kiện bùng nổi bệnh đốm trắng trong ao nuôi tôm. Các điều kiện và cơ chế nhiễm bệnh đốm trắng đối với tôm nuôi đến nay đã được hiểu rõ. Giai đoạn ủ bệnh ở tôm thường kéo dài trong 1 – 2 tháng, không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào. Sự phát triển sang giai đoạn phát bệnh có thể xảy ra sau vài giờ trong điều kiện tôm nuôi bị sốc. Thời gian chuyển từ giai đoạn ủ bệnh sang giai đoạn phát bệnh ở tôm phụ thuộc vào một yếu tố, trong đó kích cỡ tôm và sự xuất hiện của các yếu tố gây strees là hai nhân tố rất quan trọng.

Có hai phương pháp đã được thử nghiệm nhằm loại trừ những con tôm bị yếu ra khỏi ao, nhưng có hiệu quả nhất là dùng mô hình các loài cá ăn động vật ở đáy để loại bỏ các con tôm bị bệnh khi chúng đã bị yếu. Khả năng cá rô phi ăn các con tôm yếu và chết do nhiễm bệnh đã làm giảm những thiệt hại do bệnh đốm trắng cũng như các bệnh khác gây ra, đồng thời còn làm cho tôm nhanh lớn hơn nữa. Mặt khác, còn có những tác động tích cực trong việc cải thiện chất lượng nước ao và đáy ao.

Hiện nay cá rô phi đang có giá cao trên thị trường xuất khẩu, nhất là cá rô phi đơn tính đực. Vì thế, nuôi cá rô phi kết hợp trong ao nuôi tôm sẽ là phương thức “lợi cả đôi đường” mà ở bất cứ nơi nào nuôi tôm cũng có thể áp dụng.

Nguồn: Sưu tầm

Thảo luận cho bài: Để mô hình nuôi ghép cá rô phi vào ao tôm đạt hiệu quả cao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *