Gà Ai Cập hay còn gọi là gà Fayoumi là một giống gà có nguồn gốc từ vùng Ai Cập và được nhân giống từ lâu trong lịch sử. Đây là giống gà cao sản và cho năng suất cao về sản phẩm trứng gà. Ngay từ thời trước công nguyên, người Ai Cập đã nổi tiếng về việc nuôi gà để lấy trứng. Họ nuôi giống gà Fayoumi là giống có nguồn gốc từ thành phố Fayoum cổ đại của Ai Cập.
Gia đình bà Nguyễn Thị Bình ở thôn Gia Phong, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) là một trong vài hộ đầu tiên tại huyện Vĩnh Bảo nuôi gà Ai Cập đẻ trứng.
Bà Bình chăm sóc đàn gà Ai Cập lai
Hiện gia đình bà duy trì đàn gà chuyên trứng gồm 2.000 con gà Ai Cập lai, thu lãi 350 – 400 triệu đồng mỗi năm. Mô hình đang được nhiều hộ quanh vùng nhân rộng.
Dẫn chúng tôi đi thăm trại nuôi gà đẻ, bà Bình giới thiệu: Đây là giống gà Ai Cập lai AG1, có nhiều đặc tính của loài hoang dã, sức đề kháng cao nhưng chuồng trại vẫn phải đảm bảo hợp lý. Chuồng bê tông, có sử dụng thêm rèm bốn phía xung quanh, dùng trấu làm chất độn chuồng để giữ ấm và vệ sinh. Theo bà Bình, để có chuồng nuôi đầy đủ trang thiết bị phù hợp, cần đầu tư 20 – 30 triệu đồng/1.000 con.
Giống nhập về, phải chú ý loại hết con đực trong đàn để tập trung nuôi gà hướng trứng. Nếu có con trống thì gà mái sẽ có nhu cầu ấp nở, đẻ kém đi đồng thời cũng hại sức gà đẻ.
Thấy người lạ, đàn gà chạy tán loạn vào các góc chuồng. Theo bà chủ, giống gà này rất nhát. Để tránh làm cho gà hoảng sợ, ảnh hưởng đến chất lượng đẻ trứng, bà Bình hạn chế để người lạ vào khu chuồng nuôi. “Khó nhất là lúc tiêm vacxin phòng bệnh. Cán bộ thú y phải đến tiêm gà vào buổi tối, không dùng đèn điện chiếu sáng mà phải soi bằng điện thoại để tránh cho gà nhìn thấy người lạ”, bà nói.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Vĩnh Bảo, gà Ai Cập lai chịu được nhiệt độ cao và môi trường kham khổ, hầu như không phải sử dụng thuốc kháng sinh nên sản phẩm trứng rất an toàn. Đây là hướng chăn nuôi an toàn sinh học, huyện đang hướng tới nhân rộng mô hình này.
Đàn gà hầu như không bao giờ mắc bệnh, bởi giống này sống khỏe, chống chịu tốt với môi trường khắc nghiệt, đồng thời được tiêm phòng đầy đủ. Chi phí vacxin không nhỏ do phải tiêm đến hơn chục loại vacxin, trong đó hầu hết là vacxin nhập ngoại, giá cao nhưng người nuôi sẽ không phải lo về dịch bệnh.
Cũng vì tính hoang dã như gà rừng nên gà AG1 rất hay mổ nhau. Vì thế bà Bình cắt mỏ gà khi chúng được 1 tháng tuổi. Bà cho chúng ăn cám công nghiệp trộn thêm ngô và ít rau xanh.
Bà Bình tính chi phí nuôi gà từ khi nhập giống về đến lúc gà đẻ (khoảng 24 tuần tuổi) là 130 nghìn đồng/con. Gà đẻ liên tục trong hơn 1 năm, thời gian nghỉ giữa các đợt đẻ ngắn hơn gà thường. Trong khi gà thường đẻ khoảng 150 – 180 trứng/năm thì năng suất của gà AG1 đạt 230 – 250 trứng/năm.
Theo bà Bình, thị trường tiêu thụ trứng gà Ai Cập còn rộng mở, sản phẩm rất dễ bán. Người tiêu dùng chuộng trứng gà Ai Cập hơn gà thường vì ngon hơn, nhiều lòng đỏ. Giá cao hơn trứng gà thường khoảng 500 – 600 đồng/quả. Đến khi gà thải loại, bán vẫn được giá vì thịt gà Ai Cập ngon không kém gà ta.
Nguồn: Sưu tầm