Được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2015, với diện tích hơn 3,5 ha, khu chăn nuôi tập trung tại thôn Quảng Mản, xã Bình Khê là một trong 2 mô hình chăn nuôi tập trung đầu tiên ở TX Đông Triều (cùng với quy hoạch khu chăn nuôi tập trung ở xã Nguyễn Huệ). Mô hình này đang phát huy được hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực vào giảm nghèo và cải thiện môi trường nông thôn hiện nay.
Bình Khê là một trong những vùng chăn nuôi trọng điểm của TX Đông Triều với nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao như: lợn siêu lạc, bò sữa, gà thả vườn. Theo thống kê của xã Bình Khê, tính đến hết tháng 10/2015, tổng đàn lợn ở xã là 29.403 con; gia cầm là 87.239 con; toàn xã có 210 mô hình trang trại và gia trại, tập trung chủ yếu ở các thôn Quảng Mản, Trại Dọc, Ninh Bình và Đồng Đò. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ, không tập trung, chăn nuôi gần các khu dân cư, khiến cho việc xử lý chất thải và kiểm soát dịch bệnh của nhiều hộ trong xã gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng trên, xã đã quy hoạch thí điểm vùng chăn nuôi tập trung tại thôn Quảng Mản nhằm giải quyết những khó khăn đó.
Chuyển về khu chăn nuôi tập trung, hộ anh Nguyễn Văn Tuấn (thôn Quảng Mản, xã Bình Khê) có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dự án khu chăn nuôi tập trung ở xã được ngân sách nhà nước đầu tư 3,5 tỷ đồng (năm 2013). Vị trí xây dựng khu chăn nuôi tập trung nằm ở cánh đồng Dọc Rắn, thôn Quảng Mản, cách xa khu dân cư hơn 1km. Dự án hỗ trợ xây dựng bãi đỗ xe, đường vào khu chăn nuôi, hệ thống đường điện, nước, hầm khí biogas; tạo điều kiện mặt bằng miễn phí trong 50 năm cho 10 hộ vào chăn nuôi tập trung tại đây. Các hộ sẽ đầu tư xây dựng thêm hệ thống chuồng trại, con giống để phát triển chăn nuôi với quy mô lớn. Hiện 10 hộ đã vào sản xuất tập trung phát triển chăn nuôi lợn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn (thôn Quảng Mản) là một những hộ chuyển vào khu chăn nuôi tập trung sớm nhất. Trước đây, gia đình anh chăn nuôi tại nhà, gần khu dân cư, nên gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi. Mặc dù đã áp dụng các biện pháp vệ sinh chuồng trại, nhưng mùi hôi từ nước thải chăn nuôi làm ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Quỹ đất hạn hẹp nên gia đình muốn mở rộng chuồng trại rất khó. Việc kiểm soát dịch bệnh cũng rất khó khăn. Khi xã triển khai dự án, gia đình anh Tuấn đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Sau khi được địa phương cho phép vào khu chăn nuôi tập trung, gia đình anh đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại để nuôi lợn. Đầu năm 2015, gia đình anh Tuấn đã chuyển mô hình chăn nuôi lợn tại nhà ra khu chăn nuôi tập trung. Đến nay, 250 con lợn thịt nuôi lứa đầu tiên của gia đình bắt đầu xuất ra thị trường. “Từ khi chuyển ra khu chăn nuôi tập trung tôi thấy hiệu quả và thuận tiện nhiều so với chăn nuôi tại nhà. Khu chăn nuôi nằm ở vị trí thoáng mát, đường sá đi lại thuận tiện, nên chúng tôi đều yên tâm, phấn khởi đầu tư phát triển chăn nuôi trên quy mô lớn hơn. Đàn lợn nhà tôi đã xuất bán được 50 con, thu lãi hơn 80 triệu đồng. Sắp tới, gia đình tôi xuất chuồng tiếp 200 con lợn thịt” – anh Tuấn vui mừng chia sẻ.
Không chỉ cho hiệu quả về kinh tế cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khu chăn nuôi tập trung còn tạo điều kiện cho các hộ cùng nhau phát triển, học hỏi trao đổi kinh nghiệm, giảm chi phí trong nuôi, tăng khả năng cạnh tranh (cùng nhau nhập, hợp đồng con giống, thức ăn thuốc, vật tư… sẽ hạ giá thành, số lượng xuất bán lớn). Việc chăn nuôi tập trung còn có tác dụng dễ kiểm soát, khống chế các dịch bệnh.
Ông Phùng Văn Nết, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khê, cho biết: Khu chăn nuôi tập trung tại thôn Quảng Mản bước đầu mang lại thu nhập cao cho các hộ dân nằm trong dự án; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương. Việc đưa vào sử dụng khu chăn nuôi này phần nào đáp ứng nhu cầu chăn nuôi tập trung, quy mô lớn của một số hộ trong xã. Xã mong Nhà nước tiếp tục đầu tư hỗ trợ để địa phương mở rộng khu chăn nuôi tập trung ra nhiều thôn khác trên địa bàn xã.