Site icon Nuoitrong123

Kinh nghiệm nuôi Lợn (Heo) thịt hiệu quả

So với gia cầm thì nuôi lợn trong nông hộ, gia trại hiện nay vẫn được coi là ổn định và có lợi nhuận hơn (thu lãi trung bình khoảng 100.000 đồng/con).

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh như dịch tai xanh, dịch tiêu chảy cấp… xảy ra quanh năm luôn đe dọa đàn lợn khiến cho người nuôi gặp không ít khó khăn. Qua thực tế chỉ đạo, hướng dẫn và tư vấn chăn nuôi, chúng tôi đưa ra một số kinh nghiệm nhằm nuôi lợn thịt hiệu quả như sau:

– Sử dụng vaccine phòng bệnh: Tất cả các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan toàn đàn và có tỷ lệ chết cao. Biện pháp chủ động là tiêm phòng cho lợn theo từng lứa tuổi. Đối với lợn con sau sinh, từ 3 – 7 ngày tuổi (tiêm sắt lần 1), 10 ngày tuổi (tiêm suyễn lần 1), 18 ngày tuổi (tiêm suyễn lần 2), 30 ngày tuổi (tiêm vaccine kép), 40 ngày tuổi (tiêm vaccine tai xanh), 50 ngày tuổi (tiêm vaccine long móng). Đối với lợn mua về khi tách mẹ: Để cho lợn ổn định từ 1-2 ngày mới tiêm phòng. Tiêm vaccine kép mũi 1 cho lợn khoảng 1 tháng tuổi, mũi 2 sau mũi 1 khoảng 1 tuần (tiêm vaccine tai xanh), mũi 3 sau 1 tuần mũi 2 (tiêm vaccine lở mồm long móng).

– Vệ sinh, phòng trị bệnh: Chuồng nuôi cần được vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc sát trùng (Fodin, BKC hoặc Cloramin B) định kỳ từ 1 – 2 lần/tuần, hạn chế người xa lạ vào khu chuồng nuôi. Đồng thời thường xuyên diệt chuột, phun thuốc diệt gián, muỗi để hạn chế trung gian gây bệnh…

Lợn thịt khi nuôi thường hay mắc bệnh về tiêu hóa và hô hấp. Tuy nhiên, 2 loại bệnh này có thể phòng trị được. Đối với bệnh về tiêu hóa, cần nhốt cách ly lợn khi mới nhập về để theo dõi từ 5-7 ngày nếu không có biểu hiện của bệnh thì mới nhập đàn. Thực hiện phương châm “ăn ít, uống ít” đối với lợn con khi mới mua về (ăn làm nhiều bữa) để lợn thích nghi dễ dàng với thức ăn mới. Thức ăn nên bổ sung men tiêu hóa sống, kháng sinh phòng bệnh tiêu chảy, bổ sung thêm điện giải (hòa vào nước cho lợn uống). Khi lợn con đạt trọng lượng từ 15-20 kg thì tẩy giun bằng một trong các thuốc: Novamectin (tiêm) hoặc Levamisol (cho ăn).

Khi lợn mắc bệnh tiêu chảy, người nuôi cần giảm hoặc cắt bỏ khẩu phần ăn hay cho ăn một lượng ít kèm theo men tiêu hóa và thuốc kháng sinh. Sau đó sử dụng thuốc kháng sinh: Sultrim hoặc Enrofloxacin (1ml/ 5 – 7kg thể trọng) hay Spectin, Fatra, Flordoxin…

Đối với bệnh đường hô hấp, có thể chủ động tiến hành 2 bước sau: Bước 1, trộn kháng sinh cho toàn đàn ăn (có thể sử dụng Flophenicol hoặc Dotylan với liều lượng 1 kg/700 kg thức ăn). Bước 2, tiêm kháng sinh cho những con lợn có triệu chứng ho, thở mạnh. Sử dụng một trong các loại sau: Gentatylosin + Dexa + Steptomycin, Flo- tylan, Lincospec…

Lưu ý: Người nuôi cần bổ sung thêm men tiêu hóa, điện giải vào thức ăn, nước uống để nâng cao thể trạng của lợn thịt. Cho lợn ăn đúng với tiêu chuẩn và khẩu phần, không thay đổi khẩu phần ăn đột ngột, cung cấp nước uống thỏa mãn nhu cầu của đàn lợn, vừa chăm sóc vừa theo dõi thể trạng của từng con trong đàn cũng như khả năng ăn uống của chúng… bảo đảm vệ sinh ăn uống cho lợn, không sử dụng thức ăn kém phẩm chất, nên thay đổi tiêu chuẩn ăn cho từng tuần nhằm nâng cao sức khỏe cho đàn lợn nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất vi sinh vật xâm nhập và gây bệnh cho lợn. Đối với lợn con theo mẹ nên cho ăn khô để chuồng khô ráo và lợn có thời gian nhai. Khi lợn đạt 25 kg trở lên thì cho ăn lỏng, mỗi ngày ăn từ 3- 4 bữa sẽ giúp lợn mau no, ngủ nhiều và tăng trọng nhanh hơn. Nên mua thức ăn hỗn hợp đã hoàn chỉnh, đủ chất. Thức ăn bảo đảm mới, thơm, không bị mốc. Nếu phải thay đổi thức ăn cần chuyển từ ít nhất 5 ngày để lợn không bị rối loạn tiêu hóa hoặc không ăn.

Nguồn: nghenong.com

Bài viết liên quan

Bài viết cùng chuyên mục

Exit mobile version