Nội dung chính
Anh Nguyễn Phan Hóa (SN 1979, ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) là người đầu tiên trong tỉnh nuôi vịt trời và nhân giống thành công. Trang trại của anh Hóa nằm giữa đồi hòn Sầm, thôn Suối Mây, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân.
Nhân giống
Giữa núi rừng yên tĩnh, bầy vịt trời bỗng kêu cạp cạp một hồi dài thật vui tai. Cứ tưởng vịt trời bay trên trời nên phải nuôi nhốt trong chuồng, nhưng chúng được thả tự nhiên trên khoảng đất trống, rộng, xung quanh bao lưới B40. Anh Nguyễn Phan Hóa cho biết, nguồn gốc loại vịt này ở Serbia di cư nhiều nơi và được người dân bắt nuôi thuần chủng. “Một lần, tôi ngồi nhà xem ti vi thấy Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng mô hình nuôi vịt trời ở các tỉnh phía Bắc rất thành công nên tò mò tìm hiểu. Tháng 7/2015, tôi ra Đà Nẵng mua được 25 con vịt trời giống về nuôi. Ban đầu, tôi nghĩ chỉ nuôi cho vui và để ăn thịt. Nhưng sau đó thấy vịt đẻ trứng và nở thành con, tôi bắt đầu nhân giống và mở rộng chăn nuôi thành trang trại”, anh Hóa nói.
Trên vùng đồi hòn Sầm rộng khoảng 3ha ở thôn Suối Mây, xã Xuân Phước, anh Hóa khoanh diện tích khoảng 700m2, xây trại che mưa, nắng và 2 hồ chứa nước để nuôi vịt trời sinh sản. Thời gian đầu, anh Hóa đưa trứng vịt trời vào lò ấp thủ công. Tuy nhiên, do chưa nắm vững kỹ thuật ấp trứng, điều chỉnh nhiệt độ… nên tỉ lệ trứng nở rất thấp. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, đến nay, anh đã ấp trứng thành công với tỉ lệ trứng nở đạt trên 85%, hàng tuần cho ra lò khoảng 50 – 70 vịt con.
Hiện trang trại của anh Hóa có khoảng 80 con vịt đẻ, hơn 500 vịt trời thương phẩm.
Triển vọng
Theo anh Hóa, vịt trời rất dễ nuôi, thích nghi với thời tiết, khí hậu ở miền núi Phú Yên. Vịt trời có sức đề kháng tốt, khả năng tăng trọng cao, ăn ít thức ăn so với vịt cỏ ở địa phương nên chi phí thấp. Sau 4 tháng nuôi, vịt đạt trọng lượng bình quân 1,2kg/con; thịt thơm, ngon. Giá trị dinh dưỡng cũng như kinh tế của vịt trời cao hơn vịt thường nhiều lần; vịt thương phẩm bán ra thị trường với giá từ 220.000 – 250.000 đồng/con tùy trọng lượng. Hiện anh Hóa mở rộng thêm quy mô nuôi vịt trời sinh sản để cung ứng giống cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Ngọc Trí ở phường 9, TP Tuy Hòa, cho hay: “Tôi đã tham quan mô hình nuôi vịt trời rất hiệu quả của anh Hóa. Tôi sẽ học hỏi kỹ thuật và mua giống để nuôi ở đồng bằng trong thời gian tới”.
Ngoài nuôi vịt trời, anh Hóa còn đầu tư nuôi 700 con gà ta ở địa phương và hơn 50 con gà H’Mông thuần chủng. Gà H’Mông có nguồn gốc từ các tỉnh miền núi vùng Tây Bắc do bà con dân tộc H’Mông chăn nuôi theo tập quán chăn thả tự nhiên. Đây là giống gà quý hiếm thuộc nhóm gà thịt đen, xương đen, với hàm lượng axit amin cao, được sử dụng như là thuốc bồi bổ cơ thể, chữa bệnh suy nhược, tim mạch. Bước đầu, anh Hóa đã ấp thành công trứng gà giống H’Mông. Loại gà này cũng thích nghi với khí hậu miền núi Phú Yên, đang phát triển tốt, không bệnh tật. “Cùng với nuôi vịt trời, tôi sẽ đầu tư phát triển mạnh đàn gà H’Mông để cung ứng cho người chăn nuôi trong tỉnh”, anh Hóa cho hay.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phước, nuôi vịt trời và gà H’Mông là một mô hình mới ở địa phương. Qua theo dõi, vịt trời sinh trưởng nhanh, thịt ngon, được thị trường trong tỉnh chấp nhận nên hiệu quả thấy rõ. Xã khuyến khích bà con mua giống và nuôi nhân rộng để phát triển kinh tế gia đình; đồng thời vận động anh Hóa tận tình hướng dẫn kỹ thuật để bà con nuôi vịt trời đạt kết quả cao.