Anh Nguyễn Đức Thăng (Lâm Đồng) làm nên sự nghiệp nhờ trồng khoai langvà tự nghiên cứu cách chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm dân dã này.
Anh Nguyễn Đức Thăng và sản phẩm khoai lang dẻo
Anh Thăng (31 tuổi, ngụ thôn 6, xã Tà Nung, TP.Đà Lạt) cho biết quê anh ở Bắc Ninh, năm 2006 vào xã Tà Nung đi làm thuê cuốc mướn. Một thời gian sau anh sang nhượng được đất trồng cà phê, nhưng do giá cà phê thất thường, thu nhập không ổn định nên anh dành 3.000 m2 trồng thử nghiệm khoai lang.
Ban đầu anh phải xuống H.Đức Trọng (Lâm Đồng) hoặc qua tỉnh Đắk Nông mua giống khoai về trồng. Lúc đó, sau vụ mùa anh bán khoai lang tươi với giá từ 6.000 – 7.000 đồng/kg, cho thu nhập cao hơn trồng cà phê trên cùng diện tích. Khoai tươi loại 1 được anh đóng đi Hà Nội, TP.HCM cho các bạn hàng, khoai loại 2 và 3 bán cho các mối lái trong tỉnh.
Cách đây 3 năm, anh Thăng đầu tư thêm lò nấu, lò sấy để chế biến khoai lang dẻo. Khoai tươi sau thu hoạch được ủ trong kho khoảng 1 tháng để khi luộc chín giảm lượng tinh bột và tăng thêm độ ngọt, dẻo. Anh cho biết thêm: “Vào mùa mưa thì việc ủ khoai cần thời gian lâu hơn vì thời tiết Đà Lạt lạnh”.
Khoai sau khi ủ được rửa sạch và luộc chín, xắt thành miếng dài xếp vào các khay làm bằng tre, đưa vào lò sấy được đốt bằng than. Khoai phải sấy liên tục trong 24 giờ mới đạt độ khô và dẻo. Trung bình 3 kg khoai loại 1 – 4,5 kg khoai loại 2 – 3 tươi cho 1 kg khoai lang dẻo, bán sỉ với giá 50.000 – 70.000 đồng/kg.
Thấy nhu cầu khoai lang dẻo ngày càng tăng cao, anh Thăng quyết định thuê đất và liên kết với 4 hộ gia đình khác trồng khoai lang. Anh nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm, đồng thời cung cấp giống tốt, hướng dẫn kỹ thuật chăm bón phù hợp để củ đồng đều, sau khi chế biến khoai dẻo có màu vàng đỏ tự nhiên, đẹp mắt. Hiện nay, diện tích trồng khoai lang của “tổ hợp tác” này lên tới 12 ha, sản lượng khoai tươi trung bình 20 – 22 tấn/ha/vụ.
Anh Thăng cho biết khoai lang dẻo thành phẩm được các tiểu thương chợ Đà Lạt và các cửa hàng bán đặc sản Đà Lạt đặt mua với số lượng lớn. Vào mùa cao điểm du khách thường bị hút hàng, ngược lại mùa thấp điểm lại tiêu thụ chậm. Do đó, anh quyết định đầu tư kho lạnh để dự trữ, 3 tháng vẫn đảm bảo chất lượng, trước khi đóng gói bao bì được cho vào lò sấy lại. Để tăng giá trị sản phẩm, năm 2015, anh đầu tư thêm máy hút chân không, thời gian bảo quản được lâu hơn, thuận tiện cho du khách mang về làm quà.
Với 12 ha canh tác khoai lang cùng công nghệ chế biến khoai lang dẻo, anh Thăng và các thành viên “tổ hợp tác” thu về trung bình 200 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư, nhân công còn thu lãi khoảng 100 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Nung, cho biết xã hiện có khoảng 30 gia đình chế biến khoai lang dẻo, nhưng mô hình sản xuất của anh Nguyễn Đức Thăng là quy mô nhất. Những năm trước diện tích khoai lang của xã chỉ khoảng 30 – 35 ha, nhưng năm nay đã tăng lên hơn 80 ha. Giá khoai lang tươi hiện nay khoảng 13.000 đồng/kg loại 1, cao điểm lên tới 18.000 đồng/kg, trở thành nguồn thu nhập chính của một bộ phận cư dân ở xã.
Còn theo ông Lê Quang Húy, Chủ tịch UBND xã Tà Nung, trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020, xã cố gắng xây dựng thương hiệu cho khoai lang dẻo Tà Nung. Trước mắt xã phối hợp với các cơ quan chức năng của TP.Đà Lạt hướng dẫn người dân sản xuất khoai lang đạt tiêu chuẩn VietGap.
Bạn đọc có thể liên hệ với anh Thăng qua điện thoại 0962097446 để học hỏi kinh nghiệm.
Nguồn: Sưu tầm