Gây dựng và làm chủ một trại nuôi gà Kiến Thùng quy mô hơn 1.000 con, chị Nguyễn Thị Tuyết (Quảng Nam) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trại nuôi gà Kiến Thùng thả vườn của chị Nguyễn Thị Tuyết
Tận dụng 1.600 m2 diện tích đất trong vườn nhà, vợ chồng chị Tuyết ở khối phố Ngọc Nam (P.An Phú, TP.Tam Kỳ) bắt tay xây dựng mô hình chăn nuôi gà Kiến Thùng (hay còn gọi là gà Minh Dư) theo mô hình thả vườn. Giống gà này có đặc điểm phát triển nhanh, lại ít dịch bệnh. Chị vô tận Bình Định mua với giá 15.000 – 20.000 đồng/con giống, nuôi từ 3 – 3,5 tháng là có thể xuất bán với giá 110.000 – 130.000 đồng/kg.
Từ các mô hình thực tế và qua những lớp tập huấn chăn nuôi do chính quyền địa phương tổ chức, chị Tuyết vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm và vững tin với quyết định chọn chăn nuôi làm hướng phát triển kinh tế gia đình. Kinh nghiệm của chị trong quá trình nuôi, ngoài yếu tố thức ăn, phải luôn thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo đúng lịch các loại bệnh thông thường của gà. Quan trọng hơn, để gà phát triển tốt, việc đầu tiên là phải nghiêm ngặt từ chọn giống, cáchchăm sóc gà từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Cùng với đó là vệ sinh chuồng trại phải được thực hiện thường xuyên 1 lần/tuần. Ngoài ra, sau mỗi đợt xuất chuồng phải tiến hành vệ sinh vườn, rải vôi bột khử trùng, để vườn trống khoảng nửa tháng mới bắt đầu thả gà cho vụ nuôi tiếp theo. Chị còn tận dụng đất trống để trồng cây tràm keo, vừa tăng thu nhập, vừa có bóng mát, giúp gà phát triển nhanh và khỏe mạnh hơn.
Cũng theo chị Tuyết, nuôi gà Kiến Thùng thả vườn có nét tương đồng với nuôi truyền thống (gà thả hoang), là gà được thả tự do trong không gian rộng lớn. Vì vậy, ngoài các loại thức ăn chính là lúa, ngô và cám tổng hợp thì gà còn tự kiếm thêm các loại thức ăn khác như cỏ, côn trùng… để bổ sung chất dinh dưỡng. Đặc biệt, gà nuôi theo hướng sinh học và không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nên cho thịt dai và thơm ngon, bán được giá cao.
“Lúc mới bắt tay vào chăn nuôi gà, bản thân gia đình tôi cũng gặp không ít khó khăn. Do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, chưa biết lấy nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng, đặc biệt trời đang nắng mà có một cơn mưa giông bất chợt đổ xuống là đàn gà rất dễ mắc dịch bệnh. Có những lúc gia đình tôi sắp vỡ nợ vì gà, thêm vào đó là thị trường của mình chưa có, nuôi gà lớn đến độ xuất chuồng lại lo lắng làm sao tìm đầu ra để tiêu thụ gà”, chị Tuyết chia sẻ. Nhưng sau những khó khăn đó, chị lại nỗ lực tìm kiếm thông tin, nghiên cứu thị trường để có kinh nghiệm nuôi vững chắc, có đầu ra cho đàn gà.
Giờ đây gia đình chị Tuyết đã có thu nhập ổn định, xây dựng nhà cửa khang trang, có điều kiện lo cho các con ăn học. Mỗi năm, gia đình chị xuất bán 3 – 4 lứa gà thịt, trung bình mỗi lứa 1.000 – 1.200 con. “Nhờ nuôi gà Kiến Thùng thả vườn, đến nay mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ 500 – 600 triệu đồng. Cũng nhờ nó mà gia đình tôi đã ổn định và khấm khá lên hẳn, từ một hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn nay đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu một cách chính đáng. Thời gian tới, tôi dự định sẽ mở rộng quy mô chuồng trại, tăng thu nhập kinh tế cho gia đình”, chị Tuyết chia sẻ thêm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Tuyết còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gà Kiến Thùng cho bà con địa phương với mong muốn giúp họ cùng vươn lên thoát nghèo. Đến với mô hình chăn nuôi gà Kiến Thùng của gia đình chị Tuyết, mọi người đều được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi một cách chu đáo. Vì vậy, mô hình của gia đình chị luôn là địa chỉ tin cậy cho nhiều bà con ở P.An Phú đến tham quan, học tập.
Nguồn: Sưu tầm