Cây Mơ ra hoa vào cuối mùa đông, quả chín vào tháng 3, tháng 4, mặt ngoài quả có lông tơ mượt như nhung.
Khi còn xanh, quả mơ có sắc lục xanh; khi chín thì sắc vàng đậm, mùi thơm đặc trưng dễ chịu. Mơ rất giàu dược tính, còn là những vị thuốc xuân – hè.
Cây Mơ là loại cây hoa mang sắc thái mùa Xuân, hoa nở đúng vào dịp Xuân về, Tết đến.
Cây ra hoa vào cuối mùa đông, quả chín vào tháng 3, tháng 4, mặt ngoài quả có lông tơ mượt như nhung. Khi còn xanh, quả mơ có sắc lục xanh; khi chín thì sắc vàng đậm, mùi thơm đặc trưng dễ chịu. Mơ rất giàu dược tính, còn là những vị thuốc xuân – hè.
Được đánh giá cao
Những bộ phận của cây mơ, nhất là quả, được sử dụng làm thuốc chỉ ho, chỉ khát, sinh tân dịch, chữa đau cổ và nhiều chứng bệnh khác nữa. Đông y gọi quả mơ là mai tử, vị chua, tính bình. Mai tử vào các kinh can, tì, phế, đại tràng. Mơ xanh gọi là thanh mai, khi ngâm rượu gọi là thanh mai tửu. Mơ muối gọi là diêm mai hay bạch mai (vì có lớp muối ngoài màu trắng). Bạch mai có tác dụng cân bằng sự thẩm thấu giữa tế bào và máu, kích thích ăn ngon.
Các y thư cổ còn nói ô mai, bạch mai đều có vị chua nhưng ô mai hơi chát, tính ấm, không độc; còn bạch mai hơi mặn, tính bình. Ô mai liễm phế, sáp trường, trừ phiền nóng, khô miệng, chữa bệnh ho, bệnh lỵ lâu ngày không khỏi, bệnh tê liệt, đau mình mẩy. Bạch mai thanh nhiệt, giải độc, chữa đau cổ, sát khuẩn, khi dùng bỏ hột, lấy thịt sao qua.
Quả mơ chín sau khi thu hái, được chế biến thành ô mai (mơ đen) hay bạch mai (mơ trắng) tùy theo phương pháp chế biến. Khi nói về công dụng của ô mai, Hải Thượng Lãn Ông có phân tích: Tạng phế sắc trắng, là bẩm thụ khí của hành Kim. Nó như cái tán, cái lọng che chở cho các tạng khác, không thể chịu bất cứ một vật gì làm chướng ngại. Tì là gốc sinh đờm. Phế là đồ chứa đờm. Nếu đờm ở phế nhiều thì khí nghịch lên mà gây thành ho. Phế là chỗ then chốt, cửa ngõ của toàn thân, không chỗ nào quan trọng hơn chỗ đó.
Do vậy, bệnh phế khí nghịch, không thể không tìm cách trị gấp. Ô mai có vị chua, tính liễm, có thể thăng, có thể giáng, giúp thuận khí chỉ khái (trừ ho), tiêu đờm. Ô mai vì thế giữ vai trò cốt yếu trong nhiều bài thuốc chữa ho, nhất là ho mạn tính, ho dai dẳng lâu ngày khiến phế âm hư, miệng họng khô, cổ họng ngứa, nóng rát, khản – mất tiếng…
Trong thịt quả ô mai có 27% axít (axít citric, axít tartric), caroten, vitamin C, vitamin B1, tanin, lycopen, pectin, peroxydase, urease… có tác dụng kích thích quá trình chuyển hóa ôxy trong tế bào làm cho tế bào chóng được hồi phục, chậm lão hóa.
Ô mai hay bạch mai đã được nghiên cứu, phát triển, đúc kết kinh nghiệm chữa bệnh trong các y văn như nước ép ô mai dùng chữa khát, trừ đờm, chữa bệnh thương hàn, phiền nóng, bệnh hư lao, nóng trong xương. Ô mai liễm phế, sáp trường tán được ác nhục lại sát khuẩn, được dùng để chữa các bệnh tả lỵ lâu ngày.
Những bài thuốc từ ô mai, bạch mai
Trị băng huyết: Lấy ô mai nhục (thịt quả) 7 quả. Đốt tồn tính. Tán nhỏ, uống với nước cơm ngày 3 lần.
Trị đại tiện ra máu: Dùng ô mai 300 g, đốt tồn tính. Dùng giấm thanh nấu thành hồ, viên bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng 20 viên. Uống lúc đói, lấy nước cơm làm thang.
Trị chứng lỵ: Dùng 100 g ô mai, bỏ hột, sao qua, tán nhỏ. Mỗi lần uống 7-8 g với nước cơm.
Trị hậu sản: Ô mai 20 quả, mạch môn 12 g. Cho vào 2 bát nước, sắc lấy một bát để uống liền trong ngày.
Ho kinh niên: Dùng ô mai nhục (sao qua), anh túc xác (bỏ gân, sao mật). Hai vị bằng nhau, tán nhỏ, lúc gần đi ngủ uống 7-8 g với mật.
Trị đại tiện không thông: Lấy gốc cây mai, dài độ 1 tấc chẻ đôi. Cho nước sắc trong nửa giờ, uống xong hiệu nghiệm ngay.
Nước mơ quả chín tươi pha đường hoặc nước mơ ngâm đường pha nước uống giải khát rất tốt, tăng sức bền bỉ, chống mệt mỏi, giảm mất mồ hôi…
Rượu mơ cũng có tác dụng giúp ăn ngon, tiêu cơm, thịt, chất béo và tăng thị lực. Dùng 25-30 ml trong bữa cơm. Rượu mơ xanh, tán hàn, ấm vị, chữa kém ăn, bụng có giun.
Mơ muối, ô mai mơ ngậm cho thơm miệng, khi bị ngứa họng, buồn nôn, ho có đờm.
Chữa răng đau nhức: Quả mơ chín giã nát xát vào răng.
Đau bụng giun: Dùng 300 g bạch mai, 3 thìa đường, sắc nước uống.
Giải say rượu: Dùng mơ nấu với trà uống.
Làm đẹp da: Lấy thịt quả mơ và quả lê chế thành mặt nạ đắp mặt, cổ trước lúc đi ngủ vài giờ giúp làm giảm nếp nhăn.
Trị mụn cóc (hạt cơm): Bạch mai 30 g ngâm nước muối 24 giờ (bỏ hạt) cùng ít giấm, nghiền mịn đắp lên mụn cơm.
Rượu thanh mai chữa phong thấp, nôn mửa, đau bụng, phòng cảm nắng nóng, ra mồ hôi tay chân (trong uống ngoài xoa bóp).
Ho lâu ngày: Bạch mai 20 g, cát cánh 10 g, mạch môn 10 g, cam thảo 5 g, trần bì 10 g, hoàng kỳ 20 g, 2 bát nước sắc còn nửa bát, chia 2 lần uống trong ngày.
Đái tháo đường, tiểu tiện không tự chủ: Bạch mai, thục địa, hoài sơn, đan phiến, ngũ vị tử mỗi loại 10 g, nhục quế 2 g. Sắc uống.
Sỏi mật, viêm đau túi mật: Bạch mai, cam thảo chế, kim tiền thảo, hải kim sa, diên hồ tố, kê nội kim mỗi loại 15 g. Sắc uống.
Đi lỏng dài ngày do tì hư: Bạch mai, bạch truật, kha tử, đẳng sâm, mỗi loại 10 g. Sắc uống.
Ra mồ hôi trộm: Bạch mai, hoàng kỳ, ma hoàng căn, đương quy mỗi loại 10 g. Sắc uống.
Miệng khô khát phiền nhiệt: Bạch mai, thiên hoa phấn, ngọc trúc, thạch hộc mỗi loại đều 6 g. Sắc uống.
Nếu bị gai đâm, nhai bạch mai đắp vào nơi gai đâm thì gai tự lòi ra. Bạch mai có công dụng trừ đờm, chữa bệnh kinh giản, đau cổ, trúng phong, hàm răng cắn chặt. Nó còn chữa bệnh tả lỵ, bệnh phiền khát, băng huyết.
Nguồn: sưu tầm