Kinh nghiệm trồng Súp Lơ xanh

Ông Trần Duy Hùng, một chủ hộ chuyên thâm canh rau ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, so với các loại cây khác thì trồng súp lơ xanh hiệu quả hơn nhiều lần.

Kinh nghiệm trồng Súp Lơ xanh - 56a86e75de028

Súp lơ xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đặc biệt năm nay được giá nên lợi nhuận cao hơn các năm trước.

Vụ đông 2015 gia đình ông làm 3 sào (1 sào Trung bộ 500m2) súp lơ xanh, đến nay đã thu hoạch được 2 sào, giá bán buôn tại ruộng bình quân 7.000 đ/cây, mật độ 1.500 – 1.600 cây/sào, trừ chi phí còn thu lãi 8 – 9 triệu đồng/sào. Ruộng nhà ông năm nào cũng làm gối vụ, mỗi vụ trồng 2 – 2,5 tháng là thu hoạch, có những năm bán được giá cao gia đình ông thu nhập trên 100 triệu từ sản xuất các loại rau.

Ông Hùng chia sẻ một số kinh nghiệm trồng súp lơ xanh như sau: Vụ sớm trồng từ tháng 8 – 9, vụ chính trồng tháng 10 – 11. Làm đất tơi nhỏ, dọn sạch cỏ, làm luống mui luyện để thoát nước, luống rộng 80 – 100cm, cao 15 – 20cm, rảnh luống 20 – 30cm. Mật độ trồng 1.500 – 1.600 cây/sào, trồng theo kiểu nanh sấu, khoảng cách giữa các cây là 45 – 50cm, chọn cây to, mập, lá xanh, không bị dị hình để trồng.

Bón lót:

Phân chuồng hoai mục, phân NPK tổng hợp 16-16-8 với lượng 20 – 25 kg/sào. Rạch hàng trên mặt luống bón phân, sau đó lấp đất lại rồi mới cấy cây.

Bón thúc lần 1:

Sau khi trồng 10 – 15 ngày, bón 1 sào 3,5kg urê; 3kg kalisunfat, hòa phân tan trong nước rồi tưới vào gốc cây kết hợp vun xới, làm cỏ vét rảnh. Bón phân thời kỳ này nhằm giúp cây hồi xanh.

Bón thúc lần 2:

Sau trồng được 25 – 30 ngày, bón 1 sào 7,5kg urê, rạch hàng bón phân cách gốc 20cm để tránh làm hư bộ rễ của cây, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây phát triển tốt.

Bón thúc lần 3:

Sau khi trồng 45 – 50 ngày, khi cây đã chéo nõn, bón 4kg urê + 3kg kalisunfat/sào, có thể bón vào gốc hoặc hòa nước tưới. Thời kỳ này cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây ra ngù nhanh và chắc.

Che đậy hoa:

Khi thấy có ngù hoa ở trong lá nõn thì phải che đậy ngay, có thể lấy lá gốc để che đậy hoặc bẻ gập 1 – 2 lá trong để đậy lại, việc che đậy này thực hiện cho đến khi thu hoạch, phải thay lá che đậy khi đã héo, mục đích là tránh nước ngấm vào ngù hoa làm thối hoa.

Thu hoạch:

Cần thu hoạch đúng lúc mới đảm bảo được năng suất và phẩm chất của hoa lơ. Khi thấy hoa lơ bắt đầu gồ ghề thì tiến hành thu hoạch. Dùng dao sắc, chặt lá ở sát gốc, tỉa bỏ lá chân, xếp đứng cuống hoa vào nhau để vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Nguồn: sưu tầm

Tìm bài này trên Google:

  • cách trồng súp lơ xanh
  • trồng súp lơ xanh
  • ky thuat trong sup lo xanh

Thảo luận cho bài: Kinh nghiệm trồng Súp Lơ xanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *