Anh Trần Văn Hiệu ngụ thôn Cổ Dương, Đông Anh, Hà Nội nức tiếng khắp vùng nhờ nỗ lực vươn lên từ hai bàn tay trắng, bất chấp khó khăn theo đuổi nghề nuôi gà 2 thập niên, đến nay doanh thu 18 tỷ đồng/năm.
Để có được thành công hiện tại, ít ai biết anh Hiệu đã trải qua vô vàn khó khăn. Khởi nghiệp vào năm 1991 khi trong tay không vốn liếng, vay được Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) 2 triệu đồng, anh bắt tay nuôi gà đẻ trứng thương phẩm. Tuy nhiên, ngay từ những bước chập chững đầu tiên, anh đã vấp phải thử thách lớn.
Gà liên tục bị mắc bệnh còn trứng chất thành đống nhưng không có đầu ra. Đó là chưa kể giá trên thị trường xuống cực thấp. Thời điểm này anh Hiệu ăn ngủ không yên vì nguy cơ mất trắng hiển hiện trước mắt.
Song thua keo này thì bày keo khác, lần kế tiếp anh vẫn tiếp tục đầu tư vào nuôi gà. Thế nhưng, bài toán hóc búa của lần thất bại trước đó đã quay trở lại thách đố người chủ trang trại. Gà vẫn bị bệnh, trứng vẫn rớt giá. Từ những trăn trở, băn khoăn đó, anh Hiệu được khuyên nên chuyển đổi mô hình khác. “Khi ấy, những thất bại càng khiến tôi nung nấu quyết tâm nhiều hơn để chinh phục khó khăn”, anh Hiệu nhớ lại.
Kể từ đó, anh Hiệu mày mò tìm hiểu kinh nghiệm ở những trang trại gà khác, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn để nắm vững phương pháp nuôi gà. Bên cạnh đó, anh tiếp tục mạnh dạn vay vốn của Agribank để mở rộng mô hình kinh doanh. Năm 2003, tức 12 năm sau, trang trại gà của anh Hiệu đã phát triển được hàng nghìn con gà với số vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng.
Anh Hiệu nuôi gà Pháp |
Rút kinh nghiệm từ những lần sảy chân trước, để đảm bảo đầu ra, anh liên kết với các đại lý trên toàn quốc. Với cách làm chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, sản phẩm từ trang trại của anh Hiệu được đánh giá cao và tiêu thụ đều đặn hơn. Chia sẻ về chặng đường đã qua này, anh tâm sự: “Trải qua nhiều thất bại tôi thấm thía rằng may mắn là điều ai cũng cần, nhưng cốt lõi vẫn là sự nỗ lực của bản thân, cần phải không ngừng học hỏi để vượt khó”.
Khó khăn nhất với người nuôi gà là dịch bệnh dẫn tới việc không bán được sản phẩm. Vì thế, anh Hiệu luôn chú trọng vào việc phòng bệnh khi áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại với lịch tiêm phòng chi tiết.
Anh chia sẻ thêm, với người nuôi gà, nếu chỉ làm với tính chất tự phát, chưa tích lũy kiến thức đầy đủ thì khả năng thất bại rất cao. Ngoài việc được hỗ trợ vay vốn làm ăn, người nuôi gà còn phải có sự tỉ mỉ, chuyên sâu về nghề và luôn tìm hiểu những kiến thức mới nhất. “Làm được như thế thì dù có khó khăn ở một số thời điểm nào đó nhưng cuối cùng sẽ vượt qua hết”, anh nói.
Mãi đến tháng 2/2014, anh Hiệu chuyển đổi trang trại thành Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển chăn nuôi Hòa Phát. Hiện công ty của anh nuôi hơn 50.000 con gà, trong đó có 10.000 gà giống bố mẹ được nhập từ Pháp. Không chỉ nuôi gà đẻ trứng thương phẩm, doanh nghiệp còn cung cấp cả gà giống, gà thịt.
Chuồng trại của công ty được xây dựng quy mô lớn, có thiết bị thông gió, hệ thống cho gà ăn, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh được đầu tư bài bản. Mô hình nuôi gà của anh Hiệu là trang trại đầu tiên ở Hà Nội được nhận chứng chỉ chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Hà Nội cấp. Hiện tại, công ty có doanh thu đạt 17-18 tỷ đồng/năm, công nhân gần 20 người có thu nhập ổn định từ 5 triệu đồng trở lên.
Sắp tới, anh Hiệu dự định sẽ mở rộng quy mô trang trại để nhập thêm 20.000 gà bố mẹ từ Pháp. “Tuy giá nhập gà giống này đắt gấp 10 lần gà trong nước (160 nghìn/con một ngày tuổi), nhưng thể trạng gà rất tốt, đẻ trứng khỏe và bảo đảm chất lượng, rất được đối tác và người tiêu dùng ưa chuộng nên tôi quyết định chọn gà giống này”, anh chia sẻ.