Một số điều cần lưu ý khi chăn nuôi gà đẻ và gà con
1. Để biết chuồng úm có đủ, thừa hoặc thiếu nhiệt khi nuôi gà con?
Để cung cấp nhiệt độ cho gà con 1-21 ngày tuổi cần chú ý khâu xây dựng chuẩn bị chuồng trại. Chuồng phải đảm bảo mùa đông ấm, hè thoáng mát.
Khi đông về, nơi nuôi gà con mới nở (úm) phải được che chắn chu đáo, đảm bảo giữ được nhiệt và không có gió lùa gây mất nhiệt. Muốn vậy cần có phòng úm riêng và dùng cót quây tròn, cót cao 50-70cm. Dùng bóng điện mở có công suất 250-500W mỗi bóng đủ sưởi cho 100 gà mới nở; trên bề mặt cót quây phủ kín để giữ nhiệt. Cũng có thể sưởi bằng bếp (điện hoặc than). Để tránh gà bị bỏng cần làm một cái nơm sắt giống nơm cá, rồi chụp lên bếp.
Bằng mắt thường ta có thể biết được nhiệt độ chuồng gà thiếu, đủ hay thừa. Nếu nhiệt trong chuồng đủ độ ẩm ta thấy gà đi lại thoải mái hoặc nằm san đều trong quây, trong chuồng. Nếu thiếu nhiệt gà sẽ bị rét và nằm chụm lại quanh lò sưởi hoặc ngay dưới bóng điện và ngại đi lại, không chịu ăn uống. Nếu rét quá gà hay bị ỉa chảy, phân loãng có nhiều màu trắng. Nếu nóng quá gà tản xa nguồn nhiệt, sã cánh há mỏ, thở dồn dập và uống nước nhiều (chú ý khi dùng bếp than hoặc bếp trấu sưởi cho gà phải có ống thu dẫn khí độc thải ra ngoài chuồng).
2. Nên cho gà đẻ ăn mấy lần trong ngày? Thời điểm nào cho ăn tốt nhất
Đối với gà đẻ ta cần cho gà ăn tự do, tức là trong máng ăn phải luôn có thức ăn. Tuy nhiên, lượng thức ăn trong ngày phải được chia ra thành nhiều lần cho ăn và giữa mỗi lần cho ăn phải có một thời gian ngắn hơi thiếu thức ăn để gà ăn sạch máng, hạn chế thức ăn cũ bị tồn đọng lâu trong máng ăn. Trong điều kiện khí hậu của nước ta, các trại thường cho gà ăn 2 lần trong ngày., vào sáng sớm và khi chiếu mát. Tuy nhiên, trong những mùa có nhiệt độ thấp và gà đang đẻ cao điểm ta cần cho gà ăn 3 lần trong ngày để kích thích gà ăn được nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất cao điểm (lần 1: vào sáng sớm, lần 2: vào giữa trưa, lần 3: vào chiều tối).
3. Khi nào thì tẩy giun sán cho gà đẻ
Tỉ lệ nhiễm giun sán gà rất cao, nhất là ở những đàn nuôi dưới nền. Giun sát ít khi làm chết gà, nhưng chúng sẽ làm giảm năng suất, tiêu phí thức ăn cao, gây rối loạn tiêu hoá, tạo điều kiện cho những bệnh khác đột phát. Đối với những đàn gà đẻ cần có qui trình tẩy giun sáng định kỳ, có thể thực hiện lần thứ nhất vào thời điểm trước khi gà lên đẻ 2 tháng, sau đó cứ 3 tháng thực hiện một lần. Cần chú ý chỉ sử dụng những thuốc tẩy giun có độ an toàn cao, ít gây độc cho gà và ít ảnh hưởng đến năng suất trứng.
4. Dựa vào những yếu tố nào để có thể phân biệt được gà giảm đẻ do thức ăn hay do bệnh tật và môi trường
Nếu ta tìm được nguyên nhân làm gà giảm đẻ ngay khi mới xảy ra thì biện pháp can thiệp sẽ đơn giản hơn và thiệt hại cũng ít hơn. Trong thực tế nếu ta theo dõi đàn gà ghi chép cẩn thận thì ta cũng có thể phân biệt một cách cơ bản sự khác nhau giữa 2 nhóm nguyên nhân gây giảm đẻ như sau:
Giảm đẻ do thức ăn kém chất lượng hoặc do ăn không đủ: gà giảm đẻ kèm theo tỉ lệ trứng nhỏ tăng, toàn đàn khoẻ mạnh, ăn uống bình thường, có khi kèm theo hiện tượng cắn mổ. Khi điều chỉnh lại thức ăn thì trong vòng 1-2 tuần năng suất trứng sẽ phục hồi.
Giảm đẻ do bệnh và môi trường: toàn đàn có biều hiện giảm ăn, lượng trứng giảm nhưng tỉ lệ trứng nhỏ không tăng nhiều, trứng có màu sắc lạ, có dính máu,.. Khi cải thiện môi trường và dùng đúng thuốc điều trị thì năng suất trứng sẽ hồi phục trong thời gian dài (có khi kéo dài đến 15 ngày).
Tuy nhiên, muốn năng suất trứng của gà hồi phục nhanh thì ta nên kết hợp nhiều biện pháp can thiệp cùng một lúc, như: vừa điều chỉnh thức ăn, kết hợp với tăng cường thông thoáng, tăng cường làm mát trại, bổ sung thêm những vitamin để giúp gà tăng sức kháng bệnh.
Nguồn: sưu tầm