Kĩ thuật nuôi ngao

Chọn vùng bãi, eo vịnh có sóng gió nhỏ, nước triều lên xuống êm, thông thoáng đáy là cát bùn (cát 70-80%, bùn 20-30%). Độ mặn thích hợp 19-26‰, có lượng nước ngọt nhất định chảy vào làm bãi lấy giống.

Kĩ thuật nuôi ngao - ki thuat nuoi ngao

 

1. Lấy giống ngao tự nhiên:

a) Chọn bãi lấy giống

Chọn vùng bãi, eo vịnh có sóng gió nhỏ, nước triều lên xuống êm, thông thoáng đáy là cát bùn (cát 70-80%, bùn 20-30%). Độ mặn thích hợp 19-26‰, có lượng nước ngọt nhất định chảy vào làm bãi lấy giống.

Trường hợp có bị ảnh hưởng của lũ thì phải làm bờ chắn lũ. Bờ phải vững chắc, đáy rộng 1-1,5m độ cao tuỳ theo mực nước tràn vào. Phía trong bờ chắn lũ là các bờ ngăn vuông góc với bờ chắn lũ, mặt bờ rộng khoảng 30-40cm. Trên mặt vùng bãi ngăn thành nhiều ô lấy giống.

b) Dọn bãi chỉnh bãi

Dọn bãi, chỉnh bãi vào trước mùa sinh sản của ngao. Dọn bỏ các vỏ nhuyễn thể lớn, gạch đá và lấp các chỗ trũng, sau đó bừa cho xốp đáy và san lại cho bằng phẳng để giống bám nhiều. Vùng có nước triều chảy mạnh có thể cải tạo bằng cách đóng cọc để giảm lưu tốc nước, nâng cao lượng giống bám.

c) Quản lý bãi

Nội dung quản lý chủ yếu bao gồm chống nước lũ tràn vào, chống nóng, không cho người đi vào bãi, chống địch hại. Thường xuyên kiểm tra giống bám, tu chỉnh bờ, dọn mương, diệt trừ địch hại.

d) Lấy giống

Sau khi giống bám được 5-6 tháng, cơ thể ngao đạt 0,5cm thì có thể thu giống.

* Phương pháp lấy giống khô:

Chia bãi giống thành từng ô ruộng nhỏ, rộng khoảng 4-5m chiều dài tuỳ theo địa hình. Khi triều rút, dùng cào (bừa) ngao cào cả giống và cát từ hai bên ruộng vào giữa. Nếu ngao giống vùi sâu thì dùng cào tay làm như vậy liên tiếp trong 2 lượt triều, tập trung ngao giữa ruộng với bề rộng khoảng 1,5m. Khi triều dâng ngao kiểm mồi ăn sẽ bò hết lên trên, tập trung thành đống trên mặt bãi. Sau khi hoàn thành việc dồn ngao giống và cát vào giữa ruộng thì đào một hố dài 3m, rộng 2m sâu 20cm ngay bên ruộng để đưa giống xuống sàng và rửa cát ở đây.

Nếu dùng phương pháp cào bằng cào ngao có 4 răng, lật cả cát và ngao giống lên thì sau đó ngoáy cho tan thành nước bùn, đợi cho ngao bò lên mặt bùn rồi thu giống.

* Phương pháp lấy giống nước nông:

Khi triều cạn chia bãi thành các mảnh dài, rộng khoảng 8m, sau đó dùng cào ngao, cào xung quanh cả cát và ngao thành một đống hình tròn có đường kính 6m. Lần triều sau dùng cào phân ở chính giữa bãi giống thành một ô trống có đường kính 3m, sâu 3cm.

Lần triều sau nữa khi triều rút, dồn ngao giống ở xung quanh đống vào chính giữa đất trống, sau đó là rửa giống. Khi triều rút xuống còn khoảng hơn 1m nước sâu thì đi thuyền xuống bãi rửa giống. Khi nước còn sâu thì người lấy giống dùng chân đạp nước xung quanh bãi giống, ngao giống kiếm ăn ở ngoài mặt quanh đống giống do bị dòng nước kích thích sẽ tập trung thành đống ở chính giữa. Sau đó dùng sọt tre hớt giống vào trong thuyền. Khi triều rút tương đối cạn thì dùng bàn tay vỗ nước ở xung quanh đống giống từ xung quanh vào giữa, nước chảy làm cho ngao dồn vào chính giữa, dùng sọt tre lấy giống đổ lên thuyền.

* Phương pháp lấy giống nước sâu:

Ngao sống ở vùng hạ triều, khi thu giống phải dùng lưới kéo. Khi thu giống chèo thuyền tới bãi giống, xác định vị trí thả neo sau đó thả dài dây neo, thuyền theo nước lùi về sau khi cách neo được 50m thì dừng lại thả lưới giống, kéo dây neo để thuyền tiến về phía trước kéo theo lưới giống, cách khoảng 10m thì thu lưới. Tiếp đó lại thả dây neo, thuyền lùi lại thu lần thứ hai nhưng phải giữ hướng lái tốt để giữ cho thuyền và hướng nước chảy theo một góc độ nhất định, tránh việc kéo giống ở trên điểm cũ.

2. Sinh sản nhân tạo

a) Chọn ngao bố mẹ

Chọn ngao có chiều dài thân trên 4cm, vỏ ngoài hoàn chỉnh không bị thương, cầm ngao lên thấy nặng, mở vỏ thấy bên trong nội tạng đầy đặn.

b) Kích thích sinh sản

Số ngao chọn ra kích thích bằng cách để khô ở nơi không có ánh sáng trực tiếp 5-7 giờ, sau đó dùng nước biển cho chảy kích thích 3-5 giờ. Sau đó lại ngâm ngao trong dung dịch nước biển có NH4OH 0,15-0,25‰ ( lấy NH4OH 25-28% làm chuẩn 100%, sau cho nước biển đã qua lọc vào pha chế theo nồng độ cần thiết). Dùng biện pháp kích thích tổng hợp 3 yếu tố trên sau đó lại tăng nhiệt lên khi ngâm ngao trong dung dịch NH4OH thì thích hợp, đạt kết quả kích thích sinh sản tốt. Thường ngâm không quá 30 phút thì ngao đực sẽ phun ra tinh dịch ở vòi nước ra, trắng như sữa, ngao cái phun trứng từ vòi nước ra có màu vàng nhạt và chìm xuống đáy. Trứng ngao có hình cầu, đường kính 72-90µm. Trứng có màng bao thứ cấp ở ngoài, trong suốt.

c) Thu trứng, tinh trùng, cho thụ tinh

Để thu được tinh trùng, trứng tinh khiết, khi ngao bố mẹ bắt đầu phóng trứng, phóng tinh thì chọn ngay ngao đực, cái để riêng vào dụng cụ bình chứa đã chuẩn bị sẵn, để chúng tiếp tục phóng trứng, tinh cho đến khi kết thúc. Sau đó lọc sạch tinh trùng và trứng riêng, loại bỏ tạp chất dịch nhớt, tiến hành thụ tinh. Ngao thụ tinh với đơn tinh trùng, khi cho thụ tinh nhân tạo, tinh dịch không nên dùng nhiều, thường chỉ có vài tinh trùng khoẻ mạnh hoạt động quanh trứng ngao là được. Thụ tinh xong phải rửa trứng nhiều lần, loại bỏ các trứng không thành thục chìm lắng xuống đáy chậm, và tinh dịch dư thừa. Cho trứng thụ tinh ấp nở trong dung dịch nước biển sạch, mới. Ở nhiệt độ nước 26,5-33oC tỷ trọng nước, 1,020-1,024, pH 8,1. Sau 12 giờ trứng thụ tinh phát triển đến ấu trùng hình chữ D. 6 ngày sau chuyển sang thời kỳ biến thái, 8-9 ngày sau thành ngao con và chuyển sang sống vùi ở đáy. Ở thời kỳ ấu trùng và ngao bột, bắt buộc phải cho ăn thức ăn thích hợp, có thể dùng các loại tảo kim, tảo dẹt, tảo khuê làm thức ăn cho ấu trùng ngao và ngao bột. Nhìn chung cho ăn hỗn hợp tốt hơn là cho ăn đơn một loại thức ăn. Khi ấu trùng chuyển sang thời kỳ sống đáy thì phải thả chất đáy. Chất đáy gồm 5-7% bùn, 93-95% cát. Cần lấy cát ở vùng có ngao giống phân bố ngoài tự nhiên là thích hợp. Cát lấy về cần rang và đun sôi khử trùng. Loại bỏ tạp chất, địch hại trong cát. Dùng sàng 46,5 mắt/cm2 để sàng cát.

Đổ cát và bùn vào bể với bề dày 0,5cm là được.

Quá trình ương nếu thấy có nhớt ở ấu trùng thì phải cho sàng ngay với mắt lưới 46,5 mắt/cm2 để giữ lại ngao, rửa sạch nhớt và thay 100% nước trong bể. Nếu để nhớt cuốn vào ngao, ngao sẽ chết.

Ương nuôi ngao trong bể trong phòng khi ngao đạt trên 1mm thì chuyển ra bể ương ngoài trời.

Ương ở bể ngoài trời cho đến khi ngao đạt cỡ trên 4mm thì đưa ra bãi ương.

3. Nuôi ngao thịt:

a) Chọn bãi nuôi

Chọn bãi triều, eo vịnh có sóng gió nhỏ, nước triều lên xuống êm, thông thoáng, có lượng nước ngọt nhất định chảy vào, đáy là cát bùn, cát chiếm 60-80%. Bãi ở trung, hạ triều là thích hợp; Độ mặn từ 19-26‰.

Chỉnh bãi: trước khi thả giống phải chỉnh bãi như đối với bãi ngao giống. Chỗ bãi có đáy rắn phải làm cho xốp lên rồi san bằng; để giữ cho mặt bãi không tích nước phải khai mương nhỏ.

Trước khi thả giống ở phía cuối bãi dùng đăng tre hoặc lưới chắn xung quanh với độ cao 0,6-0,7m, chân đăng (lưới) vùi sâu xuống bùn cát từ 0,2-0,3m. Cắm cọc, cách đều nhau 1,2-1,5m để dựng lưới và ngả lưới vào phía trong bãi.

Trường hợp không dùng đăng lưới thì đắp bờ.

Trên mặt bãi căng nhiều giây ngang để giữ không cho ngao đi.

b) Mật độ thả giống

Thường thả:

100kg/1000m2 với cỡ giống 5 vạn con 1 kg.

110kg/1000m2 với cỡ giống 4 vạn con 1 kg.

140kg/1000m2 với cỡ giống 3 vạn con 1 kg.

180kg/1000m2 với cỡ giống 2 vạn con 1 kg.

c) Chăm sóc quản lý:

Quá trình nuôi thường gặp hiện tượng ngao bị chết hàng loạt, nguyên nhân chủ yếu là:

* Nhiệt độ cao xuất hiện vào tháng 7-8, lúc này ngao giống đang còn yếu.

* Vùng bãi đã nuôi 3 mùa ngao, chất hữu cơ lắng đọng tăng lên tới 5-6 lần so với bình thường, có thể thấy lớp cát đen dày tới vài cm và có mùi khí thối H2S, do vậy phải bừa lật mặt đáy lên phơi bãi.

Các yếu tố khác có thể dẫn tới làm chết hàng loạt là tỷ trọng thay đổi đột ngột, vùng nước bị ô nhiễm, mật độ dày…

4. Thu hoạch:

Thu hoạch vào mùa xuân, thu dễ bảo quản, thu hoạch vào mùa hè nhiệt độ cao khó bảo quản.

Có các phương pháp thu hoạch sau:

(1) Lợi dụng tính hướng cọc gỗ của ngao để thu. Trên bãi cứ cách 1,5m đóng một cọc gỗ có đường kính 4-5cm, dài 65-70cm. Sau một thời gian ngao sẽ tập trung ở xung quanh cọc gỗ với bán kính 30cm, lúc này bắt rất thuận tiện.

(2) Dùng con lăn đá, khi con lăn lăn qua rồi ngao ở dưới bị ép sẽ phun nước lên, từ chỗ có nước phun có thể bắt ngao.

(3) Dùng chân đạp trên nước nông để bắt.

Nguồn: vietlinh.vn

Thảo luận cho bài: Kĩ thuật nuôi ngao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *