Từ bỏ công việc đang cho thu nhập ổn định, rồi lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí vay nợ cả “xã hội đen”, nhiều người cho rằng anh bị “khùng” khi vay tiền tỷ đầu tư trồng rau sạch.
Nhưng cũng nhờ cái máu liều ấy, Giang Mạnh Tuấn (sinh năm 1982, ngụ phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã xây dựng được mô hình trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh trụ đứng độc đáo với quy mô lớn bậc nhất tại Đông Nam Bộ.
Bỏ nhà, vay nóng vì mê rau
Sau nhiều cuộc hẹn, tôi cũng được đến tham quan mô hình sản xuất rau an toàn của anh Tuấn tại xã Phú Chánh (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Mặc dù đã được nghe kể nhiều về mô hình trồng rau độc đáo của anh, nhưng khi tận mắt chứng kiến tôi vẫn kinh ngạc. Bên trong nhà lưới diện tích 1.500m2 là vô số các trụ đứng cao quá đầu người với chi chít các loại rau ăn lá bám thân đang phát triển xanh tốt. Một màu xanh tràn ngập đầy sức sống và tươi mát với hệ thống phun tưới sương tự động. Dù là khu trồng rau, nhưng việc giữ gìn vệ sinh ở đây rất sạch, rất chặt chẽ. Để vào được vườn rau, khách tham quan phải đi qua nhiều lớp cửa lưới khác nhau và được khử trùng đầy đủ.
Anh Giang Mạnh Tuấn bên trang trại trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh trụ đứng của mình. Ảnh: H.K
Chỉ vào vườn rau của mình, anh Tuấn cho biết, để có được mô hình này không đơn giản, nó đã khiến anh mất ăn mất ngủ nhiều năm liền và nếu như không liều, lỳ lợm thì sẽ không làm được. Rồi Tuấn kể về cuộc đời trước đây của mình. Anh vốn là kỹ sư hóa học, từng làm trong phòng thí nghiệm của một công ty dược phẩm với lương hơn chục triệu đồng/tháng, và cũng từ phòng thí nghiệm này, đã đưa cuộc đời anh đến với cây rau. Chẳng là, năm 2010 có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, phòng anh liên tục nhận được những mẫu rau xét nghiệm, làm trong nghề anh mới thấy kinh hoàng bởi những mẫu rau được gửi đến xét nghiệm có chi chít các chất độc hại, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Và thế là, anh nghĩ ngay đến việc trồng rau sạch cung cấp cho thị trường.
Không mất nhiều thời gian suy nghĩ, đầu năm 2011 anh đột ngột bỏ việc để đi trồng rau, mặc cho gia đình can ngăn, thậm chí la mắng. Không được người nhà ủng hộ, anh quyết định dọn ra ở riêng, thuê đất trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh. Ban đầu thấy ý tưởng trồng rau sạch của anh khả quan, nhiều người bạn đồng ý tham gia. Nhưng suốt nhiều năm trời chỉ thấy bỏ tiền ra mà không thu được một đồng lợi nhuận nào, nên từng người “bỏ của chạy lấy người”.
“Mình đã nghiên cứu thử nghiệm và thất bại hàng chục lần. Thấy người ta trồng rau lên, nhưng mình trồng thì rau không lên được, lớn lên chút là bị vàng úa, héo đi. Phải mất đến 3 năm mới thành công, riêng công thức nghiên cứu chất dinh dưỡng cho cây mất cả năm trời”- Tuấn nhớ lại.
Nghiên cứu ra mô hình đã khó, kiếm được vốn thực hiện càng khó hơn. Bởi trong 3 năm nghiên cứu anh đã phải gánh số nợ tới hơn 4 tỷ đồng. Người thân, bạn bè ai cũng nói mô hình anh thất bại, có người nói anh chết chắc, có người nói anh là khùng vì đầu tư vào mô hình không mang lại hiệu quả. Vào thời điểm ấy, Tuấn chịu muôn vàn áp lực, lo lắng công thức, mô hình một phần nhưng lo lắng nợ nần đến năm, sáu phần.
Để có tiền xoay vòng trả nợ, anh đánh liều vay mượn tiền của hàng chục đầu mối cho vay nóng là “xã hội đen”. Nhiều tháng liên tục anh phải trả tiền lãi là 200 triệu đồng/tháng trong khi không làm ra đồng nào. “Thực chất số tiền mình nợ chỉ 2 – 3 tỷ đồng nhưng do vay ngoài, vay nóng lấy đầu này đắp đầu kia rồi phát sinh nhiều thứ nên số tiền nợ mới lên tới 4 tỷ đồng. Lúc đó mình tay trắng nên càng phải phấn đấu nhiều hơn. Mình đã tính đến nước cuối cùng là nếu không được thì sẽ bán bản quyền công thức dinh dưỡng nhiều năm nghiên cứu của mình để trả nợ. Nhưng rồi mình không đành lòng và quyết chí tiếp tục trồng rau tiếp”- Tuấn chia sẻ.
Rau mọc trên trụ
Nhớ lại những ngày ấy, anh Tuấn còn rùng mình không hiểu sao lúc đó lại dám “liều mạng” như vậy và cũng không hiểu xoay xở thế nào để vượt qua. Như để tự giải thích với lòng mình, Tuấn nói, tôi nghiệm ra một điều rằng, đó là khi càng bị dồn đến đường cùng thì con người càng biết cố gắng, bản năng càng thúc đẩy họ làm mọi cách để sinh tồn và làm được điều mình cần làm. Việc này, cũng tựa như trong binh pháp Tôn Tử, tức tự “đặt mình vào chỗ chết để tìm chỗ sống”.
Mô hình trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh trụ đứng của anh Giang Mạnh Tuấn được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Anh cũng thường xuyên có các buổi nói chuyện chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm trồng rau, đồng thời hỗ trợ chuyển giao mô hình trồng rau thủy canh cho một số hộ dân trong khu vực. Tuấn cho biết, sẵn sàng chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh cho nông dân có nhu cầu để cùng nhau sản xuất rau sạch. |
Giờ đây, sau những cố gắng không mệt mỏi, từ hơn một năm trước, anh Giang Mạnh Tuấn đã xây dựng được hai trại sản xuất và một trại nghiên cứu trồng rau an toàn, mỗi ngày cho ra thị trường hơn 600kg rau ăn lá các loại. Các trại rau của anh đều không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Dù mới bước đầu có thu, nhưng thu nhập từ rau sạch của anh khiến nhiều người ngưỡng mộ khi cho lợi nhuận 30 – 40 triệu đồng/tháng. Từ việc trồng rau này anh tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động địa phương. Quan sát vườn rau của Tuấn mới thấy hết cách làm độc đáo của chàng thanh niên “cầm tinh con chó” này. Rau trong trại của anh chủ yếu là rau cải, không được trồng ở dưới đất, mà “leo” trên các trụ cao quá đầu người trong vườn. Bên những trụ rau xanh mướt, Tuấn cho biết: “Bình thường, mình dựng mỗi trụ khoảng 2-2,5m, trên các trụ đó mình đục các lỗ so le nhau để bỏ hạt vào, trong trụ mình sẽ bỏ một số chất dinh dưỡng để nuôi cây, hệ thống nước tưới tự động cũng được bố trí song song với các trụ để cung cấp nước, điều hòa cho cây. Toàn bộ quá trình chăm sóc, tưới nước đều tự động hết”. Dẫn chúng tôi vào vườn rau, Tuấn bảo, rau của mình có thể về nấu ăn được ngay mà chẳng cần phải rửa, vì ngay cả một hạt bụi cũng không có “cơ hội” bám vào rau, bởi toàn bộ khu nhà kính trồng rau đã được khép kín hoàn toàn.
Nói về tham vọng của mình, Tuấn tự tin cho biết, trồng rau thủy canh mang lại năng suất cao gấp 7 – 8 lần so với trồng dưới đất. Cách làm này còn tiết kiệm được diện tích, tiết kiệm được nhân công nên mang lại lợi nhuận cao. Rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nên sản phẩm rau của anh được nhiều người ưa chuộng dù giá tới 30.000 – 35.000 đồng/kg. Theo tính toán của anh, với phương pháp thủy canh, 1.000m2 đất trồng rau tốn khoảng 900 triệu đồng, nhưng trong vòng 2 năm có thể thu hồi lại vốn.
Tiếng lành đồn xa, anh Tuấn cho biết, mới đây có một nhà đầu tư đã đề nghị hợp tác với anh sản xuất rau sạch, an toàn theo phương pháp thủy canh trên diện tích 5ha. Hiện nay, dự án đang được xây dựng cơ sở hạ tầng, dự kiến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành trồng rau trên toàn bộ diện tích. Anh Tuấn cho biết đã nghiên cứu, cải tiến cách làm dựa trên mô hình cũ nên tự tin cho rằng trang trại rau an toàn mới của anh sẽ còn mang lại hiệu quả cao hơn.