Phát triển khá nhờ chăn nuôi đúng hướng

Khi Việt Nam gia nhập cộng đồng quốc tế sâu rộng thì ngành chăn nuôi sẽ gặp không ít khó khăn; trong đó có chăn nuôi gà. Tuy nhiên, vẫn có nhiều địa phương vẫn phát triển tốt nhờ chăn nuôi hiệu quả; điển hình như mô hình chăn nuôi gà tại xã giang biên, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.

Nhiều lợi thế

Theo quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn của TP Hải Phòng, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ thực hiện theo hướng tập trung. Đồng thời, Thành phố chỉ áp dụng khuyến khích, ưu đãi đối với những dự án phát triển chăn nuôi tập trung quy mô trang trại, gia trại. Năm 2015: Thực hiện Quyết định số 50/2014 QĐ-TTg ban hành ngày 9/4/2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 – 2020; UBND thành phố Hải Phòng có Quyết định số 1824/QĐ-UBND ngày 7/8/2015 phê duyệt kế hoạch hỗ trợ hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học trên địa bàn thành phố năm 2015 đối tượng áp dụng là các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, gia câm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp.

Nhưng thực tế, những trang trại của Hải Phòng thành công trong phát triển chăn nuôi bền vững chưa cao. Trong khi đó, có hàng nghìn nông dân, gồm cả các hộ dân xã Giang Biên, lại sống được nhờ chăn nuôi gà quy mô tập trung trên diện tích đất ở nhỏ hẹp được cấp. Bình quân, mỗi 200 m2 đất ở, nông dân xã Giang Biên nuôi 3 vụ gà/năm, quy mô 2.000 con/vụ. Tính bình quân, cứ 1.000 gà nuôi lời 20 triệu đồng; 2.000 gà lãi 40 triệu đồng, và 3 vụ gà đem lại 100 – 120 triệu đồng/năm cho người dân, chỉ với diện tích 200 m2.

Ông Vũ Văn Nể, Phó ban Nông nghiệp xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo cho biết: Những năm trước, Giang Biên sản xuất thuần nông, chủ yếu là cấy lúa và trồng thuốc lào; chăn nuôi lợn, gà, vịt quy mô nông hộ nhỏ lẻ, phân tán do đó nguồn thu của xã rất thấp. Những năm gần đây ngành chăn nuôi khá phát triển (chăn nuôi được coi là ngành sản xuất chính), đến năm 2012 toàn xã có 84 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sau 3 năm tốc độ phát triển chăn nuôi rất nhanh, đến tháng 8/2015 toàn xã có 300 hộ chăn nuôi trong đó có 170 hộ nuôi gà theo 3 loại hình: nông hộ, gia trại, trang trại. Sản lượng 1 năm 750.000 – 800.000 con gà thịt chất lượng cao, 130 hộ chăn nuôi lợn, ngan, vịt… Có thể nói Giang Biên là xã chăn nuôi gà nhiều nhất huyện Vĩnh Bảo.

Hộ nuôi gà trung bình 3.000 con/lứa cho lãi 40 – 50 triệu đồng, một năm bình quân 2,5 lứa có thu nhập 100 – 150 triệu đồng. Ông Nể cho biết thêm, giống gà nuôi ở Giang Biên do nhiều công ty cấp, nhưng giống gà của Công ty Cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ được nhiều người chăn nuôi ưa chuộng nhất bởi thịt ngon, bán được giá, lãi suất cao và những khi tiêu thụ chậm, ít người mua, Công ty cũng giúp tiêu thụ một phần gà thịt.

Một hộ nuôi gà tại xã Giang Biên chia sẻ, gà của Lượng Huệ chất lượng thịt thơm ngon, ngọt như gà ri truyền thống nên được thị trường ưa chuộng. Màu lông gà cả trống, mái rất đẹp, phù hợp thói quen, tín ngưỡng người Việt. Đặc biệt, trong lượng giữa gà trống và mái đồng đều, tỷ lệ mỡ thấp. Nhờ đặc tính “tốt gỗ tốt cả nước sơn” nên thời gian qua nuôi gà chưa khi nào bị lỗ. Cùng với đó, giống gà của Lượng Huệ còn thích nghi với nhiều loại hình chăn nuôi khác nhau, ít bị dịch bệnh, cho năng suất và hiệu quả chăn nuôi cao. Chị Phạm Thị Phương, Trưởng ban Thú y xã Giang Biên cho biết giống gà của Lượng Huệ có 3 ưu điểm hơn hẳn các giống gà khác đó là: Sức kháng bệnh tốt, tỷ lệ nuôi sống rất cao; Màu sắc lông, da đẹp; Thịt thơm ngon, dễ bán, giá cao. Ngoài ra, Công ty rất quan tâm tạo điều kiện để những người chăn nuôi gà đạt hiệu quả kinh tế cao.

Chăn nuôi an toàn sinh học

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng Đinh Công Toản cho biết, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học vào sản xuất toàn diện là giải pháp quan trọng hàng đầu để nền chăn nuôi phát triển bền vững. Chính vì vậy thời gian qua, Thành phố chỉ đạo các đơn vị trong ngành, địa phương tích cực triển khai cơ chế chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất.

Tại Công ty Cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ, đơn vị đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu, thiết kế công nghệ chuồng nuôi kiểu kín – hở theo hướng công nghiệp hiện đại phù hợp với tiểu vùng khí hậu của Hải Phòng và xây dựng quy trình chăn nuôi và phòng trị bệnh phù hợp cho gà lông màu để chuyển giao cho các trang trại vệ tinh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. Công ty hiện có khu chăn nuôi lớn được cấp chứng nhận VietGAHP, khâu giết mổ thực hiện theo quy trình giết mổ an toàn. Các sản phẩm được đăng ký độc quyền thương hiệu Lượng Huệ. Năm 2013, Công ty còn liên kết với Công ty Đồ hộp Hạ Long cho ra thị trường 4 sản phẩm chế biến đồ hộp gồm gà ri kho gừng, gà ác tần thuốc bắc, gà ri hầm hạt sen và gà ri hầm nấm. Các sản phẩm này đều được đăng ký độc quyền thương hiệu. Hiện, Công ty đang triển khai xây dựng khu giết mổ gia cầm tập trung quy mô lớn, công suất giết mổ 4.000 tấn/năm, được dự án LIFSAP hỗ trợ kinh phí 30 nghìn USD và đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống cửa hàng bán lẻ sản phẩm an toàn.

Với mô hình khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ được bảo vệ an toàn trước đại dịch cúm gia cầm. Không những vậy, sản phẩm gà giống và gà giết mổ tập trung, đóng gói, có đăng ký thương hiệu của doanh nghiệp vẫn tiêu thụ đều trong cả thời điểm dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn thành phố.\

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Phát triển khá nhờ chăn nuôi đúng hướng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *