Với gần 20 năm phát triển, nghề nuôi bò sữa tại xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) đã giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú, bộ mặt làng quê ngày một đổi thay.
Chăm chút đặc biệt
Nghề nuôi bò sữa bắt đầu từ năm 1992 nhưng thực sự có “hình hài” từ năm 1999 tại xã Phù Đổng, với quy mô tại 3 thôn Phù Dực 1, Phù Dực 2 và Phù Đổng. Hiện, toàn xã có khoảng 2.000 con với gần 800 hộ nuôi, sản lượng khai thác 16 – 17 tấn sữa/ngày. Toàn xã có 6 trạm thu mua sữa cho Công ty CP sữa Quốc tế (IDP), Vinamilk…
Ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Chăn nuôi xã Phù Đổng cho biết: Năm 1990, người nuôi bắt đầu học hỏi từ dự án hỗ trợ nuôi bò sữa của Pháp và Bỉ; tiếp đó là kinh nghiệm từ các chuyên gia Đại học Nông nghiệp những năm 2000. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, Trạm Chăn nuôi huyện Gia Lâm… cùng với việc tích lũy kinh nghiệm từ cá nhân, nuôi bò sữa ngày càng hiệu quả, chiếm 1/3 tổng giá trị kinh tế toàn xã.
Theo nhiều người dân tại Phù Đổng, nhờ nuôi bò sữa, bộ mặt nông thôn và thu nhập của người dân địa phương tăng lên đáng kể. Trung bình mỗi lít sữa đạt chất lượng, người nuôi lãi 3.000 – 4.000 đồng. Nếu sữa chưa đạt tiêu chuẩn về độ khô, doanh nghiệp mua giá thấp hơn, mức lãi suất đạt khoảng 2.000 đồng/lít. Nhưng nhìn chung, nghề nuôi bò sữa đem lại thu nhập cao. Bình quân, nếu biết chăm sóc, nuôi 2 con bò cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, lợi nhuận khi nuôi mùa hè đạt 45%, mùa đông trên 50%.
Nếu chăm sóc tốt, người dân nuôi 2 con bò sữa cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm – Ảnh: CTV
Bí quyết và phương châm thành công của người nuôi chính là sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi và chăm chút vật nuôi, không chỉ chăm sóc đúng kỹ thuật mà cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý… Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, vào mùa đông, xảy ra tình trạng thiếu lá cây cho bò, người dân cần tranh thủ gom mua lá từ các xã khác trong huyện và các huyện, tỉnh, thành phố khác. Cùng đó, cỏ lau và cây ngô rất tốt cho bò trong quá trình tạo sữa và tăng trưởng, mỗi hộ nuôi đều tận dụng diện tích đất trồng cây để sử dụng tại chỗ. Mặt khác, bò thường chịu lạnh yếu vào mùa đông nên cần phải có cửa chống rét; mùa hè cần có cửa thông thoáng, phun sương. Theo định kỳ, tiêm thuốc chống viêm vú, sử dụng túi ủ chua, tiêm phòng dịch bệnh khác cho bò. Mỗi con bò, nếu được chăm sóc tốt, có thể đẻ gần 20 lứa và cho sữa khoảng 16 năm.
Ông Vũ Văn Thực, người gom mua sữa của người nuôi chuyển cho Công ty Vinamilk cho biết: Vinamilk đã ký hợp đồng cam kết thu mua lâu dài với nông dân. Trung bình, người nuôi bò sữa tại địa phương cung cấp khoảng 8 tấn sữa/ngày cho Công ty Vinamilk; số còn lại được bán cho công ty khác. Giá sữa đang được bán 14.200 đồng/lít, chất lượng sữa ổn định. Do đó, người nuôi vẫn có lãi. Vào thời điểm mùa hè, lượng sữa thu được ít hơn, trung bình khoảng 4 tấn/ngày. Giá bán các công ty có chênh nhau nhưng người nuôi nhìn chung vẫn có thu nhập từ việc nuôi bò sữa.
Nâng cao chất lượng sữa
Đàn bò xã Phù Đổng chủ yếu có nguồn gốc từ giống bò Holstein Friesian của Hà Lan, đã lai tạo qua 5 – 6 lần nhưng chất lượng bò giống và sữa vẫn tốt, số lượng sữa vắt trung bình 20 kg/con/ngày. Mỗi con bò từ khi bắt đầu đẻ đến 3 tháng sau, lượng sữa khai thác đều đặn.
Để tạo ổn định trong sản xuất, người nuôi bò sữa tại địa phương mong muốn các doanh nghiệp có sự cam kết thu mua, không bị khống chế số lượng. Doanh nghiệp không nên mua sữa với giá chênh nhau quá nhiều. Cụ thể, giá sữa IDP mua của các hộ dân tại Gia Lâm trung bình 12.200 đồng/kg, trong khi các công ty khác (như Vinamilk…) vẫn đang mua 14.000 – 14.500 đồng/kg. Trước tình hình trên, HTX Dịch vụ Chăn nuôi xã Phù Đổng đã tìm cách giúp nông dân (như tiếp thị sữa tươi đến các trường học, cơ quan, tiệm bánh…); tuy nhiên con số này chưa được nhiều.
Ông Nguyễn Hữu Hòa cho biết, HTX đã nhiều lần đề nghị IDP cử đại diện đến làm việc trực tiếp với người chăn nuôi, kiểm soát số lượng bò, từ đó kiểm soát lượng sữa mua mỗi ngày. Tuy nhiên, IDP mới hứa hẹn sẽ về làm việc, cùng nhau tháo gỡ và có giải pháp siết chặt tình trạng vi phạm hợp đồng của hai bên. Đồng thời, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị IDP từ năm 2015 phải ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ chăn nuôi, phân rõ trách nhiệm của từng bên và yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Hòa cũng cho biết thêm: Hiện, người dân và chính quyền địa phương mong muốn cần có những hỗ trợ để nâng cao chất lượng đồng cỏ, hỗ trợ vốn để người dân nâng cao hơn nữa chất lượng sữa, chất lượng đàn bò. Thời gian tới, xã sẽ hợp tác với Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội để hỗ trợ về bò có chất lượng giống tốt… Năm 2015 và những năm tiếp theo, cần ổn định chất lượng sữa, duy trì số lượng đàn bò như hiện nay, hạn chế gia tăng số lượng, chú trọng chất lượng.
Nguồn: sưu tầm