Thâm canh tốt đàn lợn nái để tăng số lứa đẻ/năm, tăng số lượng và chất lượng lợn con trong một lứa, giảm số đầu con mà vẫn đảm bảo đủ số lợn nuôi thịt là rất cần thiết trong chăn nuôi lợn nái hiện nay.
Chọn giống
Để lợn nái sinh sản đạt năng suất cao, phải chọn những con giống tốt. Trước tiên phải chọn theo gia phả, những con sữa tốt, sai con, mau lớn… sẽ sinh sản ra đàn con, cháu mang những đặc điểm di truyền tốt kể trên. Sau đó, dựa vào ngoại hình để lựa chọn, lợn nái giống phải có ngoại hình cân đối, đòn dài, đùi to, mỡ lưng mỏng, mông lớn, bụng thon, vai nở, ngực sâu, bộ khung xương vững chắc, đi trên ngón, không đi trên bàn, móng chân đều chắc chắn, không có dị tật, không bị bọc mủ, viêm khớp. Da, lông mướt mịn. Mắt lanh lợi, không đổ ghèn. Khung xương vững chắc, không nứt móng. Bước đi nhanh nhẹn không khập khiễng, không tiêu chảy, không ho, hen, suyễn, thở gấp. Số vú 13 – 17, vú đều, khoảng cách giữa 2 hàng vú ngắn lộ ra các núm vú, dễ cho con bú. Theo dõi thấy lợn tăng trọng nhanh (trên 600 – 650 g/ngày).
Lợn nái có chất lượng tốt sẽ động dục lần đầu sớm (lợn ỉ, móng cái 3 – 4 tháng, lợn lai 6 – 7 tháng, lợn ngoại 7 – 7,5 tháng), khi động dục lần thứ hai trở đi mới cho phối giống (lợn ngoại trên 100 kg, lợn lai 60 – 80 kg, lợn ỉn, móng cái 45 – 50 kg). Khi lợn nái động dục quá muộn sẽ quá béo thường sinh sản kém, nên thải loại.
Những con lợn nái tốt sinh sản lần đầu được 8 – 10 con còn sống; trọng lượng 1,3 – 1,5 kg/con, ít con có trọng lượng dưới 0,8 kg. Trọng lượng cai sữa bình quân 5 – 8 kg (tùy theo cai sữa 21 ngày hay 28 ngày tuổi) số con cai sữa 8 – 9 con/ổ. Khi cai sữa, trọng lượng lợn nái giảm 8 – 10% so với trọng lượng khi đẻ ra 3 ngày; số ngày chờ phối lứa mới kể 5 – 7 ngày sau khi cai sữa; số con ở lứa đẻ sau có thể cao hơn lứa đầu 10 – 15% là con lợn nái tốt. Không chọn lợn phối 3 lần không đậu.
Thời điểm phối giống
Lợn nái đẻ nhiều con, ngoài chất lượng giống, độ tuổi và trọng lượng lên giống, ta phải chọn thời điểm phối giống thích hợp nhất. Chu kỳ phát dục của lợn là 21 ngày, khi phát dục lợn có biểu hiện bỏ ăn, buồn bực, phá chuồng, nhảy lên những con khác. Đối với lợn nái nuôi con thường phát dục sau khi tách con 1 – 7 ngày. Thời gian phát dục của lợn nái 3 – 5 ngày. Đối với lợn ỉn, lợn móng cái thời điểm phối giống thích hợp cuối ngày thứ 2, đầu ngày thứ 3, còn với lợn lai và lợn ngoại cuối ngày thứ 3, đầu ngày thứ 4. Hoặc khi quan sát thấy âm hộ chuyển từ sưng đỏ sang héo dần, có nếp nhăn và dịch nhờn tiết ra thì đó là thời điểm phối giống tốt nhất, đậu thai nhiều nhất.
Chăm sóc, nuôi dưỡng
Trong thời điểm lợn mang thai 1 – 90 ngày, nhu cầu dinh dưỡng của lợn ít hơn giai đoạn 90 – 114 ngày. Ở giai đoạn I chỉ cho lợn nái ăn 2 – 3 kg/ngày, chia làm 2 lần sáng và chiều, để đảm bảo lợn vẫn đủ dinh dưỡng nhưng không quá béo. Đến giai đoạn II, tăng 25 – 30% lượng thức ăn để con đạt trọng lượng sinh sản cao. Bã rượu và thức ăn ủ men có chứa chất kích thích, dễ gây sảy thai, vì vậy chỉ cho lợn ăn dưới 15% trong khẩu phần ăn.
Khi lợn có biểu hiện ăn ít, kêu rền, phá chuồng là lợn có biểu hiện sắp đẻ. Để lợn không mất nhiều năng lượng, nên lót ổ đẻ bằng rơm, cỏ khô hoặc bao bố sạch vào chuồng cho lợn nằm. Khi sắp sinh, lợn đi lại không yên, đi tiểu, đi phân nhiều lần, nên cần vệ sinh sạch sẽ, khô ráo để tránh nhiễm trùng cho lợn con và bộ phận sinh dục cho lợn mẹ sau khi sinh.
Lợn mẹ khi sinh cần đảm bảo thoáng mát, yên tĩnh, tránh sự ồn ào, tiếp xúc của người lạ, chó, mèo… làm lợn hoảng sợ, hung dữ dẫn đến lợn ngừng đẻ hoặc đẻ chậm, số lợn con chết lúc đẻ tăng. Ngay sau khi lợn đẻ xong, tiêm Terramycin, Tylan 50, Suanavil 5, liều lượng 10 cc/ngày, liên tục trong 3 ngày để phòng bệnh viêm tử cung cho lợn mẹ mà không ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa. Có thể tiêm kèm thuốc bổ khi tiêm kháng sinh để lợn mau phục hồi, kích thích lợn ăn nhiều, gia tăng lượng sữa cho lợn con.
Lợn mẹ chỉ sản xuất sữa đầu trong vòng 24 giờ sau sinh. Sữa đầu đậm đặc hơn sữa thường, nhiều chất dinh dưỡng, protein, đặc biệt là kháng thể của lợn mẹ truyền cho lợn con, giúp lợn con kháng bệnh tốt hơn. Nên cho lợn con bú nhiều lần một ngày, tránh hiện tượng lợn con không bú hết sữa. Sữa ứ đọng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhiễm, phát triển gây viêm vú, rối loạn tiêu hóa ở lợn con. Trong giai đoạn nuôi con, sức ăn của lợn mẹ giảm, trong khi nhu cầu dinh dưỡng cần phải cao hơn để tạo sữa, dễ dẫn đến hiện tượng thiếu dinh dưỡng để nuôi con. Vì vậy cần cho lợn mẹ ăn 3 – 4 lần/ngày, thức ăn tinh, nhiều dinh dưỡng.
Lợn con được 6 – 7 ngày tuổi, sau khi ăn no, rải những viên cám ăn thẳng (loại chuyên dùng cho lợn 7 – 15 ngày tuổi) ở những chỗ sạch sẽ, khô ráo để kích thích lợn tập ăn. Thời gian này, nên nhốt riêng lợn mẹ và lợn con, lợn con sử dụng cám ăn thẳng sau đó lại cho sang bú mẹ. Số lần bú mẹ/ngày giảm dần. Sau 15 – 20 ngày lợn con sẽ sử dụng tốt thức ăn. Lợn con được 21 ngày tuổi có thể tách mẹ, và chuyển lợn mẹ vào trạng thái nuôi vỗ, chuẩn bị phối giống và mang thai đợt tiếp theo.
Nguồn: sưu tầm