Kỹ thuật cây trúc tạp giao lấy măng

Ở Trung Quốc người ta tiến hành lai tạo giữa 2 giống trúc: Chưởng cao trúc với Đại lục trúc tạo ra giống trúc lai gọi là Trúc Tạp Giao có ưu điểm là sinh trưởng mạnh, năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt.

Kỹ thuật cây trúc tạp giao lấy măng - truc quan tu 640x426

Năm 1994 công trình nghiên cứu này được đánh giá cao và được khen thưởng ở Trung Quốc. Hiện nay ta đã nhập giống về trồng thử ở Lạng Sơn và tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng cho một số tỉnh phía Bắc.

I. Đặc điểm sinh thái

Trúc Tạp Giao là cây trồng ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Vùng trồng trúc Tạp Giao có nhiệt độ bình quân năm 21,1 0 C, cao nhất 39,1 0 C và thấp nhất là1,2 0 C, lượng mưa trung bình 1.418,5 mm/năm và số giờ nắng 1.850 giờ/năm.
Tính thích nghi của cây trúc Tạp giao rất mạnh, chịu hạn tốt, thích nghi rộng, trồng được trên nhiều loại đất. Kể từ đất đồng bằng, đất đồi dốc, đất núi cao đến đất chân núi đều trồng được.

Vùng trung tâm trồng trúc Tạp giao của Trung Quốc có độ cao từ 130 đến trên 800 m, phần lớn tập trung ở độ cao từ 200 – 500 m, độ PH 4,5- 5,5, độ phì của đất trung bình và có khả năng tiêu nước tốt.
ở những nơi khác có nhiệt độ cao hơn, lượng mưa và giờ nắng nhiều hơn, đất đai phì nhiêu, đủ độ ẩm thì năng suất măng Tạp Giao càng cao hơn.

II. Phân bố

Hiện nay, Trúc Tạp giao đã được gây trồng trên khắp các vùng của Trung Quốc. Tuy nhiên vùng trồng tập trung là tỉnh Quảng Tây, Tứ Xuyên, Quỳ Châu, Quảng Đông, Hải Nam …

III. Giá trị kinh tế

Trúc Tạp Giao là loài cây trồng đáp ứng được 2 mục đích: Trồng để lấy măng và trồng để làm nguyên liệu chế biến giấy, làm đồ dùng như chiếu, hàng mỹ nghệ. (Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu việc trồng rừng để lấy măng)
Măng Trúc Tạp Giao ăn ngon và giòn, thành phần dinh dưỡng có chứa hàm lượng chất Anbumin rất cao, rất ít chất béo, nhiều chất vi lượng và Vitamin có thể chốngđược bệnh tim mạch nên được nhiều người ưa chuộng.

Măng Trúc Tạp giao vừa để ăn tươi, vừa để chế biến đồ hộp, đóng túi, làm măng chua, sấy khô dạng lát, dạng sợi…phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

IV. Năng suất và thời gian thu hoạch

Măng Tạp giao cũng nổi tiếng về năng suất cao sau măng Bát Độ. Sau khi trồng được 3 năm, một cái măng nặng 2-6 kg (Gốc măng có đường kính 8-20 cm, thân măng dài 60-120 cm). Từ năm thứ 3 trở đi, mỗi khóm trúc thường có 20 cái măng, năng suất đạt trung bình 75 tấn/ha, năng suất cao nhất là 120 tấn/ha.ở nơi có tầng đất dày, bón nhiều phân, thu hái kịp thời và đúng kỹ thuật thì năng suất măng sẽ cao hơn.

Măng Tạp giao cho thu hoạch từ năm thứ 3 trở đi và thu liên tục trong thời gian 15 năm. Thu hái măng được tiến hành từ tháng 4-9 hàng năm, từ tháng 10-11 ngừng lấy măng.

Để măng khỏi bị lão hoá, thịt măng không bị sơ do có ánh nắng mặt trời chiếu vào, khi măng mới nhú lên (Đất nứt hơi bị đội lên) thì tiến hành thu hoạch. Vì vậy, phải luôn luôn chú ý theo dõi và kịp thời lấp đất, che phủ kín cho măng, không để ánh sáng mặt trời chiếu vào măng khi chưa kịp khai thác.

Những tháng có nhiệt độ thấp, măng mọc chậm thì cứ 4-6 ngày cắt măng một lần. Thời kỳ giữa của những tháng có nhiệt độ cao, măng mọc rất nhanh thì cứ 2-4 ngày cắt măng một lần, tốt nhất cắt măng vào buổi sáng. Dùng cuốc cán ngắn, bới chỗ đất nứt, củ măng sẽ lộ dần ra, rồi dùng dao sắc cắt tách măng ra khỏi gốc cây mẹ. (Chú ý không làm tổn thương đến gốc cây măng vì ở đó có rất nhiều mắt sinh trưởng để ra măng mới).

Để nâng cao chất lượng của măng, trong thời gian thu hái măng phải dùng đất tơi xốp + mùn hữu cơ phủ gốc cho khóm măng thành một lớp đất dầy 16-30cm hoặc hơn nữa.

V-Kỹ thuật trồng

1. Cây giống:

Cây giống đem trồng thường có chiều dài 50-60 cm, dạng đùi gà, có một ít rễ. (Hiện nay chúng ta muốn trồng phảinhập giống của Trung Quốc).

2. Thời vụ trồng:

Thời gian trồng từ trước Tết Âm lịch từ 1 đến 1,5 tháng cho tới trước tiết Thanh minh (5 tháng 4 dương lịch), tốt nhất là trồng vào tháng 1, đây là thời kỳ cây đang ở trạng thái ngủ.

3. Mật độ trồng:

1.666 cây/ha, cự ly 2 x 3 m.

4. Kích thước hố:

Đào hố theo kích thước 60x60xsâu 50 cm. Hố trồng phải đào trước khi trồng ít nhất là 1 tháng. Muốn cây bén rễ, đâm chồi và ra măng nhanh, cần lót hố trồng bằng bùn ao, đất mùn, đất phù sa hoặc phân chuồng hoai trước khi đặt cây giống. Tốt nhất là bón lót bằng phân chuồng hoai 15-25 kg/hố, hoặc bã mía 30-40 kg/hố, thêm 0,25 kg phân tổng hợp /hố, đảo đều với đất bột cho vào hố trước khi trồng .

5. Cách trồng:

Đặt cây nằm sát mặt đất theo hướng dốc, phần ngọn ở phía trên của dốc, phần gốc cong đùi gà đặt quay úp xuống phía dưới. Nếu bón lót phân chuồng thì phải lấp đất mùn tơi xốp lên trên lớp phân dầy khoảng 5-10cm, sau đó mới đặt cây giống. Dùng lớp đất mặt, loại bỏ cây và đá lẫn để lấp hố. Lấp đất đầy cách mặt hố 10-15cm, lèn chặt dần từ ngoài vào trong sát gốc. Sau đó phủ cỏ, rác lên trên và tưới nước.

VI. Chăm sóc bảo vệ và phòng trừ sâu bệnh

1. Chăm sóc

Khi cây trúc phát chồi thì phải làm cỏ kịp thời và xới đất xung quanh gốc. Mỗi năm làm cỏ 2 lần, mỗi lần làm xong cần bón thúc bằng phân urê hoặc phân tổng hợp NPK 0,2 kg/khóm. Rừng trúc Tạp giao sẽ cho thu hoạch đại trà từ năm thứ tư trở đi. Sau mỗi năm thu hoạch phải xới đất và bón phân một lần, thời gian bón tốt nhất từ tháng 11 đến tiết Lập Xuân (Khoảng ngày 5 tháng 2 dương lịch). Phương pháp xới đất: Gần gốc thì xới nông, xa gốc thì xới sâu, độ sâu tới 15-20 cm là vừa và kết hợp bón phân.

2. Bảo vệ và phòng trừ sâu bệnh

Không được thả trâu, bò, lợn vào rừng tre mới trồng. Sâu hại trúc Tạp giao chủ yếu là Bướm cuốn lá và Bướm Lục đâm. Khi phát hiện có sâu, dùng thuốc Địch bách trùng (Diterex) pha loãng 500 lần, hoặc thuốc Lạc quả 40% pha loãng 1.000 lần, cứ cách 10 ngày phun một lần, phun 2-3 lần là được.

VII. Cách để cây con thay thế cây mẹ

Đối với trúc Tạp giao, hàng năm vào tháng 11, khi đã hết măng thì để 2-3 cây con mới thay thế các cây mẹ. Những cây mẹ cũ phải được đào cắt bỏ vào mùa đông.

Cách bố trí cây con mới: ở mỗi khóm trúc, để 2 hoặc 3 cây con mới cách xa nhau, nằm trên đường vòng tròn của khóm. Không nên để quá nhiều cây con vì sẽ ra nhiều măng quá (trong khi bón phân chưa đủ yêu cầu), làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của rừng.

Nguồn:sưu tầm

Thảo luận cho bài: Kỹ thuật cây trúc tạp giao lấy măng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *