Hiệu quả từ mô hình nuôi cá Lóc vèo

Những năm gần đây, mô hình nuôi cá lóc trong vèo ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ thu hiệu quả khả quan nên được nhiều nông dân áp dụng. Điểm nổi bật của mô hình là giải quyết tốt việc làm tại chỗ và là một trong những phương thức góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con có ít đất canh tác.

– Đến với hộ anh Lê Văn Khanh, ngụ ở ấp Trường Thuận, xã Trường Thắng là hộ nông dân điển hình trong phong trào nuôi cá lóc trong vèo mang lại thu nhập cao. Trước đây, gia đình anh chuyên sống bằng nghề cắt lúa mướn, vào mùa nước lũ hàng năm, anh và người dân tại khu vực này chuyển sang giăng lưới. Lượng cá đồng nhiều vì vậy giá cá khá rẻ, đồng tiền bán được ngày một ít đi chỉ đủ để tiêu vặt. Trước tình hình đó, anh suy nghĩ phải tìm cách nào để tăng thêm thu nhập cho gia đình bằng cách sử dụng nguồn cá tạp rẻ tiền này.

– Trước khi bắt tay vào nuôi cá, anh đã học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nuôi trước. Ngoài ra, anh cũng đã tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản do các cán bộ của Liên trạm thuỷ sản Ô Môn – Thới Lai – Cờ Đỏ tổ chức. Từ những kinh nghiệm học được và những kiến thức cơ bản của lớp tập huấn, anh cùng gia đình đi đến quyết định nuôi cá lóc trong vèo với mục đích chủ yếu lấy công làm lời như bỏ ống tích góp trong mùa lũ nông nhàn.

Hiệu quả từ mô hình nuôi cá Lóc vèo - nuoi ca loc veo1 1

– Với diện tích khoảng 30 m2, mỗi năm anh sản xuất được 3 vụ nuôi, mỗi vụ anh đầu tư khoảng 8 triệu đồng cho 1.000 con cá lóc giống (60 – 80g/con) và thức ăn. Sau 3 tháng rưỡi đến 4 tháng nuôi (tỷ lệ hao hụt 10%) anh thu được trên 1,2 tấn cá thương phẩm, trọng lượng bình quân 450 – 500g/con. Theo tính toán của anh thì với giá thị trường hiện nay là 38.000 đồng/kg cá lóc, sau 3 vụ nuôi anh thu trên 45 triệu đồng trừ đi các khoản chi phí (thức ăn, thuốc thủy sản, công chăm sóc, con giống) anh lãi từ 20 – 24 triệu đồng/năm.

– Anh Khanh chia sẻ: Trong quá trình nuôi, thực hiện kỹ thuật nghiêm ngặt, trước khi thả con giống, phải để cá trong túi nylon từ 10 – 15 phút, cho nước vào túi, từ từ thả cá ra ao. Đặc biệt, trước khi thả cá phải “tắm” cá bằng nước muối có nồng độ 5% và thả cá vào sáng sớm hay chiều mát. Thức ăn cho cá dùng các loại tép, cá con và thức ăn chế biến gồm cá tạp hoặc phế phẩm ở cơ sở chế biến thủy sản như đầu, đuôi, xương cá,… xay nhuyễn, sau đó trộn với cám, men tiêu hóa, vitamin và muối khoáng thích hợp. Cá còn nhỏ cho ăn 3 lần/ngày, khi cá được 2 tháng tuổi cho ăn 2 lần/ngày, cá lớn cho ăn 1 lần/ngày cho tới khi xuất bán.

– Mô hình nuôi cá lóc trong vèo có ưu điểm là không cần diện tích lớn, tận dụng một số diện tích mặt nước trong ao, hồ hoặc mép kênh để làm vèo nuôi. Mặc dù cá nuôi trong vèo nhưng thức ăn cho cá từ nguồn cá biển và cá tạp tự nhiên nên thịt cá chắc và ngon. Đây là mô hình mới ở xã Trường Thắng được nhiều nông dân trong xã tham quan học tập kinh nghiệm, mở rộng diện tích nuôi cá lóc trong vèo nhất là vào mùa nước nổi vì thời điểm này, thức ăn có sẵn trong tự nhiên như cua, ốc, cá tạp nhiều, nông dân sử dụng để làm thức ăn nuôi cá lóc, hạn chế chi phí, nâng cao lợi nhuận.

nguồn: Sưu tầm

Thảo luận cho bài: Hiệu quả từ mô hình nuôi cá Lóc vèo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *