Phòng trị bệnh thường gặp ở trâu, bò

Trâu  bò là gia súc được nuôi rất nhiều ở nước ta. Ngoài việc cung cấp sức lao động, trâu bò còn là gia súc có giá trị kinh tế cao. Với thời tiết nóng ẩm ở nước ta, trâu bò thường mắc 1 số bệnh như lở mồm, long móng, tụ huyết trùng… Bài viết sau sẽ hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trị bệnh thường gặp ở trâu, bò

Phòng trị bệnh thường gặp ở trâu, bò - z300 nguoi chan nuoi 169

Cách phòng trị bệnh thường gặp ở trâu, bò

Cảm nắng, cảm nóng

Vật nuôi thường có biểu hiện lờ đờ, chân đi lảo đảo, niêm mạc tím bầm; sau đó, rơi vào trạng thái căng thẳng, lồng lộn hoặc sợ hãi, hai mắt lồi lên, đỏ, mạch nhanh, yếu, khó thở, nếu không chữa trị kịp thời sẽ chết.

Theo đó, cần tách riêng trâu, bò đến nơi nhiều bóng mát. Dùng quạt máy với tốc độ vừa phải để giúp vật nuôi hạ nhiệt từ từ. Dùng khăn lau mát ở phần đầu, mặt sau đó xuống toàn thân. Bổ sung nước uống trực tiếp cho trâu, bò, tốt nhất là cho một ít muối ăn hòa vào nước hoặc rau má với lượng 0,5 – 1 kg, rau diếp cá với lượng 0,2 – 0,5 kg giã nhỏ cùng 20 – 30 g muối hòa với 1 – 2 lít nước rồi cho uống. Hoặc dùng 100 – 200 g bột sắn dây, bột đỗ đen rang hòa 2 – 3 lít nước, uống 2 – 3 lần/ngày. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc, chất điện giải như Han-Lytevit C, Vitamin C, Bcomlex, đường Gluco…

Tụ huyết trùng

Là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gram âm Pasteurella gây ra. Khi bị bệnh, trâu, bò thường mệt mỏi, sốt cao 40 – 410C từ 1 – 3 ngày. Các niêm mạc, mắt, mũi đỏ sẫm, rồi tái xám, nước mắt, nước mũi chảy liên tục, thở mạnh. Hạch hầu, hạch trước vai sưng. Lúc đầu, trâu, bò có hiện tượng táo bón sau đó ỉa chảy, phân lẫn máu và niêm mạc ruột. Lúc gần chết vật nuôi nằm liệt, đái ra máu, có nhiều chấm xuất huyết ở các niêm mạc.

Phương pháp phòng bệnh hiệu quả và rẻ tiển nhất là tiêm vaccin tụ huyết trùng 2 lần/năm, kết hợp với các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Để trị bệnh dùng kháng huyết thanh chống bệnh tụ huyết trùng tiêm dưới da cho trâu, bò với liều lượng 60 – 100 ml/con, bê nghé với liều lượng 20 – 40 ml/con. Hoặc có thể tiêm Streptomycin, Tetracylin, liều 2 g/100 kg thể trọng, tiêm ngày 2 lần, liên tục trong 4 – 5 ngày, ngoài ra cần tăng cường bồi dưỡng, chăm sóc, trợ sức cho vật nuôi.

Lở mồm, long móng

Phòng trị bệnh thường gặp ở trâu, bò - phong tri benh thuong gap o trau bo 13508

Đây là căn bệnh do virus gây ra và có khả năng lây lan mạnh. Triệu chứng thường gặp, vật nuôi sốt cao 40 – 420C, kéo dài trong 2 – 3 ngày, kém ăn, khó khăn khi nằm xuống, đứng lên. Xuất hiện nhiều mụn nước ở chân, miệng (lưỡi, môi và chân răng). Ban đầu mụn nhỏ, có màu vàng trong sau bị vẩn đục, to dần, vỡ ra tạo vết loét đỏ, nếu chăm sóc và vệ sinh không tốt dẫn đến long móng. Bê nghé khi nhiễm bệnh có hiện tượng ỉa chảy, xuất huyết đường tiêu hóa hoặc bị viêm phổi và viêm phế quản.

Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp và tiêm phòng vaccin lở mồm long móng khi trâu, bò được 4 tháng tuổi. Không có thuốc trị bệnh đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phòng bệnh thứ phát. Dùng Vimekon để rửa chỗ loét hàng ngày. Sử dụng kết hợp một trong các loại thuốc trị viêm loét và các loại bệnh thứ cấp như: Vime Blue xịt nơi vết thương giúp mau lành da non, Penicilin 4M, liều lượng 1 lọ/500 – 1.000 kg thể trọng, Ampi 1g, liều lượng 1 lọ/100 kg thể trọng. Sau quá trình điều trị cần sử dụng các loại thuốc trợ lực như Vitamin C, Bcomlex…

Tiêu chảy

Khi bị tiêu chảy, vật nuôi uống nhiều nước, ăn ít hoặc bỏ ăn, không nhai lại; sau đó, ỉa lỏng, đầu tiên phân sệt sau đó vài ngày sau ỉa chảy nặng phân chỉ là dịch màu xám xanh, xám vàng có mùi tanh. Trường hợp nặng trâu, bò bị xuất huyết ruột, phân lẫn máu và niêm mạc lầy nhầy.

Để phòng bệnh, cho trâu, bò ăn thức ăn đảm bảo chất lượng, định kỳ tẩy giun sán 6 tháng/lần. Khi có biểu hiện bệnh, cho ăn nhẹ, giảm lượng thức ăn thô, xanh, cho ăn thêm cháo, gạo. Để trị bệnh hiệu quả cần kiểm tra tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Hòa Veme – Electrolyte vào nước uống, liều lượng 1 g/4 lít, cho uống theo nhu cầu để bù nước và cân bằng chất điện giải. Nếu tiêu chảy nặng cần truyền nước sinh lý để chống mất nước. Khi phân có mùi hôi thối, tiêm Vitamin K, 1 ml/20 kg trọng lượng và Marbovitry, 1 ml/10 kg trọng lượng để phòng nhiễm trùng kế phát và tiêm Poly AD 1 ml/20 kg thể trọng giúp hồi phục niêm mạc ruột bị tổn thương.

Nguồn: sưu tầm

Thảo luận cho bài: Phòng trị bệnh thường gặp ở trâu, bò

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *