Ngao

Ngao thuộc Họ Ngao Veneridae, Giống ngao Meretrix. Họ Ngao có khoảng trên 500 loài, phân bố rộng ở vùng bãi triều ven biển các nước ôn đới nhiệt đới. Nước ta có khoảng 40 loài thuộc 7 nhóm giống, phân bố dọc bờ biển từ Bắc đến Nam.

Ngao - ngao

 

Vùng ven biển phía Bắc có ngao dầu (Meretrix lime), ngao mật (Meretrix llusoria Rumplius). Vùng ven biển phía Nam có nghêu (Meretrix lyrata sowerby).

Ngao  là nhóm động vật nhuyễn thể có tiềm năng lớn ở vùng triều nước ta. Kỹ thuật nuôi không phức tạp, chu kỳ nuôi ngắn, đầu tư ít lại có giá trị xuất khẩu. Nuôi ngao, nghêu còn là biện pháp tích cực để bảo vệ và phát triển nguồn lợi này, góp phần làm sạch môi trường đáy vùng triều ven biển.

Hình thái:

Vỏ ngao có hình tam giác, hai vỏ to bằng nhau, vỏ dày và chắc. Chiều dài vỏ lớn hơn chiều cao vỏ. Đỉnh vỏ nhô lên uốn cong về phía bụng. Mặt vỏ phồng lên, nhẵn bóng. Vòng sinh trưởng mịn và rõ. Ngoài vỏ ngao dầu có lớp bì màu nâu. Từ đỉnh vỏ xuống có nhiều vành màu nâu. Ở nghêu mặt ngoài của vỏ màu vàng sữa, ít cá thể màu nâu, vòng sinh trưởng thô. Mầu sắc của vỏ thường biến đổi thẫm hay nhạt theo môi trường nuôi. Phía trước của đỉnh vỏ mặt nguyệt thuôn dài. Phía sau đỉnh vỏ có đai nề màu đen. Mặt trong của vỏ màu trắng, vết cơ khép vỏ trước nhỏ, hình bán nguyệt, vết cơ khép vỏ sau to hình trứng tròn.

Cấu tạo trong:

a) Màng áo: hai tấm màng áo mỏng bao phủ toàn bộ nội tạng của ngao. Viền mép màng áo có nhiều mấu lồi cảm giác. Phía mép của hai màng áo gần bụng dính lại, hình thành hai vòi nước: vòi phía bụng là vòi nước vào, vòi nằm phía lưng là vòi nước ra. Vòi nước của ngao to và ngắn, vòi nước vào dài hơn vòi nước ra. Ngao vùi thân trong cát và thò vòi nước lên trên cát để hô hấp, bắt mồi và bài tiết.

b) Hệ tiêu hoá, hô hấp:

Miệng ngao là một rãnh ngang nằm ở phía trước cơ thể, bên miệng có tấm môi ngoài, môi trong, có tiêm mao dùng để chuyển vận và chọn lọc thức ăn. Thực quản và dạ dày mỏng. Xung quanh dạ dày có các túi “nang” tiêu hoá, có ống thông với dạ dày.

Mang là cơ quan hô hấp chủ yếu, ngoài ra các vi mạch trên màng áo ngoài, các vi mạch trên môi cũng có tác dụng bổ trợ cho hô hấp.

c) Hệ sinh dục:

Ngao phân đực, cái riêng. Khi tuyến sinh dục thành thục ở con cái có màu vàng, con đực có màu trắng sữa phủ khắp nội tạng

 Phân bố:

Ngao phân bố trên các bãi biển, trong các eo vịnh có đáy là cát pha bùn (cát chiểm 60-80%), sóng gió nhẹ, có lượng nước ngọt nhất định chảy vào. Ở nơi đáy nhiều bùn ngao dễ bị chết ngạt, nơi đáy cát chiếm 100% ngao bị khô nóng.

– Ngao sống ở trung, hạ triều cho đến độ sâu tới 10m ở đáy biển.

– Ngao là động vật nhuyễn thể rộng nhiệt. Thích nghi được với nhiệt độ từ 5-35oC, ở nhiệt độ 18-30oC sinh trưởng tốt nhất. Giới hạn chịu nhiệt cao là 43oC. Khi nhiệt độ lên tới 44oC ngao chết 50%, ở 45oC chết toàn bộ. Ở nhiệt độ 37,5oC sống được 10,4 giờ, 40oC sống được 5,3 giờ, 42oC sống được 1,5 giờ. Khi nhiệt độ giảm xuống 0oC, các tơ mang ngừng hoạt động. Ở nhiệt độ âm 2-3oC sau 3 tuần chỉ chết 10%.

– Ở độ mặn 19-26‰ ngao sinh trưởng tốt. Ngao có sức chịu đựng tốt ở tỷ trọng cao, ở trọng 1,029 chỉ có một số ít bị chết.

Trong môi trường tự nhiên nếu độ mặn biến đổi đột ngột sẽ gây chết hàng loạt. Những vùng bị ảnh hưởng nước lũ kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của ngao, có thể gây chết hàng loạt. Những vùng này thường không có ngao phân bố.

– Ngao là loài sống đáy, chân phát triển để đào cát vùi mình xuống dưới. Để hô hấp và lấy mồi ăn ngao thò vòi nước lên mặt bãi hình thành một lỗ hình bầu dục màu vàng nhạt, nhìn lỗ có thể biết được chỗ ở của ngao. Vòi ngao ngắn nên không thể chui sâu, thường chỉ cách mặt đáy vài cm. Trời lạnh ngao xuống sâu hơn nhưng không quá 10cm (hình 4).

– Hiện tượng ngao di chuyển nổi trong nước: Khi gặp biểu hiện môi trường không thích hợp, ngao có thể nổi lên trong nước và di chuyển tới vùng khác bằng cách tiết ra một túi nhầy hoặc một dải chất nhầy để giảm nhẹ tỷ trọng cơ thể và nổi lên được trong nước và theo dòng nước triều di chuyển tới nơi khác. Ngao có thể nổi lên ở độ cao 1,2m. Ngao thường di chuyển vào mùa hạ, mùa thu. Mùa hạ ngao sống ở vùng triều cao, bãi cạn chịu thời gian chiếu nắng dài làm cho bãi cát nóng lên ngao phải di chuyển theo nước triều rút xuống vùng sâu hơn. Mùa thu nhiệt độ hạ dần, gió thổi liên tục làm cho nhiệt độ giảm nhanh ngao không chịu được phải di chuyển xuống vùng sâu. Mặt khác, sự di chuyển của ngao cũng có quan hệ tới sinh sản. Khi ngao lớn tới 5-6cm ở giai đoạn sinh dục thành thục ngao thường di chuyển nhiều.

Đặc điểm này phải được hết sức chú ý, giữ không cho ngao đi mất. Người ta thường dùng dây cước sợi 3 x 3 căng ở đáy 3cm theo chiều vuông góc với đường nước triều rút, dây căng sẽ cắt đứt tuyến nhầy của ngao và ngao sẽ bị chìm xuống đáy. Phương pháp này rất có hiệu quả với ngao cỡ 3-5cm.

Tính ăn:

Phương thức bắt mồi ăn của ngao là bị động. Khi triều dâng ngao thò vòi lên cát để lọc mồi ăn, chọn những hạt, vụn hữu cơ có cỡ to nhỏ thích hợp là được. Thức ăn chủ yếu của ngao là tảo khuê, các mảnh vụn và chất vẩn cặn hữu cơ.

 Sinh trưởng:

Ngao dầu 1 tuổi có khối lượng 5-7g, 2 tuổi có khối lượng 12g.

Thời gian lớn nhanh vào tháng 4-9, lúc này nhiệt độ thích hợp. Hai năm đầu ngao lớn nhanh sau chậm dần. Ngao dầu có cỡ cá thể lớn tới 13cm, cao 11cm, dầy 5,8cm.

Sức lớn của ngao có liên quan chặt chẽ với vùng phân bố có nhiều hay ít mồi ăn, vùng cửa sông có nhiều thức ăn, hàm lượng oxy dồi dào ngao lớn nhanh, ngao sống ở vùng triều thấp lớn nhanh hơn ở vùng triều cao.

 Sinh sản:

Ngao đực, cái là dị thể. Trứng và tinh trùng phóng ra thụ tinh trong nước. Ngao 1 tuổi có thể thành thục. Nhìn bề ngoài không phân được đực cái, nhưng khi tuyến sinh dục thành thục có thể dựa vào màu sắc tuyến sinh dục để phân biệt. Ngao cái có màu vàng nhạt, ngao đực có màu trắng sữa. Mặt khác ở ngao đực đã thành thục tốt khi làm vỡ phần mềm ở dưới bụng tinh dịch sẽ chảy ra nhưng ở con cái dù thành thục ở mức độ tốt cũng không có hiện tượng chảy ra.

Mùa sinh sản của ngao vào hè thu; lượng trứng của ngao có quan hệ với cỡ cá thể to nhỏ. Con lớn có tới 600 vạn trứng, ngao có khối lượng 5g lượng ôm trứng vượt quá 20 triệu hạt. Ngao có khối lượng 5,4g mỗi lần đẻ 40 vạn hạt.

Phương thức sinh sản của ngao là phần sau của thân thò vòi lên mặt nước. Tinh trùng, trứng rụng vào xoang rồi qua vòi nước từ từ tuôn ra. Sau đó khuyếch tán trong nước biển. Thời gian đẻ của một con cái kéo dài tới 1 giờ. Trong bể đẻ khi ngao đẻ rộ làm cho nước biển trong sạch trở nên rất vẩn đục. Phương thức đẻ của ngao rất độc đáo dù là triều cường hay triều nhỏ, ban ngày hay ban đêm đều có thể đẻ trứng. Ngao đẻ trứng phân theo đợt, thời gian cách nhau có khi là nửa tháng và có khi tới một tháng.

Sự phát triển của phôi:

Trứng thụ tinh phát triển thành ấu trùng, qua 10 ngày sống phù du sau đó mới chuyển sang sống bám.

Ở nhiệt độ 25oC thụ tinh sau 15 phút xuất hiện thể cực thứ nhất, 20 phút sau xuất hiện thể cực thứ hai, tiếp đó bắt đầu phân cắt tế bào. Lần phân cắt thứ nhất cắt dọc từ cực động vật xuống cực thực vật thành hai khối cầu to nhỏ không bằng nhau, qua phân cắt nhiều lần, tế bào hình thành dạng xoáy ốc từng bậc từng bậc. Sau thời kỳ phân cắt thành 64 tế bào, phôi kéo dài khoảng 70-80µm, thành hình cầu, xung quanh có nhiều lông tơ bắt đầu quay tròn trong nước là thời kỳ phôi nang, 3 giờ sau xuất hiện vòng lông tơ, ở giữa có bó tiêm mao gọi là trùng bánh xe (Trochophora) dài khoảng 80µm, 5-6 giờ sau xuất hiện ấu trùng vỏ, 18-24 giờ sau hình thành ấu trùng hình chữ D, rồi thành ấu trùng đỉnh vỏ(???). Ở nhiệt độ 25oC, tỷ trọng nước 1020, sau 11 ngày phát dục của phôi hình thành sò non, biến thái sống bám.

Ngao dầu đẻ vào mùa hạ, sau một thời gian phát triển và sinh trưởng có vỏ dài 1cm. Mùa xuân năm sau dài 2-3cm và nuôi được một năm lớn tới 4-6cm.

Nguồn: vietlinh.vn

Thảo luận cho bài: Ngao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *