Kỹ Thuật Nuôi Cua Đồng Thịt

Cua đồng là nguồn thực phẩm thủy sản khá quen thuộc với bà con nông dân của chúng ta từ xưa đến nay. Trước đây sản lượng cua đồng rất lớn, nhưng hiện nay do sản xuất lúa tăng vụ, tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm bởi hóa chất sát trùng nông nghiệp, hóa chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, nước thải công nghiệp từ các nhà máy… cộng với tình hình khai thác thủy sản quá mức đã làm cho sản lượng cua ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu cua thương phẩm ngày càng tăng nên giá cua đồng hiện nay khá cao. Vì vậy, nuôi cua là một nghề mới khá hấp dẫn vì mang lại lợi nhuận khá cao.

Kỹ Thuật Nuôi Cua Đồng Thịt - 56ff3cba4af88

1. Các loại hình nuôi

a) Nuôi ao

Có thể nuôi cua con thành cua thịt trong các dạng ao hồ riêng biệt, hay nuôi kết hợp trong ruộng lúa với hình dạng và kích cỡ khác nhau. Tuy nhiên, một ao nuôi cua tốt nên có các đặc điểm như: gần sông, có nguồn nước dồi dào và dễ cấp thoát nước; nền đáy ao, hồ nên là loại đất thịt pha sét hay cát, không quá nhiều bùn nhão (lớp bùn không quá 20cm); đất và nước ít bị nhiễm phèn, pH nước từ 6,5-8,5 và nhiệt độ từ 28-320C.

Ao nuôi nên có diện tích từ 300 – 1.000m2, độ sâu 0,8 – 1,2 m với bờ bao có chiều rộng đáy 3m, mặt 1-1,5m và cao 1-1,5m và cao hơn đỉnh lũ ít nhất 0.5m. Xung quanh bờ phải rào kỹ bằng đăng tre, tấm nhựa, lưới cước…và đặt hơi nghiêng vào ao, sao cho cua không thoát ra được. Ao có cống cấp và thoát để thuận tiện cấp thoát nước cho ao, trước cống nên có 2 lớp đăng tre hay lưới chắn cẩn thận, lớp ngoài nên đăng theo hình chữ V.

Trong ao nên chất chà làm nơi trú ngụ cho cua khi lột xác tránh hao hụt do chúng ăn lẫn nhau.

b) Nuôi trong ruộng lúa

Chọn ruộng có diện tích khoảng 0.5-1 ha, địa thế bằng phẳng. Cách rào chắn giống như nuôi cua trong ao. Tuy nhiên, nên đào nhiều mương dọc ngang trong ruộng để cua trú ẩn. Mương nuôi nên rộng từ 1.5-2m và sâu 0.8-1m. Diện tích mương bao chiếm khoảng 15 – 30% diện tích ruộng. Các cửa cống cấp thoát nước phải chắn bằng đăng tre hoặc lưới thích hợp, nền cống phải đầm chặt. Trong ruộng nuôi nên chất chà ở cácmương làm nơi trú ngụ cho cua khi lột xác tránh hao hụt do chúng ăn lẫn nhau.

Hoặc nuôi đăng quầng trên ruộng theo địa hình cụ thể từng nơi, có thể theo hình vuông hay hình chữ nhật. Diện tích 0,5-1ha, mức nước sâu lúc cao triều từ 0,8-1m, lúc triều cạn phải bảo đảm tối thiểu một nửa diện tích vùng có mức nước sâu 20-30cm. Mép trên của lưới có tấm nilon cao 50cm để cua không bò trốn. Chân lưới cắm sâu xuống bùn 50-70cm. Mức nước sâu nên duy trì 0,8-1m.

2. Chuẩn bị ao, ruộng nuôi

Trước khi nuôi 1-2 tuần, tiến hành chuẩn bị ruộng nuôi. Tát cạn nước để diệt các địch hại của cua, bón vôi 7 – 10kg/100m2 và phơi ruộng 3 – 5 ngày. Hoặc tùy vào độ pH của ao mà ta có thể bón vôi theo công thức sau:

– pH = 4,5 – 5 bón 30 – 40kg vôi/100m2.

– pH = 5 – 6 bón 16 – 30kg vôi/100m2.

– pH = 6 – 6,5 bón 14 – 16kg vôi/100m2.

Trường hợp không tháo cạn nước được thì dùng rễ cây thuốc cá 1kg/100m3 nước để diệt các địch hại của cua. Sau đó lấy nước sạch vào ao, ruộng nuôi.

Tiến hành gây màu nước cho ao bằng phân chuồng hoặc phân hóa học để tạo nguồn động vật phù du phát triển làm thức ăn cho cua giống mới thả. Nếu dùng phân đạm, lân vô cơ thì tỉ lệ N/P = 2/1 với lượng 0,2 – 0,3kg/100m2. Nếu dùng phân hữu cơ hoai mục hay phân trùn quế ta có thể dùng từ 30kg – 50kg/100m2. Trong thời gian nuôi có thể bón bổ sung 7 ngày/lần, mỗi lần 10 – 15kg/100m2.

Trong ao, ruộng nuôi nên chất chà làm nơi trú ngụ cho cua lúc cua lột xác tránh bị hao hụt, có thể thả thêm bèo, rau muống, rau dừa nước … để che phủ ao vào những ngày nắng gắt. Độ che phủ khoảng 1/3 diện tích mặt ao.

Ruộng nuôi cua nên sử dụng lúa cấy để tạo những khoảng trống cho cua di chuyển và tìm thức ăn được thuận lợi, trồng lúa thân lá cứng, không bị đổ ngã. Ngoài ra, có thể thả nuôi thêm ốc bưu, ốc lát làm thức ăn tự nhiên cho cua đồng thời cũng giúp giải quyết thức ăn dư thừa và là nguồn lợi đáng kể khi thu hoạch cua thịt.

3. Thả giống và chăm sóc

Mùa vụ nuôi cua con thành cua thịt có thể quanh năm nhưng phổ biến nhất vào khoảng tháng 4-8 dl. Lúc này nguồn giống phong phú điều kiện môi trường nước tương đối thuận lợi cho nuôi cua. Những tháng mùa khô cũng có thể nuôi cua nhưng sự biến động lớn về nhiệt độ, môi trường nước ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cua.

Nếu chuyển cua giống từ xa về phải tính toán thế nào thời gian từ lúc bắt cua đến khi thả xuống ruộng, ao nuôi không quá 24 giờ

Hiện nay, cua giống nuôi chủ yếu là nguồn giống tự nhiên và do khai thác đánh bắt bằng nhiều hình thức khác nhau nên con giống thường hao hụt nhiều. Phương pháp vận chuyển chưa phù hợp cách tốt nhất là sử dụng bao bằng lưới cước và để cua đầy bao rồi buộc chặt để cua không cử động được tránh tình trạng chúng cắn lẫn nhau làm hao hụt nhiều. Nếu giống từ các trại nuôi cua bố mẹ sinh sản ta nên dùng dụng cụ vận chuyển chuyên biệt như thùng gỗ, thiếc có kích thước 40x60x40cm, có nắp đính bản lề để đậy mở dễ dàng, vách thùng xung quanh có khoan lỗ 5 – 10mm, trong thùng chia làm nhiều ngăn cách nhau 4 – 6cm, vách ngăn cũng được khoan lỗ 5 – 10mm. Mỗi ngăn chứa lượng cua vừa đủ mặt ngăn, không nên chứa nhiều cua chồng lên nhau. Cua đồng dễ bị chết khát hơn cua biển. Do vậy ta phải thường xuyên tưới nước sạch đều lên thùng cho cua uống.

Mật độ cua nuôi tùy thuộc loại hình con giống, hình thức nuôi cũng như thời gian nuôi (60-90 ngày/vụ nuôi).

+ Con giống bắt từ tự nhiên: mật đô nuôi ao 10-15 con/m2, nuôi trong ruộng lúa 5-7 con/m2

+ Con giống sinh sản nhân tạo: mật đô nuôi ao 30-50 con/m2, nuôi trong ruộng lúa 20-30 con/m2

a) Chọn cua giống

Nên chọn những con giống khoẻ mạnh còn đầy đủ càng và chân, màu sắc tươi sáng, không bị đóng rong, có thể chọn những con cua đực nuôi để tăng năng suất và giá trị thương phẩm.

Khi nuôi cua trong ruộng lúa, có thể nuôi theo dạng luân canh vào mùa nước nổi hoặc nuôi xen canh.

Nuôi xen canh cần thả giống vào mương bao nuôi tạm trước khi lúa đã tốt thì tăng nước lên ruộng để cua lên ruộng tìm thức ăn.

Nên thả cua khi nhiệt độ, độ phèn … nằm trong khoảng thích hợp, tiến hành thả cua lúc trời mát và nên thả trên mé bờ để cua tự bò xuống nước.

b) Cho ăn và chăm sóc

Cua đồng là loài ăn tạp thiên về động vật nên thức ăn cho cua khá đa dạng như cá tạp, ốc, rau, khoai lang, khoai mì,… Nên bổ sung thêm thức ăn viên (chìm) giàu dinh dưỡng cho cua khoảng 7-10ngày/lần trong suốt quá trình nuôi đẻ giúp cua lớn nhanh.

Tỉ lệ tiêu tốn thức ăn cho 1 kg cua là 2,5 – 3kg thức ăn. Nếu ruộng hay ao nuôi có nhiều thức ăn tự nhiên thì tỉ lệ tiêu tốn thức ăn sẽ còn thấp.

Lượng thức ăn cua hàng ngày khoảng 5 – 8% so với trọng lượng cơ thể. Mỗi ngày cho ăn hai lần, sáng sớm 20-40% khẩu phần ăn phần còn lại cho ăn vào chiều mát. Tuy nhiên, thời điểm cho cua ăn thích hợp nhất là lúc nước lớn. Không nên cho cua ăn những loại thức ăn đã bị mốc hoặc ôi thiu.

Cần cố định điểm cho ăn, việc này sẽ giúp người nuôi kiểm soát tốt khả năng ăn mồi của cua, từ đó có kế hoạch điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý. Cua sẽ ăn thịt lẫn nhau nếu ao nuôi bị thiếu thức ăn, nhất là cua mới lột vỏ. Nên bố trí bố trí khoảng 5–7 chổ ăn cố định cho mỗi 1.000m2 ruộng nuôi.

Thường xuyên thay nước cho ao, ruộng nuôi khoảng 1 tuần/lần để giữ môi trường trong sạch, đồng thời kích thích cua lột xác và bắt mồi mạnh, mỗi lần thay nước từ 1/4-1/3  lượng nước trong ao, mương.

Ban đêm nên treo đèn trong khu vực nuôi vừa giữ an ninh, vừa dẫn dụ côn trùng làm thức ăn thêm cho cua.

Hạn chế sử dụng nông dược khi nuôi cua trong ruộng lúa. Điều chỉnh lượng nước trong ruộng thường xuyên cao từ 15 – 20 cm.

Có thể bổ sung thêm cỏ, rau muống, bèo,…vào ruộng để làm nơi trú ẩn, làm thức ăn bổ sung cho cua và hạ nhiệt môi trường nuôi.

Thường xuyên kiểm tra đề phòng chỗ rách của lưới để kịp thời khắc phục tránh thất thoát do cua bò ra ngoài.

4. Thu hoạch

Khi cua đã đạt kích cỡ thương phẩm hoặc cua có giá cao trên thị trường.

Nguồn: nghenong.com

Thảo luận cho bài: Kỹ Thuật Nuôi Cua Đồng Thịt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *