Chanh là một loại quả phổ biến và có nhiều loại như chanh giấy, chanh đào… Hầu hết bộ phận của quả chanh đều là những vị thuốc tốt trong y học cổ truyền.
Vỏ quả: chiếm 13 – 24% trọng lượng của quả, có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng kích thích tiêu hóa, gây trung tiện chữa đầy bụng, nôn mửa, ho nhiều đờm.
Liều dùng hằng ngày: 5-10 vỏ phơi khô dưới dạng nước sắc. Để chữa sốt cao, co giật ở trẻ em, lấy vỏ quả chanh giã nhỏ, gói vào vải sạch, xoa miết khắp người như kiểu đánh gió, kết hợp cho uống nhiều nước dịch chanh. Vỏ chanh còn là nguyên liệu để sản xuất tinh dầu.
Dịch chanh:
Chiếm 23 – 95% trọng lượng quả. Dịch chanh 5 – 10 giọt đánh nhuyễn với lòng trắng trứng gà 1 quả, dùng bôi lên mặt để làm mất nếp nhăn. Dịch trộn với nước ép quả dâu tây, dùng chải tóc và bôi lên da đầu, sau gội đầu để tẩy chất nhờn và làm trơn tóc.
Về mặt y học, dịch chanh có vị chua, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, chống viêm, cầm máu. Ngậm múi chanh với ít muối, nuốt nước dần dần để chữa viêm họng, ho nhiều, háo khát. Dịch chanh (nửa thìa cà phê) hòa với bột long não 1g và rễ bạch hoa xà giã nhỏ 10g, bôi chữa hắc lào, lở chốc.
Hạt chanh: chiếm 5-7% trọng lượng quả, có thể dùng trong những trường hợp sau:
Chữa ho lâu ngày: hạt chanh 10 gr, hạt quất 10 gr, lá thạch xương bồ 10 gr, một mật gà đen. Tất cả dùng tươi, rửa sạch, giã nhỏ, thêm đường, hấp cơm, uống làm 2 – 3 lần trong ngày.
Chữa viêm cuống phổi, mất tiếng, nhất là ở trẻ nhỏ: hạt chanh 10 gr, hoa đu đủ đực 15g, lá hẹ 15 gr, nước 200ml. Nghiền nát các dược liệu với nước, thêm mật ong hoặc đường kính, uống 2 – 3 lần trong ngày.
Theo DS. Bảo Hoa